‘Khủng hoảng’ BOT Cai Lậy: Chính phủ cần dũng cảm sửa sai
- Tuệ Minh
- •
Chiều tối 4/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định tạm dừng thu phí trên tuyến tránh Cai Lậy từ 1 đến 2 tháng để các bộ ngành liên quan tiếp tục làm rõ vấn đề. Tuy thế, dư luận vẫn đang thắc mắc liệu sau sự trì hoãn này vấn đề có được giải quyết triệt để không, bởi quan trọng là Nhà nước có nhìn thẳng vào vấn đề và dũng cảm sửa sai hay không.
“Điểm nóng” Cai Lậy kéo dài nhiều ngày qua đã thu hút sự quan tâm của không chỉ người dân địa phương mà còn trở thành một “điểm nóng” trên phạm vi quốc gia. Không chỉ cánh lái xe, những người trực tiếp bị ảnh hưởng bởi BOT Cai Lậy, mà giới tri thức cũng như người dân đang nóng lòng chờ phương án giải quyết cuối cùng của Nhà nước, bởi không thể để tình trạng giằng co căng thẳng kéo dài mãi, gây bức xúc trong dư luận.
Trong phát biểu của Thủ tướng vào tối 4/12, ông Phúc nhấn mạnh có những vấn đề đúng pháp luật, đúng quy trình nhưng không phù hợp thực tiễn, không hợp lòng dân thì [Nhà nước] phải nghiêm túc lắng nghe, cầu thị tiếp thu để sửa chữa. Đây là nhận định được dư luận cho là đáng hoan nghênh của người đứng đầu Chính phủ.
Tuy vậy, sự việc liên quan đến BOT Cai Lậy đã kéo dài quá lâu. Trước đó vào giữa tháng 8, trạm này đã phải ngừng hoạt động do bị phản đối dữ dội từ cánh tài xế khi cho rằng trạm đặt sai vị trí. Đã hơn 3 tháng trôi qua, nhiều người cho rằng đó là khoảng thời gian đủ để cơ quan Chính phủ cùng nhà đầu tư, chính quyền địa phương rà soát lại những quyết định có liên quan, tìm ra mấu chốt của mâu thuẫn và xử lý sao cho hài hoà, bảo đảm quyền lợi các bên, trong đó có người dân.
Thế nhưng, đáng tiếc là sau khi mở cửa trở lại vào 30/11, trạm BOT Cai Lậy vẫn gây bức xúc bởi sự bất hợp lý của vị trí đặt trạm chưa được giải quyết. Việc giảm mức phí là một cách đánh lạc hướng nhằm xoa dịu dư luận chứ chưa chạm đến bản chất của vấn đề, do đó căng thẳng không ngừng gia tăng.
Nhiều người đặt ra thắc mắc vì sao đã quá lâu mà Chính phủ chưa có một chủ trương rõ ràng và nhất quán đối với BOT Cai Lậy? Mặc cho “sự tình” bên trong có thể phức tạp thế nào, đối với người dân, họ chỉ thấy rõ rằng chủ đầu tư xây dựng tuyến tránh thì chỉ được phép thu trên đường tránh, không có quyền thu trên đường vốn thuộc sở hữu công, nơi mà các tài xế đã đóng phí đầy đủ hàng năm. Do đó, việc im lặng kéo dài của người đứng đầu Bộ GTVT, hay cách chỉ đạo có phần chưa rõ ràng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 1/12 “Sớm giải quyết dứt điểm vụ BOT Cai Lậy” khiến người dân không cảm thấy thuyết phục.
>> Tài xế BOT Cai Lậy, các anh không đơn độc
Trở lại điểm bắt đầu của BOT Cai Lậy, theo Tuổi trẻ, ngày 28/10/2013, ông Nguyễn Văn Thể (Bộ trưởng Bộ GTVT) – khi đó là Thứ trưởng Bộ GTVT đã ký ba công văn hoả tốc gửi UBND, HĐND và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang đề xuất 2 lựa chọn đặt trạm BOT.
Lựa chọn 1 là đặt trạm BOT trên quốc lộ 1 nằm ngoài tuyến tránh nhằm đảm bảo thời gian hoàn vốn và hiệu quả tài chính. Điều đáng nói là đề xuất này ngoài hạng mục tuyến tránh dài 12km còn bao gồm cả việc tăng cường cải tạo mặt đường quốc lộ 1.
Lựa chọn 2 chỉ có hạng mục tuyến tránh và trạm thu phí đặt tại tuyến tránh nhưng thời gian hoàn vốn được cho là lên đến 30 năm.
Như vậy, ở trong một hoàn cảnh gần như “sự đã rồi,” có thể thấy không khó khăn gì khi các bên thống nhất lựa chọn 1. Việc đưa thêm phần tăng cường cải tạo mặt đường quốc lộ 1, vì thế, chính là cái cớ để hợp thức hoá việc đặt trạm BOT trên quốc lộ 1.
Việc nhập nhằng này giải thích tại sao chính quyền vẫn cho phép chủ đầu tư BOT Cai Lậy hoạt động bất chấp sự phản đối của người dân.
Trước đó, thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết Bộ GTVT đã tiến hành rà soát toàn bộ dự án này và kết luận “thủ tục đầu tư dự án này không sai,” đồng thời khẳng định “nếu xảy ra ách tắc 500m thì phải xả trạm, sau đó sẽ tiếp tục thu phí trở lại.”
Có thể thấy, việc chính quyền không nhìn thẳng vào gốc rễ của vấn đề là nguyên nhân gây ra sự giằng co căng thẳng thời gian qua, bởi mấu chốt không phải là phí qua trạm, mà là vị trí đặt trạm.
Không có gì sai khi Thủ tướng nói “Chủ trương xây dựng hạ tầng giao thông theo hình thức BOT là đúng đắn và cần tiếp tục hình thức này để xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại,” nhưng vấn đề là chủ trương thì đúng còn cách làm bên dưới lại nhập nhèm, thiếu minh bạch.
Vì thế, khi Thủ tướng vẫn nhấn mạnh về sự “đúng pháp luật, đúng quy trình,”, phải chăng dư luận đã vui mừng hò reo quá sớm vì sự trì hoãn hoạt động của BOT mà chưa kịp nhận ra Nhà nước “nhất quyết” né tránh bản chất của vấn đề? Vấn đề ở đây không phải là sự việc “đúng pháp luật đúng quy trình nhưng không phù hợp thực tiễn, không hợp lòng dân,” bởi người dân chắc chắn sẽ không phản đối những quyết sách minh bạch, đúng pháp luật, đúng quy trình. Do đó, việc kéo dài thời gian cho dù là 1 tháng, 2 tháng hay thậm chí cả nửa năm cũng sẽ không giải quyết được gốc rễ vấn đề nếu Chính phủ không dám nhìn thẳng vào những quyết sách chưa hợp lý để sửa chữa lại.
BOT Cai Lậy chính là cơ hội để Nhà nước sửa chữa lại những quyết định chưa đúng. Một chính quyền cần biết sửa sai và hoàn thiện mới là một chính quyền đáng được tôn trọng. Một chính quyền muốn đứng vững sẽ không thể quay lưng lại với người dân. Một chính quyền biết lấy dân làm gốc, đặt lợi ích của nhân dân và của dân tộc lên trên lợi ích của một nhóm người mới có thể giúp đất nước đi lên.
Tuệ Minh
Xem thêm:
Từ khóa BOT Cai Lậy