Thừa Thiên Huế cho rằng số lượng người đang sinh sống tại Thừa Thiên Huế đến Đà Nẵng rồi trở về từ ngày 10/7 có thể lên tới hàng ngàn người. Trong khi đó, tại TP đông dân nhất nước, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (HCDC) TP.HCM cho biết không thể xác định được bao nhiêu người đã từng đến Đà Nẵng.

cau giay ca nghi nhiem covid 12
Ca nhiễm bệnh đầu tiên tại Hà Nội được xác định là nhân viên tại cửa hàng pizza 106 Trần Nhân Tông, từng đi du lịch tại Đà Nẵng. (Ảnh: J.N)

Các hoạt động kinh doanh karaoke, quán bar, hội nghị, nghi lễ tôn giáo đông người… tại Thừa Thiên Huế sẽ bị cấm từ 0h ngày 30/7. Ngoài ra, Người dân Huế được khuyến khích tổ chức ma chay, tiệc cưới, tiệc mừng trong phạm vi gia đình, tránh tụ tập đông người.

Các cơ sở tôn giáo không tổ chức nghi lễ, lễ hội tụ tập đông người. Người dân ra khỏi nhà được yêu cầu phải đeo khẩu trang; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn; hạn chế tập trung đông người…

Đối với khu vực nội đô, chính quyền các huyện, thị xã được yêu cầu rà soát, truy vết, yêu cầu khai báo y tế tất cả những người đến từ các vùng có dịch từ sau ngày 10/7. Đối với ngoại tỉnh, Thừa Thiên Huế dựng 8 chốt để kiểm soát người từ địa phương khác đến, đặc biệt người từ Đà Nẵng trở về.

Thừa Thiên Huế là tỉnh liền kề với TP Đà Nẵng, hiện chưa phát hiện ca nhiễm COVID-19. Trước đó, trong cuộc họp ngày 29/7, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết việc Đà Nẵng xuất hiện hàng chục ca nhiễm dịch bệnh trong thời gian ngắn khiến tình hình hết sức cấp bách, khả năng lây nhiễm ra địa bàn Huế rất cao. 

Theo số liệu đưa ra tại cuộc họp, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đang có 1.580 người phải cách ly ở nhà, trong số đó nhiều nhất là huyện Phú Vang (580 người), Hương Thủy (273 người), A Lưới (214 người), Phong Điền (188 người). Số lượng được cách ly tập trung tại Trung tâm Y tế là 72 người; cách ly tập trung là 8 người.

38 người người tiếp xúc gần với ca dương tính hoặc có đi qua các điểm được nêu tại các thông báo khẩn của Bộ Y tế, thuộc các địa bàn: Thị xã Hương Trà (17 người), TP Huế (15 người), huyện Phú Lộc (4 người), huyện Phong Điền (1 người), huyện Phú Vang (1 người).

20 người đến từ vùng dịch có dấu hiệu ho, sốt cách ly tại Trung tâm Y tế, gồm: huyện Phú Lộc (11 người), huyện Quảng Điền (6 người), huyện Phú Vang (2 người) và TP Huế 1 người.

Hơn 1.600 người tại Thừa Thiên Huế hiện đã cách ly, song ông Thọ cho rằng số lượng người dân đang sinh sống tại Thừa Thiên Huế đến Đà Nẵng rồi trở về từ ngày 10/7 rất đông, hàng ngàn người. Vì vậy, cách tốt nhất là người dân nên chủ động gọi đến đường dây nóng của các trung tâm y tế cấp huyện để được hướng dẫn giám sát y tế, lấy mẫu xét nghiệm COVID-19.

Ông Thọ cũng cho rằng vùng dịch không chỉ ở Đà Nẵng mà còn ở Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Đến tối 29/7, tại Thừa Thiên Huế, số người phải cách ly bắt buộc tại nhà và nơi lưu trú đã tăng lên 1.779 người, 81 người phải cách ly tại các cơ sở y tế.

