Khuya 16/3, lư hương dưới tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo ở Công viên Mê Linh (quận 1, TP.HCM) đã được giới chức TP.HCM trả về vị trí cũ sau hơn 3 năm bị đưa đi nơi khác. 

lu huong tuong tran hung dao
Lư hương được hoàn trả lại trước tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo. Ảnh chụp lúc 12h khuya ngày 16/3/2022. (Ảnh: Trần Hữu Phúc Tiến/Facebook)

Theo thông tin do chính quyền công bố, việc hoàn trả lư hương về lại vị trí cũ dưới tượng Trần Hưng Đạo là để chuẩn bị cho lễ khánh thành “Dự án chỉnh trang công viên Mê Linh và công viên bến Bạch Đằng” tổ chức vào lúc 7h ngày 17/3.

Trên trang Facebook cá nhân, nhà báo Trần Hữu Phúc Tiến cho hay vào khuya ngày 16/3, sau khi lư hương được đặt lại vị trí cũ, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi và nhiều viên chức khác cùng đại diện nhà thầu và các công nhân xây dựng đã làm lễ dâng hương.

Các hình ảnh đăng tải cho thấy lư hương vừa được đặt lại trước tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo là lư hương được làm mới, màu vàng sáng bóng, còn lư hương từng đặt trước tượng trước khi bị đưa đi có màu đồng xám.

Hơn ba năm trước, vào ngày 17/2/2019, một số nhà hoạt động tới dâng hương dưới tượng đài Đức Trần Hưng Đạo tưởng niệm 40 năm xảy ra cuộc chiến biên giới Việt – Trung, bất ngờ khi thấy lư hương bị xe cẩu đưa đi mất. Tượng Đức Trần Hưng Đạo và lư hương đã được đặt tại công viên Mê Linh từ năm 1967 (lúc này được gọi là công trường Mê Linh).

Báo Thanh Niên ngày 18/2/2019 dẫn lời Bí thư Quận ủy Quận 1 – bà Trần Kim Yến cho hay việc chuyển lư hương ở tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo về Đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo (số 36 Võ Thị Sáu, phường Tân Định, quận 1) nằm trong kế hoạch chỉnh trang quận 1 sau Tết.

Bà Yến cho rằng việc dời lư đi là bình thường, sau khi lư hương được di chuyển thì việc thắp hương, dâng hương sẽ diễn ra ở Đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo, khi “một số người dân thường hay chọn quận 1 để gây sự chú ý”.

Báo Người Đô Thị ngày 5/11/2021 đăng tin đã mở lại bài viết “Nhân Giỗ Đức Thánh Trần: Cần đặt lại lư hương…” của tác giả Phúc Tiến. Bài viết nhắc lại những dấu ấn lịch sử từ tượng đài Đức Thánh Trần, các tấm phù điêu dưới chân tượng, ý nghĩa của lư hương để du khách thập phương gửi gắm lòng thành kính.

“Rất tiếc, chiếc lư hương trước tượng đài Trần Hưng Đạo đã bị dời đi một cách “kỳ lạ”, cách đây hai năm – đúng vào ngày kỷ niệm 40 năm quân dân ta đánh trả cuộc xâm lược của Trung Quốc ở biên giới phía Bắc. Lư hương được dời về đền Trần Hưng Đạo, đặt trên lối vào trước một lư hương đã có trên sân đền.” – tác giả viết, khuyến nghị cần đặt lại lư hương và tôn tạo tượng đài Trần Hưng Đạo – một việc cần làm để sửa lỗi, chỉnh trang quảng trường Mê Linh ít tốn kém hơn so với con số 32,5 tỷ đồng của dự án sửa tượng Trần Hưng Đạo và chỉnh trang Công viên Mê Linh.

Bài viết được đăng vào ngày 17/9/2021, sau khi tạo nên hiệu ứng dư luận ủng hộ đã buộc phải tạm ẩn sau khi nhận ý kiến từ cơ quan quản lý báo chí trung ương. Tòa báo trên cho hay tác giả và tòa báo tạm ẩn bài viết để không làm căng thẳng thêm trong bối cảnh dịch bệnh, chọn cách gửi bài riêng, email kiến nghị tới lãnh đạo TP.HCM.

TS Nguyễn Thị Hậu, một nhà nghiên cứu đóng góp nhiều tiếng nói vào việc bảo tồn di sản cho hay: “Tượng đài cùng với lư hương trong không gian đô thị Sài Gòn – TP.HCM không chỉ là cảnh quan kiến trúc mà quan trọng hơn, là một địa điểm, cảnh quan nằm trong hệ thống những di tích tâm linh, mang ý nghĩa gắn kết cộng đồng dân cư từ nhiều nguồn gốc, nhiều nơi chốn đã tập hợp sinh sống ở đây.

Thiếu sự gắn kết này, thành phố chỉ còn những con người xa lạ không có sự đồng cảm với nhau, không có mối liên hệ giữa các thế hệ. Thiếu sự hiện diện của những di tích, tượng đài nhắc nhở truyền thống lịch sử – văn hóa chung, đô thị chỉ là những khối bê tông vô hồn.” – TS Hậu viết, đăng trên báo Người Đô Thị ngày 6/10/2021.

Minh Sơn