Mỗi gia đình Việt dùng một kg túi nilon mỗi tháng
- Nguyễn Sơn
- •
Mỗi năm Việt Nam thải ra môi trường 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, phần lớn trong số đó là có túi nilon. Trung bình, mỗi hộ gia đình Việt Nam sử dụng khoảng một kg túi nilon mỗi tháng.
- 14 cách đơn giản để giảm thiểu rác thải nhựa
- 5 thứ khó tin mà con người có thể tái chế từ rác thải nhựa
Đồ nhựa: Tiêu dùng bao nhiêu, trở thành rác thải bấy nhiêu
Thông tin trên được Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố tại Diễn đàn “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương: Trách nhiệm và hành động của thanh niên” do Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam), Cục Biển và Hải đảo Việt Nam và Đoàn Thanh niên Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 28/2.
Theo thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm, Việt Nam thải khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa ra môi trường, trong đó 0,28- 0,73 triệu tấn bị thải ra biển. Chỉ 27% trong số này được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp.
Trung bình mỗi hộ gia đình ở Việt Nam sử dụng khoảng 1 kg túi nilon/tháng. Tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi nilon.
Ở Việt Nam, lượng chất thải nhựa và túi nilon chiếm khoảng 8 – 12% chất thải rắn sinh hoạt, nhưng chỉ khoảng 11-12% số lượng chất thải nhựa, túi nilon được xử lý, tái chế, gần 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường. Điều này có thể dẫn đến thảm họa môi trường, ô nhiễm đại dương.
“Mỗi ngày, có khoảng 22 tấn chất thải nhựa được thải ra từ các hoạt động y tế, trong số đó lẫn với rác thải nguy hại (thuốc, hóa chất..). Thu gom, tái chế và chôn lấp loại rác thải nhựa này đều ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng và ô nhiễm môi trường”, ông Đặng Quốc Khánh, đại diện Đoàn Thanh niên Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cảnh báo.
Không chỉ rác trên đất liền. Ngoài 80% rác thải nhựa xuất phát từ đất liền, từ những hoạt động sản xuất, sinh hoạt của con người, còn 20% rác từ hoạt động nghề cá, nuôi trồng thủy sản, tàu bè trên biển, bị thải trực tiếp ra đại dương.
Chia sẻ sâu hơn về thưc trạng ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam, ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh, Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho hay năm 2023, Việt Nam nhập khẩu khoảng 7,5 triệu tấn hạt nhựa, sản xuất trong nước khoảng hơn 2 triệu tấn. Theo đó, nguyên liệu để sản xuất hạt nhựa nguyên sinh ở Việt Nam mỗi năm có khoảng 10 triệu tấn. Đây là một con số rất lớn, ông Vượng nói.
Trong những năm qua, tiêu thụ nhựa ở Việt Nam liên tục tăng trưởng khoảng 15% mỗi năm. Hiện nay, tổng sản lượng ngành nhựa khoảng 25 tỷ USD, xuất khẩu năm 2023 khoảng 4,5 tỷ USD.
Theo ông Vượng, lượng tiêu thụ tăng mạnh, lượng rác thải nhựa ra môi trường là rất lớn và tăng hàng ngày. Lượng rác thải nhựa này có một phần được thu gom, tái chế ở các làng nghề trên cả nước, là nhựa có giá trị. Tuy hiên, còn lượng lớn rác thải nhựa khó tái chế, giá trị thấp như bao bì, túi nilon, nhựa sử dụng 1 lần…không được tái chế, đổ ra bãi rác chôn lấp, hoặc thải trực tiếp ra môi trường.
“Đến năm 2050, các đại dương có thể chứa nhựa nhiều hơn cá” – ông Phan Quốc Huy – Bí thư Đoàn Thanh niên Cục Biển và Hải đảo cảnh báo. Theo ông Huy, điều đáng lo ngại nhất hiện nay là nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ nhựa vẫn không ngừng gia tăng trong những năm gần đây. Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam là nước đứng thứ 3 ASEAN về tiêu thụ các sản phẩm đến từ nhựa, đồng nghĩa nguy cơ rác thải nhựa cũng sẽ tăng cao.
Cần kéo dài vòng đời sản phẩm nhựa
Ông Khánh kêu gọi các cơ quan tổ chức và cộng đồng cùng thống nhất nhận thức, chung tay hành động chống rác thải nhựa; phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” vận động người tiêu dùng từ bỏ hành vi, thói quen sử dụng túi nilon khó phân hủy, đồ nhựa dùng một lần.
Ngoài ra cần đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ khuyến khích phát triển các sản phẩm có thể phân hủy, tái sử dụng, thân thiện với môi trường thay thế túi nilon, đồ nhựa dùng một lần…
Ông Trần Toàn – Bí thư Huyện đoàn A Lưới (Thừa Thiên Huế) cho hay Huyện đoàn A Lưới đã phối hợp với tổ chức WWF-Việt Nam xây dựng mô hình “Trường học giảm thiểu rác thải nhựa” với các giải pháp như nâng cao nhận thức cho giáo viên, học sinh về tác hại của túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần, tập huấn phân loại rác cho học sinh…
Theo ông Vượng, vấn đề chống rác thải nhựa ở Việt Nam mới tham gia, vẫn còn nhiều lúng túng, hạn chế nên cần bám sát thực tiễn để xây dựng chính sách phù hợp để chống rác thải nhựa hiệu quả.
Một số chính sách đã được áp dụng như mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất EPR. Với EPR, nhà sản xuất và nhập khẩu phải chịu trách nhiệm về việc thu gom, xử lý và tái chế các sản phẩm mình sản xuất hoặc nhập khẩu. Các sản phẩm bao gồm các sản phẩm tiêu dùng, bao bì giấy, bao bì nhựa, thiết bị điện tử và điện tử tiêu dùng, ô tô, pin và bình ắc quy…, giúp kinh tế tuần hoàn theo vòng quay tái chế.
Việt Nam cần xây dựng chính sách phát triển thị trường sản phẩm tái chế, dán nhãn xanh cho các sản phẩm, quy định tỷ lệ tái chế trong mỗi sản phẩm nhựa… Đặc biệt muốn chống rác thải nhựa, điều quan trọng đầu tiên phải kéo dài vòng đời sản phẩm nhựa, giảm thiểu thải bỏ ra môi trường. Muốn vậy phải có quy chuẩn cho các sản phẩm nhựa, ông Vượng nhấn mạnh.
Từ khóa túi nilon Ô nhiễm rác thải nhựa rác thải nhựa