Nhiều đại biểu ủng hộ phương án cho rút 50% BHXH một lần
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần là quyền của lao động, nhưng vẫn cần giữ lại 50%. Tuy nhiên, nhiều người dân chưa đồng tình với phương án được đưa ra, họ đã để lại nhiều ý kiến bình luận bên dưới các bài báo về chủ đề này.
- 2 phương án rút BHXH một lần đang trình Quốc hội: Ưu điểm, nhược điểm ra sao?
- Người lao động rút BHXH một lần: Đề xuất rút tối đa 50%, bảo lưu 50%
Ngày 2/11, tại phiên thảo luận tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, đại biểu Quốc hội góp ý 2 phương án rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần.
Theo đề xuất của Chính phủ, phương án một rút BHXH một lần được giải quyết với 2 nhóm lao động.
Nhóm 1 là người tham gia trước khi Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực (dự kiến ngày 1/7/2025), sau 12 tháng nghỉ việc và có nhu cầu thì được rút một lần. Nhóm 2 là người bắt đầu đi làm và tham gia hệ thống từ sau ngày 1/7/2025 sẽ không được rút BHXH một lần, trừ trường hợp theo quy định.
Nhóm 2 lao động được giải quyết 50% tổng thời gian đóng vào Quỹ hưu trí tử tuất, phần còn lại được bảo lưu trong hệ thống để sau này hưởng chế độ. Chính sách áp dụng với lao động đóng bảo hiểm dưới 20 năm mà sau 12 tháng không thuộc diện tham gia khu vực bắt buộc lẫn tự nguyện, muốn rút một lần.
Ủng hộ phương án hai, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà nói chế độ hưu trí là trụ cột của hệ thống an sinh. Người lao động rời bỏ hệ thống sẽ tạo ra gánh nặng lớn cho nhà nước và xã hội khi không có thu nhập khi về già. Vì vậy, dự thảo cần có biện pháp để người lao động ở lại hệ thống lâu hơn, giúp họ có động lực hưởng lương hưu.
Tuy nhiên, bà Hà kiến nghị mức rút BHXH không phải 50% tổng thời gian đóng vào Quỹ hưu trí tử tuất mà tương ứng với phần đóng của người lao động (8%). Lao động chỉ có thể rút khoản tiền họ đóng vào quỹ, còn số tiền mà người sử dụng đóng (14%) sẽ được giữ lại để chi trả một phần lương hưu sau này.
Cho rằng rút BHXH một lần là quyền lợi chính đáng của lao động, đại biểu Võ Mạnh Sơn (Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa) nói tình trạng lao động rút một lần có xu hướng tăng là “thực tế rất đáng lo ngại”.
Ông Sơn đồng tình dự thảo cần hướng đến hạn chế rút một lần, tuy nhiên, phải có giải pháp hỗ trợ người lao động trong giai đoạn khó khăn như tín dụng ưu đãi, việc làm, dạy nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển thị trường lao động. Bên cạnh đó, để tránh gây sốc về chính sách khiến lao động ồ ạt rút bảo hiểm một lần, cơ quan soạn thảo cần xây dựng lộ trình áp dụng phù hợp.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Giám đốc Trung tâm Thông tin khoa học lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cho rằng lao động rút BHXH một lần do khó khăn về kinh tế, hoặc chưa có đầy đủ thông tin nên thiếu tin tưởng vào chính sách, lo lắng sự an toàn của quỹ. Theo khảo sát tháng 4/2023 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, lao động rút BHXH một lần để tiêu dùng cho cuộc sống bản thân, gia đình và trả nợ. Số tiền này sẽ hết trong thời gian ngắn.
Đánh giá cả hai phương án đều chưa tối ưu, ông Nghĩa đề nghị không thiết kế thành hai phương án mà chỉ nên có một phương án với nhiều phương thức lựa chọn. Trong bối cảnh bảo hiểm hưu trí bổ sung chưa phát triển, ông Nghĩa gợi ý tách quỹ hưu trí bắt buộc thành hai phần. Trong đó phần bắt buộc đóng ở mức sàn để bảo đảm an sinh xã hội. Lao động không có quyền rút phần bắt buộc nhưng được rút phần còn lại.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc lại băn khoăn “cơ sở nào để rút 50% như thiết kế tại phương án hai, bởi điều này phải căn cứ vào khả năng đóng và rút”.
