Hà Nội yêu cầu ra nước ngoài học tập, ‘nhiệt đới hóa’ nhiều giống cây mới về trồng trên phố
- Nguyễn Quân
- •
Ông Nguyễn Đức Chung cho rằng việc trồng cây mới chỉ được triển khai sâu rộng ở đường phố mới và trồng bổ sung trên các phố cũ. Kế hoạch trồng cây xanh tại hơn 2.600 trường học và các cơ quan vẫn chưa được triển khai.
Chiều 20/1, tại buổi tổng kết năm của Công ty TNHH MTV công viên cây xanh Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị công ty tiếp tục đẩy nhanh chương trình trồng 1 triệu cây xanh trong 5 năm (2016-2020) và nghiên cứu, ứng dụng khoa học tạo ra các giống cây, hoa mới.
Người đứng đầu chính quyền Hà Nội cho hay chương trình trồng cây xanh của Singapore được bắt đầu từ những năm 1980, nay đã bước sang năm thứ 38 với chi phí duy tu và trồng mới lên tới 170 triệu USD/năm, trong khi TP Hà Nội hiện chỉ chi khoảng 200 tỷ đồng/năm cho công tác duy trì và trồng mới cây xanh.
Để việc trồng, chăm sóc cây xanh chuyên nghiệp, ông Chung đề nghị công ty cây xanh tiếp tục tổ chức các đoàn đi học tập tại các nước, nghiên cứu mô hình các Công ty công viên cây xanh như tại Sigapore, Côn Minh (Trung Quốc) để xây dựng mô hình Công ty Công viên cây xanh có đơn vị chuyên về vườn ươm.
Đơn vị này có trách nhiệm nghiên cứu tạo ra những giống cây mới, hoa mới, nghiên cứu ứng dụng các giống cây trên thế giới để đưa về “nhiệt đới hóa” đảm bảo phù hợp với điều kiện khí hậu tại Hà Nội – Chủ tịch TP Hà Nội cho hay. Trong trang trí cây hoa, cây xanh, công ty cần xây dựng vườn ươm, kho dự trữ giống hoa, cây xanh, tiến tới trang trí thường xuyên trên đường, phố chứ không chỉ vào dịp lễ, Tết.
Ngoài ra, ông Chung yêu cầu cần sớm xây dựng một bộ phận chuyên quản lý về cây xanh. Nghiên cứu đưa toàn bộ hệ thống cây xanh của Hà Nội vào quản lý trên mạng bằng công nghệ 3D.
Tổng kết một năm, ông Vũ Kiên Trung – Tổng giám đốc Công ty Cây xanh Hà Nội cho biết trong năm 2017, công ty này trồng được hơn 30.000 cây bóng mát, trên 20.000 cây cảnh khóm, gần 30.000 m2 thảm hoa và cây xanh trang trí trên gần 100 tuyến đường, nút giao thông. Khối lượng cây trồng đường kính lớn năm 2017 gấp gần 3 lần so với năm 2016, hơn 60 lần năm 2015.
Công ty đảm bảo chất lượng cây trồng mới trên địa bàn thành phố với tỷ lệ sống hơn 95%. Đề cập đến chuyện cây trên đường phố Hà Nội bị gãy đổ, ông Trung cho hay đây là chuyện bất khả kháng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này ngoài do thời tiết, theo ông Trung còn do các đơn vị thi công hè đường đã xén vào gốc rễ cây. “Cây bị xén gốc rễ rất yếu, khi thời tiết xấu là đổ“, ông Trung nói.
Trước đó, tại hội thảo về cây xanh, hồ nước tổ chức ngày 13/1, trước ý kiến về việc hàng trăm cây phong lá đỏ đang được trồng trên tuyến phố Nguyễn Chí Thanh, Láng Hạ, Trần Duy Hưng, ông Nguyễn Đức Chung cho biết với sự phát triển của ngành công nghiệp cây xanh, một số giống cây ở vùng khí hậu lạnh có thể trồng được ở Việt Nam.
“Một năm nữa chúng ta có thể thấy việc “nhiệt đới hóa” những cây phong lá đỏ, và chúng vẫn mang màu sắc như khi trồng tại vùng khí hậu châu Âu“, ông Chung nói.
Tuy nhiên, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội- ông Nguyễn Đức Mạnh cũng cho biết việc trồng phong ở phố Trần Duy Hưng là “thử nghiệm”. Trước khi trồng trên phố, thành phố chưa từng trồng thử nghiệm loại cây này ở vườn ươm hay công viên.
Một số chuyên gia cho rằng phong lá đỏ khó sống trong điều kiện thời tiết oi bức ở Hà Nội, cây được trồng trên dải phân cách, lá phong rụng nhiều xuống đường phố sẽ ảnh hưởng tới mỹ quan, cản trở giao thông.
Nói về chương trình trồng 1 triệu cây xanh trong 5 năm, tại hội thảo, ông Chung đưa ra số liệu: “Theo tính toán của nhà khoa học, trồng một cây xanh sau một năm sẽ cho tán 3-5 m2, sau 5 năm sẽ có 15-18 m2, 10 năm có 25-30 m2. Một triệu cây sau 5 năm sẽ có ít nhất 15-20 triệu m2 xanh, chia cho 7 triệu dân sẽ có thêm khoảng 2,5 m2 cây xanh/người“.
Chương trình tới 2020 trồng 1 triệu cây xanh được đưa ra kèm theo thông tin chỉ số diện tích cây xanh của Hà Nội hiện quá thấp so với nhiều đô thị trên thế giới, khoảng 2m2/người so với 30,3m2/người tại Singapore, 41m2/người tại Seoul, 50m2/người tại Berlin, 25m2/người tại Paris…
Tuy nhiên, sau chiến dịch thay thế 6.700 cây xanh tiến hành vào đầu năm 2015, tháng 10/2017, Hà Nội vẫn cho phép đốn hạ, đánh chuyển hàng nghìn cây xanh khoảng 50 năm tuổi trên đường Phạm Văn Đồng, với lý do phục vụ thi công đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch – cầu Thăng Long.
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Từ khóa Hà Nội trồng cây ở Hà Nội cây phong