Mưa lớn, xả lũ, sạt lở – Rừng đã đi đâu?
- Vĩnh Long
- •
5 năm, chuyển đổi 38.200 ha rừng làm 1.900 dự án.
Đây là con số thống kê theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, tính trong giai đoạn 2012 – 2017 vừa được đưa ra tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng ngày 14/10.
Thời điểm khép lại hội nghị trên, có tổng 68 người chết, 34 người mất tích, 32 người bị thương trong mưa lũ (tính đến 21h ngày 14/10) theo cập nhật của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.
Theo đó, sau khoảng một tuần mưa lớn, con số thương vong toàn vùng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ đã lên tới 134 người, trong đó số người chết gấp hơn 7 lần, số người mất tích gấp hơn 8 lần cơn bão thứ 10 trên biển Đông trong năm nay.
Còn 5/18 người chưa tìm thấy trong vụ sạt lở kinh hoàng rạng sáng 12/10 tại xóm Khanh (Tân Lạc, Hòa Bình). Bản Hát, xã Hát Lừu (Trạm Tấu, Yên Bái) tan hoang, người dân bới bùn đất mót từng nhánh lúa. “Chỉ cần một đợt mưa với lưu lượng 100-200 mm cũng gây hậu quả khôn lường” – cơ quan về phòng chống thiên tai cảnh báo trước thông tin bão Khanun – cơn bão thứ 11 đang hướng vào từ biển Đông.
Trong lúc này, hội nghị toàn quốc về tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng diễn ra. Báo cáo của Bộ NN-PTNT cho hay năm 2016, toàn quốc có tổng diện tích rừng là 14.377.682 ha, tăng 315.826 ha so với năm 2015; độ che phủ rừng đạt 41,19%, tăng 0,35%.
Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản năm 2016 đạt 7,3 tỷ USD, xuất siêu 5,4 tỷ USD.
Về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, theo Bộ NN-PTNT, trong tổng 38.200 ha rừng chuyển đổi, rừng tự nhiên gần 19.000 ha, chiếm 89% diện tích rừng bị suy giảm trong cả nước thời kỳ này.
Từ góc độ tự nhiên, điều này gây nên hệ quả lớn trong mất cân bằng sinh thái, đa dạng sinh học, là tác nhân gây nên lũ lụt lớn, sạt lở, hạn hán… Song từ nay đến năm 2020 vẫn có 30 địa phương tiếp tục đề xuất chuyển đổi thêm trên 60.000 ha để thực hiện hơn 1.070 dự án khác. Tại hội nghị, Bộ NN-PTNT đề nghị Chính phủ tạm dừng chuyển đổi rừng tự nhiên nghèo sang phát triển kinh tế như làm thủy điện nhỏ và trồng cây công nghiệp, không chuyển đổi mục đích sử dụng rừng ven biển…
Cũng theo Bộ NN-PTNT, trong 9 tháng đầu năm 2017, cả nước phát hiện 1.697 vụ phá rừng, hơn 910 ha rừng bị thiệt hại (số vụ vi phạm về rừng lên tới 13.178 vụ với 1.257 ha rừng bị thiệt hại). Tính trong 5 năm, 2012-2017, diện tích rừng thiệt hại do phá rừng trái pháp luật lên tới hơn 4.218 ha.
Trong 9 tháng đầu năm 2010 thì có hơn 26.000 vụ vi phạm về công tác quản lý – bảo vệ rừng, trong đó phá rừng trái phép có 2.946 vụ, thiệt hại gần 1.600 ha rừng các loại.
Cứ theo con số lũy kế ấy thì không lạ khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra yêu cầu “Phải tạm dừng chuyển đổi rừng tự nhiên làm dự án thủy điện nhỏ… “Không phải có dự án du lịch làm sân golf là phá hết tất cả rừng trồng bao đời nay”, thì diện tích rừng nguyên sinh, rừng nhiều tầng (3-7 tầng) của Việt Nam chỉ còn 0,57 triệu ha, chủ yếu tập trung ở các khu rừng phòng hộ và trong các khu bảo tồn (năm 2012), theo số liệu của Bộ TN-MT.
