Lâm Đồng cân nhắc chi hơn 178 tỷ đồng để ‘xóa’ nhà kính
- Sơn Nguyên
- •
Sau 18 năm áp dụng, với diện tích lên tới 4.476 ha, tỉnh Lâm Đồng đang cân nhắc kế hoạch “xóa” toàn bộ nhà kính theo lộ trình từng bước, chuyển sang sản xuất nông nghiệp sinh thái với tổng kinh phí hơn 178 tỷ đồng.
Nội dung được đề cập trong “Đề án quản lý và phát triển nhà kính sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến 2030” vừa được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Lâm Đồng trình UBND tỉnh đề nghị phê duyệt.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, công nghệ nhà kính đã được các doanh nghiệp, nhà vườn tại tỉnh Lâm Đồng áp dụng 18 năm qua, đến nay diện tích nhà kính toàn tỉnh ở con số 4.476 ha.
Trong đó, riêng TP. Đà Lạt có diện tích lớn nhất với 2.554 ha, chiếm 57% tổng diện tích nhà kính toàn tỉnh. Kế đến là huyện Lạc Dương có 942 ha nhà kính (21,7%), Đơn Dương 340 ha (7,8%), Đức Trọng 193 ha (4,5%), Lâm Hà 280 ha (6,5%)…
Phần lớn nhà kính trong tỉnh là loại nhà kính đơn giản do người dân tự lắp ráp bằng tầm vông, sắt, chiếm 65,5% tổng diện tích; nhà kính hiện đại nhập khẩu chỉ chiếm 3,8%; còn lại là nhà kính được các doanh nghiệp, cơ sở trong nước tự sản xuất, lắp ráp.
Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng nhận định bên cạnh lợi ích kinh tế do việc ứng dụng nhà kính mang lại trong sản xuất nông nghiệp, việc phát triển nhà kính, nhà lưới thiếu sự kiểm soát đã ảnh hưởng đến cảnh quan, mỹ quan đô thị, môi trường; nhiều loài thiên địch trong nhà kính giảm, ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật sống trong tự nhiên; sử dụng nhiều nhà kính không đạt chuẩn ở mức cao sẽ tạo dòng chảy lớn, gây lũ quét, làm giảm khả năng thẩm thấu nước dẫn đến nguy cơ giảm mực nước ngầm…
Đề án đưa ra lộ trình từ nay đến năm 2030 sẽ giảm dần, tiến tới không còn nhà kính tại khu vực nội ô, khu dân cư tại TP. Đà Lạt; chuyển sang sản xuất nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao. Ngoài ra, tỉnh sẽ rà soát, xác định các vùng được phép sử dụng nhà kính để hỗ trợ người dân nâng cấp, chuyển đổi nhà kính đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và cảnh quan môi trường.
Lộ trình giảm diện tích nhà kính sản xuất nông nghiệp tại các phường nội thị TP. Đà Lạt được đưa ra với các tỷ lệ 20% vào năm 2025; 80% vào năm 2030 và 0% sau năm 2030.
Đề án cũng xác định các giải pháp, triển khai các mô hình hiệu quả, khả thi, bảo đảm sinh kế giúp doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân từng bước giảm dần diện tích nhà kính sản xuất nông nghiệp, chuyển sang sản xuất nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao không sử dụng nhà kính.
Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng dự kiến nguồn vốn tín dụng để thực hiện đề án khoảng hơn 178 tỷ đồng; trong đó kinh phí từ ngân sách nhà nước là hơn 3,5 tỷ đồng, kinh phí của tổ chức, cá nhân hơn 172,6 tỷ đồng và vốn lồng ghép trên 2,6 tỷ đồng.
Cần lưu ý, toàn tỉnh Lâm Đồng còn có nhiều khu vực nhà kính, nhà lưới dựng trên đất quy hoạch lâm nghiệp. Theo thống kê do báo Lâm Đồng đưa ra vào tháng 12/2021, diện tích này trên toàn tỉnh là hơn 227,4 ha, gồm 210,1 ha nhà kính và 17,3 ha nhà lưới, với 649 hộ đang sử dụng.
Trong đó, TP. Đà Lạt chiếm diện tích nhiều nhất với hơn 184,8 ha/475 hộ; đứng thứ hai là huyện Lạc Dương với trên 21,4 ha/106 hộ; huyện Đơn Dương với trên 16,2 ha/44 hộ; còn lại các huyện Đam Rông, Di Linh, Đức Trọng có từ 0,6-3,3 ha.
Từ khóa Lâm Đồng sản xuất nông nghiệp sinh thái nhà kính