Huế: Bắt Giám đốc BQL rừng phòng hộ liên quan vụ gây thất thoát hơn 5,6 tỷ đồng
- Phạm Toàn
- •
Ông Hoàng Phước Toàn bị điều tra hành vi Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Ngày 30/6, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên Huế vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Hoàng Phước Toàn – Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy (thuộc Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế).
Ông Hoàng Phước Toàn bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy.
Trước đó, tháng 12/2022, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã khởi tố bị can, bắt tạm giam nhiều người về hành vi “Thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy.
Những người bị khởi tố, bắt tạm giam gồm ông Lê Hạ – Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và thiết kế nông lâm nghiệp, Trương Ngọc Đức – Nhân viên điều tra quy hoạch rừng thuộc Trung tâm Quy hoạch và thiết kế nông lâm nghiệp và ông Lê Hồng Khanh – Giám đốc Công ty TNHH MTV tư vấn dịch vụ nông nghiệp Lâm Phát.
Theo kết quả điều tra, Ban Quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV tư vấn dịch vụ nông nghiệp Lâm Phát và Trung tâm Quy hoạch và thiết kế nông lâm nghiệp để thiết kế, thẩm định phương án khai khác, tận thu 157,87ha gỗ rừng trồng (cây thông) bị thiệt hại do cháy rừng vào năm 2021 tại xã Phú Sơn, phường Thủy Châu và phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy.
Các cá nhân thiết kế, thẩm định thiếu trách nhiệm, không thực hiện đúng quy trình thiết kế, thẩm định được ban hành theo Quyết định số 1382/QĐ-UBND ngày 26/6/2018 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.
Từ hồ sơ này, Ban Quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy đưa tài sản ra đấu giá khai thác tận thu 157,87ha gỗ rừng trồng. Giá khởi điểm theo quyết định tổ chức đấu giá 157,87ha gỗ rừng trồng chỉ hơn 4,3 tỷ đồng.
Tổng doanh thu đã khai thác, bán ra hơn 22 tỷ đồng, trong khi doanh thu theo phương án được phê duyệt chỉ là 6,3 tỷ đồng. Ngoài ra, còn 10,9ha rừng thông ở xã Phú Sơn chưa khai thác.
Cơ quan công an xác định hành vi của các cá nhân trong thiết kế, thẩm định phương án và dự toán khai thác tận thu 157,87ha gỗ rừng gây thiệt hại cho nhà nước hơn 5,6 tỷ đồng.
Từ khóa Thừa Thiên - Huế rừng phòng hộ Ban quản lý tài sản nhà nước