Mã Pì Lèng Panorama: Một năm sau đề xuất phải phá dỡ, xây thêm tầng lầu
- Nguyễn Sơn
- •
Sau một năm ‘im ắng’ để tỉnh và chủ đầu tư tìm hướng xử lý, công trình nhà nghỉ, nhà hàng Mã Pì Lèng Panorama trên đèo Mã Pì Lèng (Hà Giang) hiện được cải tạo theo hướng quy mô lớn hơn, kiên cố hơn. Tòa nhà vẫn giữ nguyên 6 tầng giật cấp, và một trong 2 tầng nổi trên mặt đất được xây thêm tầng lầu.
Trên trang cá nhân, TS. KTS Nguyen Hạnh Nguyên dẫn các hình ảnh cho thấy công trình Mã Pì Lèng Panorama đã hoàn thành cải tạo sau hơn một năm bị phát hiện nhiều sai phạm.
Quan sát cho thấy, công trình đã bỏ màu sơn xanh được thêm vào khoảng 1 năm trước đó. 6 tầng giật cấp phía trên vẫn giữ nguyên. Một tầng nổi trên mặt đất được xây lại và chồng thêm một tầng lầu kiên cố, thêm mái. Toàn bộ tòa nhà được ốp vật liệu đá.
Như vậy, sau một năm bị đề nghị cải tạo, sửa chữa, công trình đang hiện hữu với quy mô lớn hơn, có dấu hiệu tiếp tục mở kinh doanh.
Tài khoản Tran N. Son ghi nhận vào đầu tháng 11, tại khu vực này, bãi xe ô tô và xe máy đã kín, xe đậu tràn ra một đoạn đường. Trên sân thượng của tầng giật cấp, khá đông du khách đứng vãn cảnh.
Một vài hình ảnh tu sửa công trình này đã được đưa lên mạng xã hội vào hồi tháng 7 năm nay. Tấm hình cho thấy tầng giật cấp cao nhất của công trình đang được phá dỡ.
Mã Pì Lèng Panorama là công trình được xây dựng trên hẻm vực Tu Sản, đèo Mã Pí Lèng từ năm 2018 và đưa vào sử dụng từ đầu năm 2019, kinh doanh nhà nghỉ, nhà hàng, cà phê… Công trình bị phát hiện “4 không”: không có Giấy chứng nhận đầu tư; không được cấp có thẩm quyền phê duyệt; không có giấy phép xây dựng; không có văn bản thẩm định của Bộ VH-TT&DL.
Theo luật, công trình nằm ngoài khu vực bảo vệ 1 và 2 của danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng, song có khả năng ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường – sinh thái của danh thắng này, theo Điều 36, Luật Di sản văn hóa.
Tháng 10/2019, Sở Xây dựng tỉnh Hà Giang đề xuất cải tạo hai đơn nguyên giáp quốc lộ (phần xây bám mặt quốc lộ gồm tầng âm và một tầng nổi sát mặt đất) để phục vụ việc dừng chân, ngắm cảnh của khách du lịch; phá bỏ 6 tầng giật cấp theo địa hình sườn núi chạy xuống phía sông Nho Quế, cải tạo thành đất trồng cây xanh.
Đề xuất này không được các kiến trúc sư đồng tình. “Đứng trên góc độ bảo tồn di sản thì một điểm ngắm cảnh chỉ nên là một sân ngắm cảnh và các công trình khác phải ngầm xuống. Đây là một điểm di sản thiên nhiên chứ không phải một điểm du lịch” – KTS Ngô Viết Nam Sơn, theo Tuổi Trẻ.
KTS Nguyễn Hoàng Phương (Hà Nội) cũng cho rằng giải pháp của Sở Xây dựng Hà Giang là đang làm ngược lại những gì cần làm. Theo anh, hướng xử lý là cần phải đập bỏ phần công trình nổi bám mặt quốc lộ, để một khoảng sân rộng, nằm ngang mặt đường làm điểm dừng chân ngắm cảnh. Những phần giật cấp theo sườn đèo nếu muốn giữ lại thì phải cải tạo cho “vô hình”, hòa hợp với cảnh quan.
Tới tháng 3/2020, ông Trần Đình Thành, Phó cục trưởng Cục Di sản Văn hóa (Bộ VH-TT-DL) cho biết công trình Panorama trên Mã Pì Lèng sẽ chỉ cắt một tầng trên mặt đất. Phần kiến trúc được cho phép sẽ bao gồm một tầng và một tầng mái trên mặt đất, cộng với 5 tầng giật cấp xuống triền dốc, cải tạo cho hài hòa tỉ lệ và hài hòa với cảnh quan. Công trình chỉ là điểm dừng chân, không có dịch vụ lưu trú.
Thực tế, bất kể những diễn giải của giới hữu trách, hình ảnh vừa được ghi lại cho thấy công trình sau cải tạo thậm chí có quy mô lớn hơn, kiên cố hơn. Tính đến hiện tại, tòa nhà vẫn giữ nguyên 6 tầng giật cấp, và tầng nổi trên mặt đất chồng thêm một tầng lầu, tức tổng cộng tất cả 9 tầng lầu.
Nguyễn Sơn
Từ khóa di sản thiên nhiên Mã Pì Lèng Panorama