Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết với các trận mưa có lượng mưa từ 70mm/h trở lên, Hà Nội sẽ có 30 điểm úng ngập, tập trung chủ yếu ở lưu vực sông Tô Lịch và sông Nhuệ.

mua tu 70mm h tro len ha noi se co 30 diem ngap ung
Tuyến đường Hà Nội biến thành sông sau mưa lớn. (Ảnh: hanoionline.vn)

Chiều ngày 31/5, Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội (Công ty Thoát nước Hà Nội) tổ chức hội nghị về kế hoạch thoát nước mùa mưa năm 2024.

Theo công ty, đơn vị chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ lưu vực sông Tô Lịch (77,5km2); phần lớn lưu vực Tả Nhuệ (58km2), lưu vực Hữu Nhuệ (115,7km2), lưu vực Long Biên (62km2).

Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, năm nay thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường với tình hình nắng nóng gay gắt xuất hiện nhiều hơn.

Bên cạnh đó, những trận mưa lớn bất thường, khốc liệt không theo quy luật sẽ thường xuyên diễn ra, bao gồm cả dông lốc, mưa đá.

Công ty Thoát nước Hà Nội đánh giá tại Hà Nội với các trận mưa có lượng mưa dưới 50mm/h cơ bản không úng ngập, có thể có một vài vị trí ứ đọng nước do địa hình trũng, thấp hoặc hệ thống thoát nước gặp sự cố.

Với lượng mưa từ 50-70mm/h, Hà Nội tồn tại 11 điểm úng ngập.

Trong 11 điểm trên, lưu vực sông Tô Lịch sẽ xuất hiện 8 điểm. Trong đó, quận Đống Đa có 1 điểm tại phố Nguyễn Khuyến (khu vực trước cổng trường Lý Thường Kiệt); quận Cầu Giấy có 1 điểm tại phố Hoa Bằng; quận Hoàn Kiếm có 2 điểm tại ngã tư Phan Bội Châu – Lý Thường Kiệt và ngã năm Đường Thành – Bát Đàn – Nhà Hỏa.

Quận Ba Đình có 1 điểm ngập nằm ở phố Cao Bá Quát (đoạn trước cửa Công ty Môi trường đô thị); quận Tây Hồ có 1 điểm ngập tại phố Thụy Khuê (dốc La Pho); quận Hai Bà Trưng có 1 điểm ngập trên phố Minh Khai (đoạn chân cầu Vĩnh Tuy); quận Hoàng Mai có 1 điểm ngập trên phố Nguyễn Chính…

Nếu mưa có lượng trên 70mm/h, mưa có cường độ cao, tập trung trong thời gian ngắn, Hà Nội phát sinh thêm 19 điểm úng ngập.

Trong đó, tại lưu vực sông Tô Lịch sẽ phát sinh thêm 8 điểm ngập gồm: quận Hoàn Kiếm xuất hiện 3 điểm tại Phố Tông Đản, phố Đinh Tiên Hoàng và 155 Phùng Hưng; quận Cầu Giấy xuất hiện 1 điểm ngập tại ngã ba Cầu Giấy – Dịch Vọng và từ số nhà 235 đến 255 Cầu Giấy; quận Hoàng Mai xuất hiện 1 điểm tại đường Mạc Thị Bưởi; quận Thanh Xuân có 3 điểm ở phố Quan Nhân, Cự Lộc và đường Nguyễn Trãi (khu vực Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn).

Tại lưu vực sông Nhuệ sẽ xuất hiện 8 điểm ngập. Trong đó, quận Cầu Giấy có 3 điểm ở phố Phan Văn Trường, Dương Đình Nghệ – Phạm Hùng (sau tòa nhà Keangnam) và phố Trần Bình (đoạn trước cửa UBND phường Mai Dịch đến Bệnh viện 19-8).

Quận Bắc Từ Liêm có 3 điểm ngập tại phố Kẻ Vẽ (đoạn ngã 3 chợ Vẽ), tại khu vực nhà ở xã hội Ecohome 3 và khu đô thị Resco; quận Nam Từ Liêm có 1 điểm ngập ở đường Đỗ Đức Dục; quận Thanh Xuân có 1 điểm ngập trên đường Nguyễn Xiển; quận Long Biên có 1 điểm ngập tại nút giao thông Cổ Linh – Đàm Quang Trung; huyện Đông Anh có 2 điểm ngập là trên quốc lộ 3 đoạn qua xã Mai Lâm và đường 23B đoạn qua thôn Cổ Điển.

Ngập úng do các gói thầu thoát nước chậm tiến độ

Lý giải về nguyên nhân ngập úng, đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết tại khu vực sông Tô Lịch, về cơ bản, hệ thống thoát nước đã được cải tạo theo dự án thoát nước giai đoạn 1 và 2 nhưng vẫn còn nhiều dự án thi công xong chưa thanh thải, bàn giao vào vận hành. Điển hình như các gói thầu CP3, CP4 cải tạo cống hóa của lưu vực.

Ngoài ra, nhiều dự án hạ tầng lớn đang thi công cũng bị chậm tiến độ, như đường sắt Nhổn – ga Hà Nội, gói thầu số 2, cống nước thải Yên Xá. Một nguyên nhân khác được xác định là do khu vực đô thị trung tâm có nhiều vị trí trũng thấp cục bộ, hệ thống cống cũ nhỏ xuống cấp, xa nguồn tiêu, tập trung nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ phát sinh rác, dầu mỡ chưa qua xử lý…

Tại lưu vực sông Nhuệ, đại diện công ty cho hay về cơ bản đây khu vực là thoát nước tự chảy, phụ thuộc mực nước sông Nhuệ. Ở đây, hệ thống thoát nước chưa được đầu tư xây dựng, cải tạo đồng bộ theo quy hoạch, nhất là các trạm bơm đầu mối và hồ điều hòa.

“Sông Nhuệ chưa được cải tạo, bị vi phạm lấn chiếm, chưa điều tiết được mức nước một cách chủ động. Trạm bơm Yên Nghĩa vận hành còn hạn chế do vướng công tác giải phóng mặt bằng kênh dẫn La Khê”, công ty cho hay.

Tại lưu vực Long Biên, hình thức thoát nước chính là tự chảy ra sông Cầu Bây – Bắc Hưng Hải do ngành nông nghiệp quản lý. “Hiện chưa xây dựng được các trạm bơm đầu mối theo quy hoạch nên chưa điều tiết được mực nước trên hệ thống thoát nước, gây úng ngập tại một số khu vực trũng khi mưa lớn”, đại diện công ty nói.

Minh Long