Theo số liệu của Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam (VAMAS), năm 2016, Việt Nam có 126.296 người đi xuất khẩu lao động. Bình quân mỗi tháng, hơn 1 vạn người Việt rời quê đi lao động ở nước ngoài. 

Năm 2016 có 29 thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam, tăng thêm 8 nước so với năm 2015.

di xuat khau lao dong,xuất khẩu lao động
Công nhân Việt Nam lao động ở Ả-rập Xê-út. (Ảnh: Q.T/giadinh.net.vn)

Phần lớn người Việt đi xuất khẩu lao động tại các nước Đông Bắc Á (93%), trong đó tập trung đông nhất tại Đài Loan (hơn 68 ngàn người), tiếp đến là Nhật Bản (gần 40 ngàn người), Hàn Quốc (hơn 8,4 ngàn người).

Trong năm 2016, tổng số lao động người Việt xuất khẩu sang Đài Loan là 68.244 người, chiếm 54% tổng số lao động xuất khẩu cả nước, tăng 1,7% so với năm 2015. Bình quân mỗi tháng Đài Loan tiếp nhận 5.687 lao động người Việt. Riêng tháng 12, Đài Loan tiếp nhận 9.585 người, tăng 76,45% so với tháng 11.

Đối với thị trường đáng chú ý Nhật Bản, trong năm 2016, trung bình mỗi tháng quốc gia này tiếp nhận 3.328 lao động Việt Nam. Đây là con số cung ứng lao động sang với danh nghĩa “thực tập sinh” tại Nhật cao nhất so với các năm qua. Riêng tháng 12, Nhật Bản tiếp nhận 6.345 người, là con số tiếp nhận “thực tập sinh” đạt mức kỷ lục của một tháng.

di xuat khau lao dong
(Nhấp vào hình để phóng to) Những thị trường tiếp nhận từ hơn 500 lao động Việt Nam trong năm 2016. (Số liệu: VAMAS; Biểu đồ: TTVN)

Tại Hàn Quốc, số lao động Việt Nam năm 2016 tăng lên 8.442 người sau năm 2015 giảm mạnh xuống còn 6.019 người (năm 2014 là 7.242 người).

Năm 2015, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng nhưng bỏ trốn đứng đầu 15 nước phái cử lao động tại đây. Tính đến tháng 12/2015, có gần 1.200 người tự nguyện về nước để được miễn xử phạt.

Cuối năm 2016, 44 quận/huyện tại 10 tỉnh/thành của Việt Nam bị ngừng tiếp nhận lao động sang Hàn Quốc do có tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước cao từ 35% đến 100%. Nghệ An đứng đầu danh sách các tỉnh có số lao động cư trú bất hợp pháp cao nhất tại Hàn Quốc.

Ngoài 8 quốc gia trên, năm 2016, lao động xuất khẩu của Việt Nam còn có mặt tại các thị trường như Quatar (702 người), UAE (616 người), Mao Cao (266 người), Israel (250 người), Thổ Nhĩ Kỳ (136 người), CHLB Đức (78 người), Mozambic (35 người), Liên bang Nga (16 người), Belarut (14 người), Hồng Kong (11 người)…

Ba khu vực tiếp nhận lao động xuất khẩu Việt Nam là khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Trung Đông, và các khu vực khác. Trong đó, khu vực Đông Bắc Á chiếm tỷ trọng lớn nhất, 93%. Tỷ lệ này tăng thêm 5% so với năm 2015.

di xuat khau lao dong
(Nhấp vào hình để phóng to) Tỷ lệ lao động xuất khẩu của Việt Nam phân theo khu vực trong năm 2016 (trái) và năm 2015 (phải). (Số liệu: VAMAS; Biểu đồ: TTVN)

Đáng chú ý là dù tăng trưởng mạnh ở khu vực Đông Bắc Á, lao động của Việt Nam lại đang bị “từ chối” ngay tại “sân nhà”. Tại thị trường khu vực Đông Nam Á, lao động của Việt Nam giảm từ 7.389 người (6%) trong năm 2015 xuống còn 2.109 người (2%) trong năm 2016.

