Hà Nội: Năm 2022, 105 bị cáo bị xét xử sơ thẩm về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ
- Minh Sơn
- •
Ngoài con số 105 bị cáo đã bị đưa ra xét xử sơ thẩm về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ, còn 45 bị can/35 vụ đang bị khởi tố, điều tra; 42 bị can/20 vụ bị truy tố.
- Hà Nội bốc thăm để kiểm tra tính trung thực của cán bộ
- Thiệt hại 238 tỷ đồng do tham nhũng, Hà Nội chỉ thu được 40 tỷ đồng
Chiều 14/12, tại trụ sở Thành ủy Hà Nội, Ban Chỉ đạo Thành ủy về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) tổ chức phiên họp thứ hai thảo luận, cho ý kiến đối với 4 báo cáo và Chương trình công tác trọng tâm của Thường trực Ban Chỉ đạo và Ban Chỉ đạo năm 2023.
Theo thông tin công bố tại cuộc họp, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 4 tổ chức Đảng và 7 đảng viên; tiếp tục kiểm tra đối với 6 tổ chức Đảng và 5 đảng viên; thi hành kỷ luật 1 tổ chức Đảng và 15 đảng viên; trực tiếp kiểm tra 3 tổ chức Đảng đơn vị y tế và chỉ đạo kiểm tra 5 tổ chức Đảng đơn vị y tế trong nhóm vụ việc, vụ án liên quan đến Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á…
201 cuộc trong tổng 339 cuộc thanh tra do các cơ quan hành chính thành phố triển khai đã có kết luận. Qua thanh tra, 33,9 tỷ đồng được kiến nghị thu hồi; 61 tập thể và 85 cá nhân bị kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm.
Đối với các vụ án về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ, tổng cộng có 35 vụ/45 bị can đã bị khởi tố, điều tra; 20 vụ/42 bị can bị truy tố; 41 vụ/105 bị cáo đã được đưa ra xét xử sơ thẩm. Trong đó, về tội tham nhũng đã khởi tố mới 9 vụ án/12 bị can.
Cuộc họp nhấn mạnh rằng TAND TP. Hà Nội đã đưa ra xét xử sơ thẩm 7 vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trực tiếp chỉ đạo, VKSND tối cao phân công cho VKSND TP thực hành quyền công tố.
Tên vụ án và bị cáo trong các vụ tham nhũng, kinh tế, chức vụ nổi cộm nêu trên không được đề cập qua các bản tin tường thuật từ cuộc họp.
Tại cuộc họp, ông Đinh Tiến Dũng – Bí thư Thành ủy cho hay còn có những hạn chế trong việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực tại Hà Nội, gồm: Một số vụ án, vụ việc chậm kết thúc xử lý; chậm giám định, định giá tài sản trong một số vụ án, vụ việc; tình trạng tham nhũng, tiêu cực còn nghiêm trọng trên một số lĩnh vực, nổi lên là các sai phạm trong lĩnh vực đất đai, đấu thầu…; việc tự kiểm tra, giám sát trong nội bộ vẫn còn hạn chế, rất ít vụ việc được phát hiện qua tự kiểm tra; việc thu hồi tài sản mặc dù tăng cao so với các năm trước nhưng giá trị tài sản phải thu hồi còn tồn đọng lớn.
Hồi tháng 12/2021, Chánh án TAND TP. Hà Nội Nguyễn Hữu Chính cho biết kết thúc năm 2021, TAND hai cấp TP. Hà Nội đã giải quyết được 27.513 vụ việc các loại; trong đó có nhiều vụ án hình sự trọng điểm, nhạy cảm, phức tạp.
Các vụ án tham nhũng được kể tên gồm: vụ án Đinh La Thăng và các đồng phạm về các tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ xảy ra tại dự án nhà máy Ethanol Phú Thọ”; vụ án Lạm dụng tín nhiệm xảy ra tại Tổng Công ty Cổ phần vận tải Dầu khí PV Trans và Ngân hàng Oceanbank; vụ án Buôn lậu vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường; vụ án Vũ Huy Hoàng và đồng phạm bị truy tố về các tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Bộ Công Thương và Công ty Cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco); vụ án Phan Văn Anh Vũ, Hồ Hữu Hòa, Nguyễn Duy Linh bị truy tố về tội “Đưa hối lộ, Môi giới hối lộ, Nhận hối lộ”.
Từ khóa TAND TP. Hà Nội cán bộ tham nhũng lợi dụng chức vụ quyền hạn