Hàng trăm sự cố máy bay bị rách lốp khi hạ cánh
- Nguyễn Sơn
- •
Ít nhất 122 trường hợp máy bay bị hỏng lốp sau khi hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng… kể từ đầu năm tới nay, bình quân mỗi tháng phát hiện 11 trường hợp.
Mới đây, sau khi máy bay Boeing 787 của Vietnam Airlines thực hiện chuyến bay VN415 từ Incheon (Hàn Quốc) hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, thợ máy phát hiện trên lốp bánh xe có một vết cắt. Máy bay này phải tạm dừng khai thác để khắc phục sự cố.
Cảng hàng không (CHK) quốc tế Nội Bài sau đó phối hợp với nhà chức trách hàng không tại sân bay và các đơn vị liên quan kiểm tra theo lộ trình hạ cánh và lăn vào vị trí đỗ của chuyến bay VN415 nhưng không phát hiện vật thể bất thường.
Máy bay của hãng Bamboo Airways cũng gặp sự cố tương tự. Chuyến bay QH1214 từ Phù Cát (Quy Nhơn) về Nội Bài do máy bay A320/TC-FHN của Bamboo Airways thực hiện cũng phát hiện bị rách lốp sau khi hạ cánh. Tổ kỹ thuật đánh giá sự cố nghi do đinh đâm. Chiếc A320/TC-FHN phải thay lốp để khai thác chuyến bay tiếp theo.
Vào ngày 18/11, qua camera trực giám sát khu bay Nội Bài cũng nghi ngờ có vật thể lạ (FOD) gần tim đường cất hạ cánh 11L/29R. Đội môi trường Trung tâm khai thác khu bay phối hợp với Phòng An toàn kiểm soát chất lượng, CHK Nội Bài tiến hành đi kiểm tra thực tế phát hiện một miếng kim loại nghi là linh kiện của tàu bay.
Nhà chức trách hàng không đánh giá vụ việc tuy chưa gây hậu quả nhưng tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn. Cảng vụ hàng không miền Bắc phối hợp với CHK Nội Bài yêu cầu đài kiểm soát không lưu điều hành toàn bộ các chuyến bay cất, hạ cánh sử dụng đường CHC 11R/29L để tiến hành kiểm tra, rà soát lại toàn bộ đường CHC 11L/29R và thu hồi FOD. Các hãng hàng không được yêu cầu kiểm tra toàn bộ tàu bay hạ, cất cánh trong khoảng thời gian 1 giờ trước khi phát hiện vụ việc.
Trong tháng 10 đã xảy ra hai sự cố về lốp nghiêm trọng tại Tân Sơn Nhất và Nội Bài. Chuyến bay VN303 của Vietnam Airlines từ Nhật Bản về Tân Sơn Nhất ngày 8/10, khi hạ cánh tại đường băng và di chuyển vào bến đỗ bị phát hiện lốp số 7 càng sau bên phải có vết cắt dài 2,5 cm, sâu 1,3 cm. Cũng hãng Vietnam Airlines, khi kiểm tra kỹ thuật sau chuyến bay do máy bay Boeing 787 thực hiện từ Sydney (Australia) về Hà Nội, hạ cánh xuống Nội Bài, thợ máy phát hiện lốp số 3 bị găm đinh.
Tính riêng Vietnam Airlines, theo báo cáo gửi Cục Hàng không, hãng cho biết từ đầu năm đến ngày 10/9/2019 đã xảy ra 115 vụ máy bay bị cắt lốp do vật thể lạ (FOD), giảm 7 vụ so với cùng kỳ năm 2018 (giảm 5,73%).
Trong đó, 54 vụ xảy ra tại sân bay Tân Sơn Nhất, 48 vụ tại Nội Bài, 7 vụ tại Đà Nẵng, 4 vụ tại Cam Ranh, 1 vụ tại Chu Lai, 1 vụ tại sân bay Hồng Kông. Số sự cố bị cắt lốp được phát hiện sau chuyến bay quốc tế là 25 vụ, sau chuyến bay trong nước là 90 vụ.
Tính trung bình năm 2019, tỷ lệ lốp máy bay Vietnam Airlines bị cắt là 11,75 vụ/100.000 chuyến bay, vượt dự báo do hãng đưa ra là 11,55 vụ/100.000 chuyến bay.
Năm 2017, Vietnam Airlines xảy ra 206 vụ lốp máy bay bị cắt, năm 2018 là 122 vụ.
Nguyễn Sơn
Xem thêm:
Từ khóa sự cố máy bay máy bay bị rách lốp