Học sinh phải chui rào kẽm gai để đến trường
- Khánh Vy
- •
Nhiều hộ dân thôn Păng Tiêng (xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng), trong đó có các em học sinh phải chui qua hàng rào kẽm gai để đến trường qua con đường chạy qua đường hầm dẫn nước của thủy điện.
- [VIDEO] ĐBQH: ‘Mỗi năm đến trường, lòng man mác buồn’ vì sách giáo khoa
- Quảng Ngãi: Hai cha con bị xe đầu kéo tông tử vong trên đường đến trường
Liên quan việc này, theo đơn cầu cứu của người dân gửi UBND huyện Lạc Dương, từ đầu năm 2024, Công ty CP đầu tư và xây dựng điện Long Hội (chủ đầu tư dự án thủy điện Đạ Dâng – Đạ Chomo) lấy kẽm gai, máy hàn, trụ rào kín con đường băng ngầm miệng hầm thủy điện, yêu cầu nhân viên không được mở cổng cho người dân đi lại.
Bà N.H.T (người viết đơn cầu cứu) cho biết bản thân bà cả tháng nay mỗi lần đến trường đều phải xin, nhờ bảo vệ mở cổng, thậm chí có những lúc phải gửi xe, chui rúc qua hàng rào mới về đến nhà. Gần đây nhất, sáng ngày 2/4, gia đình đưa cháu 7 tháng tuổi đi tiêm chủng nhưng lãnh đạo nhà máy chỉ đạo cho bảo vệ không được phép mở cổng.
“Những hộ có vườn không vận chuyển hàng hóa đi lại được ảnh hưởng đến kinh tế, một gia đình hiện có hai cháu đang theo học tại Trường Tiểu học xã Lát, nhưng mỗi ngày đến trường và về nhà hai cháu phải chui qua hàng rào vì bố mẹ cháu chở đi thì không cho qua cổng. Nếu đêm khuya trái gió trở trời chẳng may bị đau ốm, hỏa hoạn, rủi ro thì chúng tôi không biết kêu ai”, bà Thuý viết trong đơn kêu cứu gửi UBND huyện Lạc Dương.
Theo UBND xã Lát (huyện Lạc Dương), UBND xã đã đề nghị với nhà máy thủy điện mở cổng tạo điều kiện cho người dân đi lại trong thời gian mở con đường mới, tuy nhiên nhà máy vẫn không mở đường cho dân đi.
Câu chuyện này theo người dân tại đây như “giọt nước tràn ly” bởi sự việc đã kéo dài hơn 5 năm qua và nhiều thời điểm xảy ra xung đột gay gắt giữa các hộ dân và chủ đầu tư Công ty thuỷ điện.
Theo các hồ sơ từ UBND huyện Lạc Dương, con đường băng ngang qua miệng hầm thủy điện là con đường người dân đi lại từ trước khi có thủy điện đến nay. Nhờ con đường này, người dân đi làm, trẻ em đi học chỉ đi con đường bằng phẳng dài khoảng 200m, thay vì phải đi đường vòng, dốc thô sơ khoảng 3,5km.
Đường chung thành đường riêng
Theo báo Tuổi trẻ, con đường vòng mà dân phải đi để tránh không qua miệng hầm thủy điện rất dốc. Xe bán tải 2 cầu lên dốc trượt bánh liên tục. Hai bên đường bị xói mòn và sạt lở bất cứ lúc nào. Nhiều xe máy đi qua đây bị trượt té.
Nói với báo Tuổi trẻ ngày 5/4, ông P.L. (người dân trong khu vực) cho biết: “Chuyện té xe là như cơm bữa. Đêm hôm thì việc đi lại gần như không thể. Tôi chỉ mong không có chuyện đau ốm gì trong đêm, chứ đã ở vùng sâu vùng xa mà còn bị cấm đường kiểu này dân không biết sống sao”.
Về vấn đề này, theo báo cáo của UBND huyện Lạc Dương, trước khi thực hiện dự án thủy điện Đạ Dâng – Đạ Chomo, người dân tại khu vực đã sử dụng đường đất hiện trạng để lưu thông sản xuất cà phê ở tiểu khu 227B (xã Lát). Sau khi dự án được đầu tư, người dân sử dụng chung tuyến đường giao thông phía trên đập thủy điện. Diện tích đất tuyến đường hiện trạng người dân đã sử dụng để lưu thông sản xuất cà phê trước khi thực hiện dự án thủy điện Đạ Dâng – Đạ Chomo tại khu vực lòng hồ là 2.517m². Cũng theo UBND huyện Lạc Dương thì diện tích đất này Công ty Long Hội đang sử dụng nhưng không bồi thường vì đó vốn là đất đường giao thông.
Trong 2 ngày 3 và 4/4, công an và cơ quan chức năng huyện Lạc Dương đã có mặt tại vị trí thủy điện Đạ Dâng ở thôn Păng Tiêng, xã Lát để đảm bảo trật tự. Nguyên nhân được cho là vì trước đó một số người dân vì bức xúc đã kéo đến yêu cầu công ty này tháo dỡ cổng và rào chắn để người dân được đi lại.