Đối với TP đông dân nhất nước, tại cuộc họp báo diễn ra vào chiều tối cùng ngày, ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (HCDC) TP.HCM cho hay không thể thống kê chính xác số lượng người về từ Đà Nẵng, bởi có người về từ sân bay rồi đi nơi khác, và nhiều người về đường bộ và đường sắt đều không biết.

Do đó, TP kêu gọi sự tự giác của người dân và cộng đồng thực hiện khai báo y tế và phát hiện người đến từ Đà Nẵng, thông báo cho cơ quan chức năng.

Ông Dũng cho biết tính đến sáng 29/7, có 9.000 trường hợp khai báo y tế và 6.000 trường hợp lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Tuy nhiên, ông Dũng thừa nhận có nhiều trường hợp khai báo chưa đúng, hoặc người từng về Đà Nẵng nhưng lại chưa khai báo. Giải pháp là TP sẽ lấy mẫu xét nghiệm trước ở một số nhóm đối tượng, sau đó từng bước lấy hết các mẫu xét nghiệm để không xảy ra nguy cơ trong quá trình lấy mẫu.

Đối với Hà Nội – TP đông dân thứ 2 trên cả nước, tại buổi họp chiều 27/7, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết gần 20.000 người ở tại Hà Nội đã về từ Đà Nẵng, xác định dịch virus Vũ Hán sẽ lây lan đến đây (đến sáng 30/7 đã công bố có 2 người nhiễm).

Chính quyền Hà Nội xác định 6 khu vực được coi là “vùng dịch” bên trong Đà Nẵng, gồm: Bệnh viện C, Bệnh viện chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đà Nẵng, quận Ngũ Hành Sơn, quận Liên Chiểu và quận Hải Châu. Những người có liên quan đến các khu vực trên phải khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm, cách ly tại nhà. Những trường hợp không vào 6 khu vực trên vẫn phải khai báo y tế, theo dõi sức khoẻ và thực hiện giãn cách trong gia đình.

43 ca nhiễm cộng đồng/6 ngày

Sau khoảng 100 ngày chỉ ghi nhận các ca nhiễm là người nhập cảnh, từ ngày 25/7 tới sáng 30/7, trong chưa đầy 6 ngày qua, Việt Nam liên tiếp công bố ghi nhận thêm 43 ca nhiễm cộng đồng, chưa xác định được nguồn lây (F0).

Từ ca đầu tiên xuất hiện tại Đà Nẵng, các ca bệnh lan rộng thêm tại 5 tỉnh, thành khác, trong đó, Đà Nẵng có 34 người nhiễm bệnh, Quảng Ngãi 1 người, Quảng Nam 3 người, Hà Nội 2 người, Đăk Lăk 1 người, TP.HCM 2 người.

Tại thời điểm phát hiện ca bệnh tại Đà Nẵng, theo thống kê riêng của ngành hàng không, có 80.000 nghìn du khách ở Đà Nẵng. Trước khi có lệnh đóng cửa thành phố từ 0h ngày 28/7, hàng nghìn người đã rời khỏi Đà Nẵng về lại các tỉnh trên cả nước.

Số điện thoại nóng 8889

Bộ Y tế đề nghị tất cả cá nhân từng có mặt ở TP Đà Nẵng trong khoảng thời gian từ ngày 1/7 đến ngày 29/7 cần thực hiện các việc sau:

1. Gửi tin nhắn thông báo họ tên đầy đủ và địa chỉ nơi ở của mình, cũng như số điện thoại của những người đã tiếp xúc gần với mình vào số điện thoại 8889;

2. Liên hệ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tại địa phương để được tư vấn;

3. Khai báo y tế trực tuyến tại https://tokhaiyte.vn và thường xuyên cập nhật tình trạng sức khoẻ.

4. Cài đặt ứng dụng Bluezone để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19, giúp bảo vệ bản thân và gia đình: https://www.bluezone.gov.vn/ hoặc tải ứng dụng trên IOS hoặc Android.

Nguyễn Minh