Những năm đầu thế kỉ XX, độ che phủ của rừng nguyên sinh tại Việt Nam vào khoảng 70%, giữa thế kỷ còn 43%, đến những năm 1979 – 1981 chỉ còn 24%, theo Viện Điều tra quy hoạch rừng.
Vậy rừng đã đi đâu?
1 MW thủy điện mất 6 – 10 ha rừng – theo một ước tính do Phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Lâm Đồng – ông Lương Văn Ngự nêu ra từ năm 2013.
1 ha cao su đánh đổi 1 ha rừng, nhưng rừng mất, cao su theo quy hoạch, trách nhiệm dồn về ai? Chưa kể “rừng nghèo” là nghèo “bẩm sinh” do điều kiện tự nhiên hay và rừng nghèo do khai thác gỗ quá mức hoặc người dân chặt phá để rồi chuyển đổi mục đích sử dụng thành đất trồng cao su. Không hiếm rừng nguyên sinh biến thành “rừng nghèo” trên hồ sơ cấp phép.
Đằng sau rừng là gỗ, lâm sản, là động vật tự nhiên, sau nữa là hạn hán, lũ và sạt lở.
Trên Thanh Niên (16/10/2017), GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi (nay là Bộ NN-PTNT) cho hay với 150 ha đất rừng phòng hộ, chỉ sau một trận mưa sẽ cung cấp cho lượng nước ngầm khoảng 600 m3, đáp ứng nguồn nước uống khoảng 30.000 người trong một ngày. Vậy điều gì sẽ xảy ra khi 150 ha rừng trên biến mất? Khi hơn 910 ha rừng bị thiệt hại (chỉ tính riêng các vụ phá rừng trong 9 tháng đầu năm nay), điều gì sẽ xảy ra?
Nói về đợt mưa lũ lớn những ngày qua, từ góc độ cơ quan dự báo, ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, giải thích mưa lớn do cả hai hình thái không khí lạnh và áp thấp nhiệt đới kết hợp tạo nên một đợt mưa rất lớn, theo Vnexpress (13/10/2017).
Tuy nhiên, chuyên gia khí tượng lưu ý để khoảng 1 triệu m3 đất đá dịch chuyển và sạt lở, cần khoảng 5 triệu m3 nước. “Số nước này không thể được tạo ra từ mấy ngày mưa mà phải được tích tụ cả tháng trước đó rồi“.
Dẫn thông tin về thủy điện Hòa Bình, ông Hải cho hay tại Hòa Bình, chỉ trong ngày 9-11/10, hàng loạt điểm ghi nhận lượng mưa xấp xỉ 500 mm. Lũ về hồ Hoà Bình vào trưa 11/10 lên tới 15.940 m3/s là con số khủng khiếp chưa từng có vào tháng 10. Trước đây từng ghi nhận 12.500 m3/s vào tháng 8/1996, nhưng đó là vào tháng 8, là lũ chính vụ, còn giờ là tháng 10, khi mưa mùa hè đã giảm.
Số nước ào ạt đó từ đâu? Lại thêm thủy điện xả lũ (31 thủy điện đồng loạt xả vào chiều 11/10, thủy điện Hòa Bình xả kỷ lục 8/12 cửa xả đáy để an toàn đập). 6.000 con lợn chết trương tại trại lợn Yên Định (Thanh Hóa) chỉ là một biểu thị trực quan cho số phận những người cùng khổ vùng hạ nguồn. Tại thượng nguồn, 18 nhân mạng tại xóm Khanh (Hòa Bình) bị nửa quả đồi vùi lấp.
Người vô tội tiếp tục kêu cứu. Nước mất, nhà tan, gia sản chắt chiu một đời thành trả nợ đậy cho kẻ tàn phá rừng, tàn phá tự nhiên. Nhưng “ăn của rừng rưng rưng nước mắt” – người sống vì nhân nghĩa vốn hiểu nghiệp quả chẳng dừng ở một đời.
Vĩnh Long
Xem thêm:
Từ khóa xả lũ phá rừng rừng nguyên sinh thủy điện xả lũ vỡ đê