Còn phía Công ty thủy điện Long Hội đã có văn bản gửi đến UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng một số hộ dân đưa máy xúc tiến hành đào đất phía trên đường hầm dẫn nước của Nhà máy thủy điện Đạ Dâng. Việc này có nguy cơ ảnh hưởng tới an toàn công trình.
Các hộ dân trong khu vực thừa nhận vụ việc nói trên, tuy nhiên họ cho rằng đất phía trên là đất của cá nhân. Việc đào đất là để mở đường vào nhà và thuận tiện cho học sinh đi học.
Chủ đầu tư cho rằng đang làm đúng quy định
Theo báo Lâm Đồng, trong các văn bản Công ty CP Đầu tư và Xây dựng điện Long Hội làm việc với UBND huyện Lạc Dương và một số cơ quan cũng như với người dân, đại diện Công ty Long Hội đã nhiều lần khẳng định việc công ty dựng cổng, rào chắn hàng rào thép gai để bảo vệ hầm nhận nước là đúng quy định pháp luật.
Cụ thể, Công ty Long Hội lý giải theo quy định con đường đi qua cửa hầm của thuỷ điện được xác định là công trình xả nước, công trình lấy nước, tuyến năng lượng, công trình thông thuyền và công trình cho cá đi căn cứ Điều 23 Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Do đó, đường hầm dẫn nước từ hồ chứa về nhà máy thuỷ điện nằm trong phạm vi bảo vệ, cấm xâm phạm, phá hoại, đồng nghĩa với việc các phương tiện, người dân đi qua đều không được phép, đặc biệt là các phương tiện có tải trọng lớn.
Từ cuối năm 2018, khi hoàn thiện đường hầm nhận nước của hồ thủy điện, phía Công ty Long Hội vẫn linh động, tạo điều kiện cho người dân đi lại, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bảo vệ cửa hầm không hề cấm cản.
Theo nguyện vọng của người dân mong muốn mở một con đường mới, không đi nhờ con đường qua cửa hầm thì tới năm 2023, công ty đã đóng góp kinh phí khoảng 1 tỷ đồng, cùng với nguồn vốn đối ứng của địa phương để tu sửa lại con đường vòng cũ (dân gọi là dốc Min) dài khoảng 3,5km nối khu sản xuất của người dân ra đường Tỉnh lộ 726.
Tuy nhiên, do con đường vòng dốc Min quá xa và không đảm bảo an toàn, đầu năm 2024, người dân đề xuất mở một con đường mới ngắn hơn, là con đường dân sinh, đá cấp phối chạy phía trên đường hầm dẫn nước để kết nối tuyến đường chính dài khoảng 250m.
Công ty Long Hội đã đồng ý phương án này nhưng yêu cầu các thủ tục làm đường mới phải đúng theo quy định pháp luật. Đó là đường mới phải nằm ngoài ranh giới đất Nhà nước giao cho thuỷ điện cũng như tuyệt đối không tác động vào phạm vi tuyến năng lượng của công trình nhà máy thuỷ điện Đa Dâng, phải được sự đồng ý của các sở, ngành và công ty về đánh giá an toàn cho công trình.
Việc người dân làm đường mới ngay trên phía hầm nhận, xả nước của thuỷ điện, trong khi các thủ tục liên quan, các đơn vị có thẩm quyền chưa kiểm tra, cho phép khiến giữa chủ đầu tư thuỷ điện và người dân khu vực phát sinh căng thẳng, có thể là nguồn cơn chính khiến thuỷ điện rào lại con đường nêu trên.
Ngày 5/4 Sở Công thương Lâm Đồng đã phối hợp với các cơ quan chức năng để làm việc với của Công ty Long Hội nhằm xem xét giải quyết đề nghị của Công ty về ngăn chặn việc một số hộ dân đưa máy xúc đào đất trên khu vực đường hầm dẫn nước công trình thuỷ điện Đa Dâng.
Qua kiểm tra thực tế, Sở Công thương ghi nhận phía trên đường hầm dẫn nước có một máy đào đang ngừng hoạt động, có tác động vào diện tích đất khu vực gần công trình cửa nhận nước và tuyến năng lượng để thi công tuyến đường dân sinh. Bên cạnh đó, tại thời điểm kiểm tra thuỷ điện cũng chưa hoàn thành cắm mốc ranh giới đối với diện tích đất đã được UBND tỉnh quyết định thu hồi và cho công ty thuê thực hiện dự án nhà máy thuỷ điện.
UBND tỉnh yêu cầu hoả tốc xác minh, xử lý vụ việcNgày 5/4, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản hỏa tốc yêu cầu UBND huyện Lạc Dương kiểm tra vụ việc báo chí phản ánh liên quan tới việc người dân phải chui hàng rào để đi qua con đường đập tràn của Thuỷ điện Đạ Dâng- Đạ Chomo. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Lạc Dương nhanh chóng kiểm tra, xác minh thông tin. Đồng thời, huyện này phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan có giải pháp kịp thời khắc phục tình trạng nêu trên. Trong thời gian chờ đợi phương án giải quyết, nhanh chóng làm việc cụ thể với chủ đầu tư dự án thủy điện Đạ Dâng – Đạ Chomo để yêu cầu mở đường cho học sinh đến trường; đồng thời báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện trước 7h30, ngày 8/4. |
Khánh Vy (t/h)
Từ khóa tỉnh Lâm Đồng học sinh