Kem tẩy trang, kem dưỡng da… giả chế từ bột phèn chua, dung dịch, hương liệu trôi nổi
- Nguyễn Sơn
- •
Với hơn 100.000 đơn hàng mỹ phẩm giả, tự chế đã bán ra qua sàn thương mại điện tử Shopee và mạng xã hội TikTok, doanh thu của cơ sở này lên tới 6 tỷ đồng. Khoảng 104.000 chiếc tem chống hàng giả bị phát hiện tại nhà.

Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bắc Giang cho biết ngày 7/5 đã triệt phá một cơ sở sản xuất, buôn bán mỹ phẩm giả quy mô lớn ở xã Đại Lâm, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang.
Kiểm tra đột xuất vào lúc 10h30 ngày 7/5, một tổ công tác của Phòng Cảnh sát kinh tế – Công an tỉnh Bắc Giang chủ trì phối hợp với Công an xã Đại Lâm và Đội Quản lý thị trường số 4 – Chi Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang kiểm tra, bắt giữ Nguyễn Văn Khánh và Nguyễn Thị Hiên (SN 2003, cùng trú tại thôn Lải, xã Đại Lâm, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) đang thực hiện hành vi sản xuất, đóng gói mỹ phẩm giả.
2.468 sản phẩm thành phẩm thuộc 13 loại mỹ phẩm khác nhau bị thu giữ tại hiện trường. Các nhãn hiệu bị làm già như Kem tẩy trang, kem dưỡng da, serum trị mụn Demi Skin 3 days, SEIMY skin 7 days plus, KT’skin serum; lăn khử mùi STOPIREX, Sạch hôi nách Cú đấm thép, Khử mùi hôi nách Hải Sen, Xịt khử mùi BEUFRES, Nước cất phèn chua ALUFAN, INOD Armpit Serum, Crystal 24 Hour…
Ngoài ra, lực lượng chức năng thu giữ khoảng 104.000 chiếc tem chống hàng giả, nhãn mác các loại; gần 10.000 chai, lọ; hàng triệu vỏ bao bì các loại; 300 kg nguyên liệu là phèn chua, dung dịch pha chế, máy co màng băng chuyền, máy dập date…
Theo điều tra ban đầu, Phòng Cảnh sát kinh tế bước đầu xác định từ khoảng cuối năm 2024, nhận thấy nhu cầu tiêu dùng mỹ phẩm lớn nên Khánh nảy sinh ý định sản xuất mỹ phẩm giả để bán kiếm lời.
Khánh lên mạng Internet, tìm hiểu một số loại mỹ phẩm khử mùi cơ thể, serum trị mụn, trắng da đang được ưa chuộng, sau đó đặt in tem nhãn, bao bì giả, mua máy móc, nguyên liệu, công cụ, vỏ chai lọ…, sản xuất tại nhà để bán kiếm lời.
Nguyên liệu chủ yếu dùng để sản xuất mỹ phẩm giả là dung dịch, hương liệu pha chế không rõ nguồn gốc xuất xứ, bột phèn chua. Tất cả đều được Khánh mua trôi nổi trên thị trường.
Sản phẩm thành phẩm được rao bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử Shopee (tài khoản “Bn Store 2024”, “Bibo Comesticc”, “Nhungnguyen010798”, “Vliwwfo6-r”) và các tài khoản Tiktok (“Sare Comesticc”, “Coca Beauty”), qua dịch vụ ship COD.
Tính từ khoảng cuối năm 2024 đến thời điểm bị phát hiện, Khánh đã bán trót lọt trên 100.000 đơn hàng trên cả nước, doanh thu trên 6 tỷ đồng.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đang tiếp tục điều tra, xác minh mở rộng vụ việc để xử lý theo quy định.
Trong vòng chưa đầy nửa năm qua, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bắc Giang đã khởi tố 6 vụ án về các tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc bảo vệ thực vật trong tỉnh.
Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bắc Giang công bố số điện thoại đường dây nóng để người dân phản ánh những trường hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu là hàng giả, hàng kém chất lượng – 069.2589.177 – Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bắc Giang (Lô Q5, đường Hoàng Văn Thụ, TP. Bắc Giang).
Từ khóa mỹ phẩm giả hàng giả Bắc Giang
