Kinh phí eo hẹp, nhiều sai phạm, Đắk Nông vẫn quyết làm tượng đài hơn 167 tỷ đồng
- Nguyễn Sơn
- •
Xong giai đoạn 1, tượng đài N’Trang Lơng tại TP Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) trị giá gần 70 tỷ đồng đang nằm trên khu đất trống, đường đất. Chính quyền tỉnh vẫn tiếp tục thực hiện dự án để làm “điểm nhấn về kiến trúc, điêu khắc của thành phố, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước…”
Công trình Tượng đài Anh hùng N’Trang Lơng được khởi công xây dựng vào tháng 5/2015, tổng diện tích xây dựng 5,9 ha trên đồi Đắk Nur, phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa). Công trình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông làm chủ đầu tư.
Tại thời điểm khởi công, dự án được công bố có tổng kinh phí 146 tỷ đồng, được chia làm hai giai đoạn. Sau hơn 5 năm xây dựng, hiện giai đoạn 1 đã hoàn thành, tổng vốn dự kiến tăng lên 167 tỷ đồng.
Nguồn tiền từ đóng góp của người dân trong và ngoài tỉnh, các doanh nghiệp, ngân sách địa phương và Trung ương.
Vốn đầu tư công trình ngay từ đầu đã thiếu. Năm 2015, đại diện chủ đầu tư – ông Phan Công Việt, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết trong 67 tỷ đồng cho giai đoạn 1, chỉ mới có 29,3 tỷ đồng. Trong đó, 7 tỷ đồng do ngân sách của tỉnh cấp (kế hoạch là 12 tỷ đồng); 4,3 tỷ đồng trích từ nguồn quỹ nhân kỷ niệm 100 năm phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng và phối hợp với Công ty tổ chức sự kiện Đất Võ vận động được từ các tỉnh bạn; 10 tỷ đồng trích từ nguồn kinh phí dự phòng của quốc lộ 14 (dự án BOT); 8 tỷ đồng do các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ủng hộ; còn các hộ dân có đất, hoa màu tại khu vực thi công thì bàn giao mặt bằng…
Ông Việt thừa nhận khó khăn lớn nhất trong quá trình thi công là về nguồn kinh phí.
Cuối tháng 12/2020, công trình tượng đài N’Trang Lơng hoàn thành giai đoạn 1, gồm phần móng, hệ thống chống sét, tượng mỹ thuật (trong 67,7 tỷ đồng, riêng phần tượng và phù điêu 47 tỷ đồng).
Nhân vật chính của khối tượng là N’Trang Lơng, được chủ đầu tư giới thiệu là người con ưu tú, tiêu biểu của dân tộc M’nông đã tập hợp đồng bào các dân tộc Tây Nguyên chống lại thực dân Pháp từ 1912-1936.
Công trình tượng đài được chế tác bằng đá xanh, chuyển về từ tỉnh Thanh Hóa, phần tượng cao 13 m, phù điêu cao 5,5 m, chiều dài đế của cụm tượng đài là 27 m.
Hiện ngoài phần tượng đã hoàn thành, toàn bộ phía chân tượng còn là vùng đất, đá còn ngổn ngang. Đường đi vào khu vực tượng đài cũng đang là đường đất với nhiều mại đá.
Hiện công trình đã được nghiệm thu mỹ thuật, chủ đầu tư đang xin ý kiến của UBND tỉnh Đắk Nông để làm sân rộng khoảng 1.000 m2 trước khi bàn giao cho các đơn vị để khánh thành, đưa vào sử dụng.
Về lý do làm tượng đài, UBND tỉnh Đắk Nông cho rằng khi công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ là điểm nhấn về kiến trúc, điêu khắc của TP Gia Nghĩa, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, phục vụ khách du lịch đến tham quan.
Năm 2017, công trình từng gặp sự cố khi phần móng sau khi thi công mới phát hiện bị tính thiếu tải trọng của phần bê tông gắn phù điêu. Trọng tải của tượng đài và phù điêu là 2.052 tấn trong khi tải trọng chịu đựng của phần móng đã xây dựng là 1.123 tấn (bị vượt tải trọng 929 tấn). Tổng kinh phí 1,711 tỷ đồng đã giải ngân xong để thi công phần móng này.
Ngoài việc tải trọng phần móng không đạt, chất lượng bê tông và mẫu thiết kế của hạng mục cũng không bảo đảm. Thanh tra tỉnh kiến nghị UBND tỉnh xử phạt 5 đơn vị gồm: Sở VH-TT&DL (chủ đầu tư); nhà thầu thi công; đơn vị tư vấn quản lý dự án; đơn vị tư vấn giám sát thi công xây dựng; đơn vị tư vấn lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu thi công. Mức phạt tổng cộng 455 triệu đồng.
Ngoài công trình tượng đài trăm tỷ N’Trang Lơng, tỉnh Đắk Nông còn xây dựng nhiều tượng đài, công trình trị giá hàng tỷ đồng khác.
Nguyễn Sơn
Từ khóa tượng đài N’Trang Lơng Đắk Nông tượng đài