Thị trường có quy mô tiếp nhận lao động lớn nhất khu vực này là Malaysia. Nhưng năm 2016, số lao động người Việt giảm còn 2.079 người so với 7.354 người năm 2015. Singapore giảm tiếp nhận lao động người Việt xuống còn 29 người so với 31 người năm 2015 và 92 người năm 2014.

Trước đó, tháng 2/2016, Chính phủ Malaysia thông báo ngừng tiếp nhận tất cả lao động nước ngoài để rà soát lại tình hình lao động nước ngoài làm việc. Tới tháng 9/2016, Malaysia tiếp nhận trở lại lao động nước ngoài nhưng con số lao động Việt Nam được tiếp nhận thì giảm mạnh.

Đối với Singapore, một số nhận định cho hay tình hình lao động biến đổi do kinh tế suy giảm. Năm 2015, tỷ lệ thất nghiệp của Singapore không thay đổi ở mức 2,9% đối với người Singapore trong khi tỷ lệ này tăng nhẹ từ 2,7% (2014) lên 2,8% (2015) đối với thành người có thẻ cư trú. Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2015, số người lao động nước ngoài tại Singapore là trên 3,6 triệu người, vẫn tăng 0,7% so với thời điểm đầu năm.

Theo dự đoán của VAMAS, thị trường xuất khẩu lao động Việt Nam trong năm 2017 sẽ tiếp tục diễn biến theo hướng tăng tại khu vực Đông Bắc Á và Trung Đông, và giảm tại khu vực Đông Nam Á.

di xuat khau lao dong
(Nhấp vào hình để phóng to) Số lao động xuất khẩu của Việt Nam qua các năm. (Số liệu: VAMAS; Biểu đồ: TTVN)

Trong vòng 6 năm, từ năm 2010 tới 2016, số lao động xuất khẩu của Việt Nam tăng từ hơn 85,5 ngàn lên hơn 126,2 ngàn người, tăng hơn 40,7 ngàn người, tương đương 47,63%.

Trước thập niên 90, Việt Nam có số lượng người đi lao động ở nước ngoài cao nhất vào năm 1988 với hơn 70 ngàn người. Con số này vẫn thấp hơn số lao động xuất khẩu của năm 2010.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội), trong 5 năm (từ 2008 tới 2013), lượng kiều hối từ lao động xuất khẩu dao động từ 1,8-2 tỷ USD một năm.

Xét về tính chất, kiều hối được xem là nguồn vốn ngoại tệ không cần hoàn trả, có giá trị tương đương như vốn FDI mà không phải trả bằng quá nhiều ưu đãi, hay bị phụ thuộc vào nước cho vay như vốn ODA.

Mặc dù vậy, một số chuyên gia kinh tế cho rằng lượng kiều hối đến từ lao động xuất khẩu của Việt Nam chưa thực sự mang lại hiệu quả về đầu tư kinh tế. Đại bộ phận kiều hối từ lao động xuất khẩu có thể chỉ rơi vào lĩnh vực tiêu dùng sinh hoạt, như học hành, thuốc men… và đặc biệt là trả nợ ngân hàng. Thực tế, nhiều lao động phải làm một nửa thời gian hợp đồng mới trả hết chi phí đi xuất khẩu. Điều này được cho là do lao động đi xuất khẩu hầu hết đều là lao động phổ thông, trình độ tay nghề thấp.

Năm 2015, Nghệ An là tỉnh có số người đi xuất khẩu lao động cao nhất nước với 12.800 lao động trong tổng số hơn 110.000 lao động.

Năm 2016, Nghệ An cũng đứng đầu danh sách 10 tỉnh/thành bị tạm dừng tuyển chọn lao động sang Hàn Quốc với tổng số 2.073 người hết hạn hợp đồng nhưng không về nước. 15/20 huyện của Nghệ An có lao động bị “cấm” xuất khẩu sang Hàn Quốc do có tỷ lệ lao động bỏ trốn trên 35% (tức tối thiểu cứ 3 lao động xuất khẩu thì 1 lao động hết hạn không về nước).

Vĩnh Long

Xem thêm: