Dự kiến, tới năm 2035, Hà Nội sẽ sử dụng 50% xe buýt điện, 50% xe buýt chạy bằng năng lượng CNG/LNG.

buyt dien
Một chiếc xe buýt điện của Vinbus trên đường phố Hà Nội, ngày 31/3/2024. (Ảnh: Luong Led/Shutterstock)

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội – ông Nguyễn Mạnh Quyền vừa ký phê duyệt “Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố” tại Quyết định số 6004/QĐ-UBND.

Trong đó, giai đoạn 2026-2030 dự kiến chuyển đổi 1.813 xe. Tính đến năm 2030, tỷ lệ chuyển đổi sang xe sử dụng điện, năng lượng xanh dự kiến đạt 93,4% tổng số xe được chuyển đổi.

Trong giai đoạn 2031-2035, chuyển đổi tiếp 238 xe. Dự kiến đến năm 2035, tỷ lệ chuyển đổi sang xe sử dụng điện, năng lượng xanh đạt 100% tổng số xe được chuyển đổi, trong đó, 50% xe buýt điện và 50% xe chạy bằng năng lượng CNG/LNG.

Tổng kinh phí dự kiến thực hiện phương án khoảng 48.625 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách TP. Hà Nội chi khoảng 35.996 tỷ đồng và doanh nghiệp tự chi khoảng 12.629 tỷ đồng.

Ngoài nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, việc triển khai đề án được kỳ vọng là một bước chuyển đổi lớn về chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng để thu hút người dân sử dụng xe buýt, làm thay đổi bộ mặt giao thông đô thị, thay đổi văn hóa giao thông, giảm ùn tắc giao thông. Mục tiêu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đến năm 2025 đạt 30-35% và năm 2035 đạt 50-55% và sau năm 2035 đạt 65-70%.

UBND TP. Hà Nội sẽ chỉ đạo, kiểm tra, theo dõi và tổng hợp đánh giá việc thực hiện Đề án. Sở GTVT Hà Nội tư vấn UBND TP. ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Đề án; xây dựng và phê duyệt kế hoạch cụ thể hóa lộ trình, tỷ lệ chuyển đổi phương tiện năng lượng điện, năng lượng xanh năm tiếp theo trước ngày 31/7 hàng năm.

Trước mắt đầu năm 2025, 4 đơn vị vận tải, gồm Tổng công ty vận tải Hà Nội, Công ty cổ phần vận tải Newway, Công ty Liên doanh vận chuyển quốc tế Hải Vân, Công ty TNHH du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến, sẽ triển khai các thủ tục để đầu tư và vận hành thí điểm 5 tuyến xe buýt điện. Dự kiến 76 xe buýt được vận hành, gồm 11 xe buýt nhỏ, 65 xe trung bình. Dự án nhằm xây dựng định mức, đơn giá cho chủng loại xe buýt điện sức chứa trung bình và nhỏ.

Đối với các tuyến buýt hết hạn thầu trong năm 2025 (68 tuyến), UBND TP dự kiến sẽ chuyển xe buýt diezel lớn hết hạn khấu hao và hết hạn thầu sang xe buýt điện lớn do đã có định mức đơn giá xe buýt điện lớn.

Hiện tại, Hà Nội có 10 tuyến xe buýt điện do Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus vận hành, mã từ E01 đến E10..

Năm 2022, thời điểm UBND TP Hà Nội giao Sở GTVT Hà Nội xây dựng mục tiêu, lộ trình thực hiện Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane của ngành GTVT, Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho hay đang vận hành 83 tuyến buýt đấu thầu và 1 tuyến buýt BRT đặt hàng, với tổng số gần 1.100 xe.

Từ năm 2016, Transerco đã đầu tư gần 600 xe buýt mới tiêu chuẩn khí thải Euro 3, 4 để thay thế các phương tiện cũ. Có khoảng 800 xe dưới 5 tuổi, chiếm trên 73% đoàn xe hiện có.

Transerco dự kiến có 225 xe sẽ được đưa vào lộ trình xem xét chuyển sang xe buýt điện từ năm 2025, chiếm 21,3% đoàn phương tiện hiện có. Các xe còn niên hạn sử dụng sau khi đấu thầu lại từ năm 2025 sẽ được thay thế dần trong 2 – 4 năm tiếp theo.

Theo kế hoạch chuyển đổi dần từ xe buýt chạy xăng dầu sang xe buýt điện, Transerco tiến hành rà soát thời hạn tính khấu hao phương tiện để xác định đơn giá khấu hao phương tiện tại Quyết định số 1494 của Thành phố Hà Nội, đảm bảo thời gian thu hồi đủ vốn đầu tư phương tiện, sau đó sẽ dần thay thế sang xe buýt điện đối với các tuyến buýt đang vận hành.

Nguyễn Sơn