Một học sinh lớp 7 ở Quảng Ninh tử vong sau khi có triệu chứng tức ngực, khó thở. Mẫu kết quả test nhanh của học sinh này dương tính với virus cúm A.

mot hoc sinh lop 7 o quang ninh tu vong nghi do cum a
Cúm A (Influenza A) là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do các virus cúm mùa gây nên. (Ảnh minh họa: StanislavSukhin/shutterstock)

Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế Quảng Ninh, ngày 18/2, em Đ.M.H. (sinh năm 2012, học sinh lớp 7C trường THCS Đông Mai, thị xã Quảng Yên) có dấu hiệu mệt mỏi và đã được người nhà xin phép nhà trường nghỉ học.

Đến tối ngày 19/2, em Đ.M.H. có triệu chứng tức ngực, khó thở nên gia đình đưa đi khám tại Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên.

Test nhanh tại đây, kết quả cho thấy em H. dương tính với cúm A, suy hô hấp, viêm phổi nặng, bệnh nhân được đặt nội khí quản cấp cứu, chuyển tuyến lên Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh.

Tại Khoa hồi sức tích cực, SpO2 (nồng độ oxy trong máu) của em H. còn 80 %, suy đa cơ quan, sốc nhiễm trùng, suy hô hấp cấp tiến triển nhanh. Các bác sĩ chẩn đoán viêm phổi nặng, nghi nhiễm cúm A.

Sau đó, tình trạng trẻ chuyển biến xấu, SpO2 không đo được, không bắt được mạch, hôn mê sâu. Gia đình xin đưa bệnh nhân về nhà, em H. tử vong vào sáng ngày 20/2.

Bệnh viện Sản Nhi gửi mẫu bệnh phẩm về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để thực hiện xét nghiệm chẩn đoán chính xác tác nhân cúm, chưa có kết luận chính thức.

Cúm A (Influenza A) là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do các virus cúm mùa gây nên. Các chủng virus cúm A phổ biến là A/H5N1, A/H1N1, A/H3N2, A/H7N9, trong đó, chủng A/H7N9 và A/H5N1 thường lưu hành ở gia cầm, có khả năng lây sang người và tạo thành dịch bệnh.

Cúm A thường xuất hiện trong các đợt cúm mùa và gây ra đại dịch vì virus cúm A thường xuyên thay đổi và phân nhóm tạo thành chủng mới từ cúm mùa này sang cúm mùa khác.

Các dấu hiệu của cúm A thường xuất hiện đột ngột và dễ nhận biết như ho, chảy mũi, nghẹt mũi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, hắt hơi, đau họng, đau nhức cơ thể. Đôi khi các triệu chứng này tự hết mà không cần điều trị đặc biệt. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng kéo dài nhiều ngày mà không cải thiện, bạn cần đến gặp ngay bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời tránh các biến chứng.

Bệnh nhân cúm A diễn biến nặng có thể gây nhiễm trùng tai, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, ho khan, sốt cao gây co giật, tức ngực, viêm phổi và gây nặng lên các vấn đề về tim mạch. Rất khó phân biệt sốt do cúm A với sốt do nhiễm virus khác, nhưng các trường hợp sốt cao do cúm A thường kéo dài hơn. Đối với những người có hệ miễn dịch yếu như người lớn tuổi, trẻ em, phụ nữ có thai thì cần theo dõi kĩ vì trong một số trường hợp biến chứng của cúm A có thể gây tử vong.

Để phòng ngừa, ngành y tế khuyến cáo mọi người nên tiêm vắc-xin cúm hàng năm, đặc biệt là các nhóm dễ biến chứng như trẻ nhỏ, người già, người có bệnh nền. Bên cạnh đó, các biện pháp như đeo khẩu trang khi tới nơi đông người, rửa tay thường xuyên, che miệng và mũi khi hắt hơi, cũng rất cần thiết để hạn chế lây lan virus. Một lối sống khoa học, đảm bảo dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý giúp nâng cao sức đề kháng, hỗ trợ cơ thể chống lại dịch bệnh hiệu quả hơn.

Minh Long