Việt Nam có thể thiếu hụt hàng triệu nữ giới vào năm 2034
- Vĩnh Long
- •
Dân số Việt Nam đang già hóa với tốc độ nhanh chưa từng thấy, mức sinh giảm gần một nửa trong vòng 30 năm, chênh lệch giới tính cao với 115,5 bé trai/100 bé gái… là những cảnh báo vừa được công bố đối với tình trạng dân số của Việt Nam.
Dân số Việt Nam đang già hóa với tốc độ nhanh chưa từng thấy – bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam cho biết tại Hội nghị Công bố kết quả nghiên cứu chuyên sâu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, dự báo dân số đến năm 2069 do Tổng cục Thống kê tổ chức vào sáng 18/12. Chỉ trong 10 năm, chỉ số già hóa đã tăng 12,9%. Dự báo đến năm 2039, Việt Nam sẽ kết thúc thời kỳ cơ cấu dân số vàng và bước vào thời kỳ cơ cấu dân số già, sau đó là thời kỳ cơ cấu dân số rất già (2055-2069).
Nguyên nhân của già hóa không chỉ do tỷ lệ tử giảm và tuổi thọ tăng mà còn do mức sinh giảm. Hiện tổng tỷ suất sinh (TFR) của Việt Nam chỉ còn 2,09 con/phụ nữ vào năm 2019, so với mức 3,8 con/phụ nữ vào năm 1989. Theo đó, mức sinh hiện nay của Việt Nam đã giảm gần một nửa trong vòng 30 năm qua và đang duy trì quanh mức sinh thay thế. Điều này sẽ tác động làm giảm tốc độ tăng dân số trong tương lai. Dự báo 10 năm tới, dân số Việt Nam sẽ tăng với tốc độ thấp hơn 1%/năm.
Thực tế, mức sinh giữa các vùng vẫn có sự khác biệt đáng kể. Trong đó, mức sinh tại khu vực trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên cao nhất cả nước, với tỷ lệ mỗi vùng là 2,43 con/phụ nữ. Ngược lại là Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thấp nhất, với tỷ lệ tương ứng là 1,56 con/phụ nữ và 1,8 con/phụ nữ.
Mức sinh của khu vực nông thôn cao hơn của khu vực thành thị và cao hơn mức sinh thay thế, với tỷ lệ tương ứng là 2,26 con/phụ nữ và 1,83 con/phụ nữ. Tỷ suất sinh đặc trưng theo tuổi của phụ nữ từ 10-19 tuổi của dân tộc H’Mông cao nhất, 65 con/1000 phụ nữ, cao hơn khoảng 9 lần so với dân tộc Kinh và hơn 6 lần so với mức bình quân chung của cả nước (11 con/1000 phụ nữ).
Đáng chú ý, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam đang ở mức rất cao với tỷ số giới tính khi sinh năm 2019 là 115,5 bé trai/100 bé gái (tỷ số giới tính khi sinh ở mức sinh học bình thường là từ 104 – 106/100 trẻ em gái). Số lượng trẻ em gái thiếu hụt chiếm 6,2% số lượng trẻ em gái sinh ra, với khoảng 45.900 trẻ em gái bị thiếu hụt trong năm 2019.
https://trithucvn2.net/tin-tuc-vn/bo-thai-theo-gioi-tinh-moi-nam-40-800-be-gai-tai-viet-nam-khong-co-co-hoi-chao-doi.html
Mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra ở tất cả các nhóm mức sống. Trong 10 năm qua, tỷ số giới tính khi sinh của nhóm nghèo nhất tăng từ 105,2 lên 108,2 bé trai/100 bé gái; trong khi đó, tỷ số này của nhóm giàu nhất vẫn ở giữ mức cao 112,9 bé trai/100 bé gái (năm 2019). Việc sinh thêm con để có con trai đặc biệt rõ rệt ở nhóm dân số có trình độ học vấn cao và mức sống tốt hơn.
Sự ưa thích con trai được thể hiện qua việc lựa chọn giới tính trước sinh ngay từ lần sinh đầu, với tỷ số giới tính khi sinh là 109,5 bé trai/100 bé gái đối với lần sinh đầu tiên; tỷ số này tiếp tục tăng ở lần sinh từ thứ ba trở lên (119,8 bé trai/100 bé gái). Đối với các cặp vợ chồng sinh liên tiếp 2 con gái, tỷ số giới tính khi sinh của lần sinh thứ ba tăng lên mức 143,8 bé trai/100 bé gái.
Các nhà nghiên cứu dự báo nếu tỷ số giới tính khi sinh vẫn giữ nguyên như hiện nay, đến năm 2034, số nam giới từ 15-49 tuổi sẽ dư thừa 1,5 triệu người, năm 2059 là 2,5 triệu người. Nếu tỷ số này giảm nhanh và đạt mức bình thường vào năm 2039 thì số nam giới từ 15-49 tuổi sẽ dư thừa vào năm 2034 là 1,5 triệu người, năm 2059 là 1,8 triệu người.
Nếu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam tiếp tục diễn biến trong những năm tới, bất bình đẳng giới sẽ càng gia tăng do phụ nữ phải chịu áp lực kết hôn sớm hơn, nhu cầu mại dâm sẽ tăng lên, và sự mở rộng của mạng lưới buôn bán người sẽ càng làm tăng nguy cơ về bạo lực giới – UNFPA Việt Nam (2019)
Tâm lý chuộng con trai dẫn đến hành vi phá thai lựa chọn giới tính, dẫn tới hệ quả là mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh – một trong những nguyên nhân của nạn buôn bán người, tảo hôn và mại dâm cưỡng bức. Các hình thức bạo lực này dù là riêng rẽ hay kết hợp thì đều duy trì lâu dài các thái độ bất bình đẳng tạo ra vòng xoáy bạo lực giới – Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (2014).
Ngoài ra, báo cáo cũng nhấn mạnh đến tình trạng di cư và đô thị hóa tại Việt Nam. Việt Nam có 6,4 triệu người từ 5 tuổi trở lên là người di cư, chiếm 7,3% tổng dân số, thấp hơn so với năm 2009 (6,7 triệu người di cư, chiếm 8,5% dân số). Cứ 1.000 người sống tại các đô thị đặc biệt thì có tới gần 200 người nhập cư, cao gấp 2,7 lần mức chung cả nước. Phần lớn người di cư thuộc nhóm tuổi trẻ từ 20-39 tuổi (chiếm 61,8% tổng số người di cư).
Trẻ em di cư thiệt thòi hơn trẻ em không di cư trong việc được học cấp THCS và THPT; đặc biệt, trẻ em trong nhóm di cư ngoại tỉnh khó được học ở tất cả các cấp. Năm 2019, có tới 83,9% trẻ em không di cư trong độ tuổi 11-18 đang đi học nhưng chỉ có 55,7% trẻ em di cư ngoại tỉnh trong nhóm nhóm tuổi này đang đi học.
Tỷ lệ thất nghiệp của người di cư cao hơn người không di cư (2,53% so với 2,01%). Nữ giới di cư có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn nam giới di cư, lần lượt là 2,82% và 2,20%. Trong số những người di cư đang thất nghiệp, hơn hai phần ba (69,7%) là những người di cư tới thành thị và chỉ có một phần ba là những người di cư tới nông thôn.
Có mối quan hệ chặt chẽ giữa di cư và đô thị hóa. Người nhập cư từ 5 tuổi trở lên chiếm 12,3% dân số của các đô thị. Áp lực nhập cư đối với đô thị đặc biệt là lớn nhất, cứ 1000 người sống tại các đô thị đặc biệt thì có tới gần 200 người là người nhập cư, cao gấp 2,7 lần mức chung của cả nước.
Dự báo dân số Việt Nam năm 2029 sẽ tăng lên 104,5 triệu người, năm 2039 là 110,8 triệu người và đến năm 2069 là 116,9 triệu người. Khoảng 50% dân số Việt Nam sẽ sống ở khu vực thành thị vào năm 2030; đến năm 2069, con số này sẽ tăng lên 64,8%.
Dân số “già” và thiếu hụt nam giới ở một số nhóm tuổi được cảnh báo sẽ tác động lớn đến nguồn lực lao động cũng như nảy sinh các vấn đề xã hội mới. Ngoài ra, xu hướng di cư và tác động của di cư đến đô thị hóa và phát triển kinh tế – xã hội cũng sẽ là những vấn đề nổi lên trong thời gian tới.
Vĩnh Long
Xem thêm:
Từ khóa di cư dân số già hóa mất cân bằng giới tính khi sinh Bất bình đẳng giới