Tôm hùm đất nằm trong danh sách cấm nhập khẩu và nhân nuôi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường). Loài này cũng không nằm trong danh mục các thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam.

tom hum dat
Một con tôm hùm đất ngoi lên từ đầm lầy. (Ảnh minh họa: Smeerjewegproducties/Shutterstock)

Ngày 25/4, Công an tỉnh Thái Bình khuyến cáo người dân cảnh giác với các hành vi lôi kéo kinh doanh, buôn bán tôm hùm đất trên không gian mạng. Tuyệt đối không kinh doanh, buôn bán, nuôi… tôm hùm đất.

Theo tin công bố, thời gian qua, trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram… có nhiều nhóm, trang, fanpage đăng tải bài viết có nội dung về việc kinh doanh, buôn bán tôm hùm đất để chế biến làm món ăn.

Công an tỉnh Thái Bình cho hay tôm hùm đất có tên khoa học là Cherax quadricarinatus, là loài thủy sinh có nguồn gốc ngoại lai, ăn tạp, thích nghi với môi trường sống trên cạn và cả dưới nước dẫn tới có thể phát tán mầm dịch bệnh, virus gây bệnh ở các giống thủy sản khác và gây phá hoại mùa màng hay phá hủy chuỗi thức ăn trong tự nhiên.

Từ năm 2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã cấm nhập khẩu và nhân nuôi tôm hùm đất.

Tôm hùm đất cũng không có trong danh mục các thủy sản được phép kinh doanh trên thị trường; chỉ có Viện Nghiên cứu và Nuôi trồng Thủy sản I được cấp phép nhập loài tôm này về nghiên cứu.

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà hàng, quán ăn nếu nhập tôm hùm đất đông lạnh về chế biến món ăn phải chứng minh được xuất xứ nguồn gốc và được lực lượng hải quan và Cục Thú y cho phép…

Công an tỉnh Thái Bình cho biết hành vi buôn bán tôm hùm đất trên không gian mạng có dấu hiệu buôn bán hàng cấm, vi phạm quy định tại Điều 17, Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có thể bị xử phạt từ 40-50 triệu đồng nếu hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên.

Ngoài ra, việc buôn bán tôm hùm đất còn sống khi phát tán ra môi trường tự nhiên còn có thể bị xử lý hình sự về Tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại, theo Điều 246, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi và bổ sung năm 2017).

Công an tỉnh khuyến cáo người dân cần cảnh giác với các hành vi lôi kéo kinh doanh, buôn bán loài sinh vật ngoại lai “tôm hùm đất” trên không gian mạng; tuyệt đối không kinh doanh, buôn bán, vận chuyển, nuôi, lưu giữ… loài này; đưa thông tin đến người thân, bạn bè về tác hại của tôm hùm đất và các quy định của pháp luật có liên quan.

Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu buôn bán, vận chuyển, nuôi, lưu giữ… tôm hùm đất, người dân cần báo ngay cho cơ quan chức năng để ngăn chặn.

Tình trạng nhập khẩu, gây nuôi, buôn bán tôm càng đỏ, tôm hùm nước ngọt (còn gọi là tôm hùm đất) từng xảy ra tại Hà Nội vào năm 2019, bởi một số hộ dân, hộ kinh doanh, nhà hàng, theo tin từ Công an TP. Hà Nội.

“Thực chất, tôm càng đỏ, tôm hùm nước ngọt (còn gọi là tôm hùm đất) là hai loài ngoại lai xâm hại, ăn tạp, có sức chống chịu và thích nghi cao, sống bò dưới đáy, ưa đào hang (sâu từ 1-2m) nên dễ gây phá hủy hệ thống tưới tiêu nông nghiệp, công trình thủy lợi, đê điều.

Không những thế, hai loài này còn là vật chủ lây truyền, phát tán nhiều loại bệnh dịch ra môi trường, cạnh tranh thức ăn, tiêu diệt loài tôm, cá bản địa, tiềm ẩn nguy cơ phát tán, lây lan dịch bệnh thủy sản, gây ảnh hưởng đến môi trường, đa dạng sinh học và việc nuôi trồng của người dân.

Tại Việt Nam, hai loài này không có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh.” – Công an TP. Hà Nội cho biết.

Cơ quan này khuyến cáo nếu phát hiện người có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hai loài ngoại lai xâm hại này thì thông báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc liên hệ với Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường Công an TP. Hà Nội (qua số điện thoại nóng 0692198229).

Tôm hùm đất (hay tôm hùm đỏ) là loài động vật giáp xác nước ngọt, có tên khoa học là Cherax quadricarinatus thuộc họ Parastacidae.

Tôm hùm đất xâm nhập vào Việt Nam từ năm 2002, sau đó Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I tiến hành nghiên cứu và nuôi thử nghiệm. Tháng 8/2011, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố tôm hùm đất là loài ngoại lai xâm hại (Thông tư 22/2011/TT-BTNMT). Từ năm 2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa tôm hùm đất vào danh mục loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại (Thông tư liên tịch số 27/2013/TTLT-BTNMT-BNN PTNT).

(*) Tên gọi của tôm hùm đất trong các bảng danh mục trên là “tôm càng đỏ”.

Tôm hùm đất cũng không có tên trong danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam (Phụ lục VIII ban hành kèm theo Nghị định số 26/ 2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ “Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản”).

Theo Điều 246, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi và bổ sung năm 2017), người nào nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1-5 năm.

Minh Sơn