Hoàn thành trùng tu Di tích Hải Vân Quan
- Nguyễn Sơn
- •
Di tích Hải Vân Quan hiện đã được hoàn thành trùng tu với tổng mức đầu tư hơn 42 tỷ đồng, dự kiến mở cửa đón khách tham quan miễn phí từ ngày 1/8 tới.
- Giới chức Hội An: ‘Chỉ qua một mùa mưa gió thôi, chùa Cầu sẽ trở lại màu như cũ’
- Chùa Cầu Hội An trùng tu hết hơn 20 tỷ đồng đã hoàn thành
Ngày 29/7, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết cơ quan này và Sở Văn hóa và Thể thao TP. Đà Nẵng đã thống nhất phương án mở cửa đón khách tham quan miễn phí đối với di tích Hải Vân Quan từ ngày 1/8/2024 cho đến khi thống nhất được việc xây dựng bảng giá vé phù hợp cho di tích này.
Theo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, dù hoàn thành việc tu bổ, sẵn sàng đón khách tham quan nhưng di tích Hải Vân Quan hiện gặp nhiều khó khăn trong việc vận hành phục vụ du lịch.
Lý do vì di tích thiếu hạ tầng du lịch như bãi đỗ xe, điểm bán vé, nơi làm việc của hướng dẫn viên và bảo vệ… Vị trí di tích nằm ở độ cao hơn 500m so với mặt nước biển, hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũng chưa được đầu tư đồng bộ. Di tích ở vị trí hiểm trở, sóng điện thoại, internet còn hạn chế, nhân lực mỏng nên khó khăn trongquản lý.
Dự kiến đến đầu năm 2025 phương án thu vé phải được 2 địa phương Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng thông qua. Hiện tại, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đang thuê 6 người lao động để tạm thời gìn giữ, bảo quản di tích và phục vụ khách.
Hải Vân Quan được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826), nằm trên đỉnh đèo Hải Vân, chỗ giáp vai giữa hai ngọn Hải Vân Sơn (phía Đông) và Bà Sơn (phía Tây), ở độ cao 496m so với mặt nước biển, thuộc dãy núi Bạch Mã – Hải Vân – vùng giánh ranh giữa thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) và phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng), cách trung tâm TP. Huế khoảng 90km về phía Nam, trung tâm TP. Đà Nẵng khoảng 28km về phía Bắc.
Cửa quan ở đỉnh đèo Hải Vân do vua Minh Mạng xuống chỉ xây dựng, cửa trước viết ba chữ Hải Vân Quan, cửa sau viết sáu chữ Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan. Sau khi Hải Vân Quan hoàn thành, người nào “muốn vượt qua ải Hải Vân đều phải qua hai lần cửa xây bằng gạch vồ theo lối vòm cuốn, giống cửa ở kinh thành Huế, nhưng không có vọng lâu, bên trên cửa là sân thượng dùng để quan sát bốn phía, có xây bậc thang lên xuống”, theo Cổng thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế, trích dẫn Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Hiện di tích Hải Vân Quan có nhiều biến đổi so với các tư liệu chính sử triều Nguyễn, chủ yếu do những tác động trong thời kỳ từ năm 1946-1975.
Tháng 4/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa di tích Hải Vân Quan vào nhóm Di tích quốc gia (loại hình di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật).
Tháng 12/2021, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao TP. Đà Nẵng khởi công dự án bảo tồn tu bổ, phục hồi di tích Hải Vân Quan. Tổng mức đầu tư dự án hơn 42 tỷ đồng, trong đó ngân sách TP. Đà Nẵng và ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế mỗi bên chịu một nửa; thời gian thực hiện dự án trong 2 năm.
Từ khóa Hải Vân Quan khu di tích Hải Vân Quan