Hành trình đi tìm dân chủ, công bình của người dân Đồng Tâm: Trọn một con đường dài…
Vụ việc tại xã Đồng Tâm vừa đi vào hồi kết. Vui không ít, mà buồn và lo thì vẫn có. Vì người dân vừa phải đi trọn một con đường dài hơn khi nào hết chỉ để gửi đi được nguyện vọng muốn minh bạch đất đai. Một cuộc hành trình dài tới nỗi khiến cho một làng quê có thể trở thành “điểm nóng”, khiến Bộ Ngoại giao phải có phát ngôn ra quốc tế.
Chiều ngày 22/4, 19 người làm trong chính quyền và cảnh sát cơ động còn lại đã rời khỏi nhà văn hóa thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội), sau 7 ngày bị giữ, giữa những tràng pháo tay của hàng trăm người dân. Những gương mặt tươi cười, không vội vã, không vướng một chút lo âu của cả người dân và những người bị giữ làm nên một cái kết đẹp cho một tuần căng thẳng. Lo là người dân vì dồn nén mà đi quá giới hạn. Lo là chính quyền vì muốn cứu người mà vội vã. Còn lo hơn nữa là sau khi tàn lửa đã tắt, liệu những “truy cứu”, những thanh tra có được làm theo công lý.
Người dân thì không biết rõ về luật. Ngay từ đầu, họ muốn nói rằng, chúng tôi chỉ muốn chống tham nhũng, chúng tôi muốn cứu người trong thôn, chúng tôi muốn cứu đất. Rất nhiều dòng chữ “Dân Đồng Tâm không chống phá chính quyền” được căng trong những ngày đường làng ngổn ngang ấy. Nhưng bên cạnh đó, còn có câu hỏi “Vì sao dân Đồng Tâm không tin vào chính quyền cơ sở?” được một vị đại biểu Quốc hội đặt ra trên trang facebook cá nhân.
Người dân xã Đồng Tâm, ngay từ đầu đã biết rõ việc bắt giữ người là hành vi trái luật, nhưng họ chấp nhận đánh đổi và kiên định trong nhiều ngày, để bảo vệ điều mà họ cho là công lý, rằng người của thôn cần được thả và đất cần về đúng chủ.
Ứng xử chính trị trong ngày 22/4 của Chủ tịch TP Hà Nội – ông Nguyễn Đức Chung được đánh giá là hợp tình hợp lý, khi đã về xã, đối thoại công khai với người dân, và trong quyết định giải quyết cuối cùng.
Trong buổi đối thoại diễn ra vào sáng 22/4, người dân kiến nghị làm rõ đồng Sênh có phải đất quốc phòng? Nếu là đất quốc phòng thì phải giải thích rõ ràng, chứ sao lại có những hành xử như thời gian qua? Vì sao dân không thuận mà loa cứ phát nội dung tuyên truyền rằng đó là đất quốc phòng?
Người dân xin lỗi vì đã giữ người trái phép, khẳng định đó là việc làm khi dân không còn phương cách và cũng mong biết được tình hình sức khỏe của cụ Kình, cao niên 82 tuổi bị bắt để điều tra trong vụ án gây rối trật tự khởi tố ngày cuối tháng 3…
Kết thúc cuộc đối thoại kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ, Chủ tịch TP Hà Nội chứng kiến việc người dân bàn giao 19 người còn bị giữ tại nhà văn hóa thôn Hoành cho chính quyền. Ông Chung cũng ký vào một bản cam kết viết tay – dưới sự bảo chứng của đại biểu Quốc Hội – với 3 nội dung: thanh tra, làm rõ khu vực đất đồng Sênh đâu là đất quốc phòng, đâu là đất nông nghiệp; không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm; và chỉ đạo điều tra xác minh việc bắt và gây thương tích cho cụ Lê Đình Kình, xử lý theo quy định của pháp luật.
Có một chi tiết được người dân nói lại nhiều lần trong các bài báo, trong buổi đối thoại, là việc người dân xã Đồng Tâm đã đối xử tốt, không đánh đập 38 người bị bắt, giữ trong một tuần vừa qua. Chi tiết này được nhấn mạnh để tỏ rõ thiện ý của người dân – vì đất bị giữ, vì người bị bắt, dân không còn gì nên mới giữ người. Một cuộc chấp nhận của người dân trước chính quyền để lấy về hy vọng rằng việc bắt người, thanh tra đất đai sẽ được làm rõ.
Nguyện vọng chính đáng ấy bị đánh đổi bằng một tuần căng thẳng, hay trước nữa là những ngày tháng dài đưa đơn khiếu kiện hay khi bắt người…
Câu chuyện vừa trải qua không còn là câu chuyện pháp luật thuần tuý nữa. Bài học về dân chủ – biết lắng nghe người dân, đã được người dân đi trọn một vòng như thế, để tìm về với đối thoại, hòa bình và nhận về lời cam kết sẽ minh bạch, công tâm.
Lê Trai
Xem thêm:
Từ khóa diễn biến vụ Đồng Tâm tin mới nhất về Đồng Tâm Mỹ Đức Biểu tình xã Đồng Tâm Mỹ Đức dân chủ ở Việt Nam kết quả xã Đồng Tâm Mỹ Đức tranh chấp đất đai xã Đồng Tâm