Trước đó giải thích lý do đề xuất cho rút 50% tổng thời gian đóng, ông Nguyễn Duy Cường (Vụ phó Bảo hiểm xã hội, Bộ LĐ-TB&XH) cho biết Ban soạn thảo đã phân tích số lao động rời lưới an sinh giai đoạn 2016-2022 cho thấy gần 80% ở độ tuổi 20-40 có nhu cầu cấp bách về tài chính. Việc cho rút 50% sẽ giải quyết cùng lúc 2 bài toán đảm bảo quyền lợi rút bảo hiểm của lao động và vẫn bảo lưu được hưu trí về sau.
Về mức 50% mà không phải cao hơn hay thấp hơn, Ban soạn thảo nhận thấy rút cao hơn thì phần bảo lưu không đáng kể, lương hưu sau này sẽ thấp; rút thấp hơn lao động sẽ phản ứng bởi khoản tiền nhỏ không đủ giải quyết nhu cầu cấp bách.
Bộ phận kỹ thuật đã thử tính toán nếu cho rút 8% phần đóng của lao động thì sẽ bằng 0,96 bình quân tiền lương tháng đóng BHXH với mỗi năm tham gia, tức bằng 48% mức hưởng một lần theo quy định hiện nay. Luật quy định mức hưởng một lần bằng hai tháng bình quân tiền lương đóng BHXH cho mỗi năm tham gia.
Dự thảo sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội sẽ được Quốc hội thảo luận hội trường ngày 23/11 và dự kiến thông qua theo quy trình hai kỳ họp.
Giai đoạn 2016-2022, gần 5 triệu lượt lao động rút BHXH một lần và 1,3 triệu người trong số này trở lại hệ thống (khoảng 26%), còn 3,5 triệu người rời đi. Trong số lao động rút một lần, khoảng 66% đóng BHXH dưới 5 năm, gần 78% là lao động dưới 40 tuổi.
Vấn đề này thu hút rất nhiều bình luận của độc giả trên các trang báo trong nước, đa số đều không đồng tình với phương án rút 50% bảo hiểm xã hội.
Bạn đọc có tên Batdongsanlekhoa@Gmail bình luận: “Nếu cứ vậy thì người lao động đa số không muốn đóng bảo hiểm xã hội, và lao động tự do thu nhập thấp thì càng không ai đóng”.
Bạn Nguyễn Tuấn viết: “Không ủng hộ ý kiến này. Chỉ cho rút 50% thì không được bao nhiêu, đồng thời lương hưu cũng không còn được là bao thì việc còn “ở lại” với BHXH cũng không giải quyết được gì cho nhu cầu của người lao động. Tốt nhất là giữ nguyên quy định cũ và thay đổi cách tính lương hưu có tính thêm sự biến động của lạm phát theo thời gian vào mức lương hưu.”
Độc giả nhatbinh.pham cho rằng: “Đa số Người lao động qua 40 tuổi bị doanh nghiệp sa thải không tìm được việc làm mới sau thời gian lãnh trợ cấp 1 lần . Nếu như nhà nước có những chính sách hỗ trợ hiệu quả như cho vay vốn lãi suất thấp (số tiền tương đương với số tiền họ lãnh BHXH 1 lần) như vậy có thể họ sẽ không rút .
Một độc giả khác có nick name [email protected] bình luận: “Khoản nào cũng là cũa người lao động. Không có người lao động thì doanh nghiệp có đóng khoản BHXH đó không? Nhiều người lao động qua 40 hay 45 đã bị cho nghỉ việc? Họ làm gì để sống để tiếp tục có tiền đóng BHXH duy trì để được trụ tới tuổi lĩnh lương hưu? Lương thấp lĩnh tháng nào ăn tháng đó còn thiếu thốn lấy đâu tích lũy? Họ buộc phải rút 1 lần để xoay sở tìm cái ăn khi mất việc. Không cho rút hoặc rút phần tự đóng thì thấm vô đâu? Lấy đâu để xoay?
Bạn Trung Luc viết: “Lương đóng BHXH 4,1 triệu đồng thì lương hưu chưa tới 2 triệu đồng/tháng thì ăn uống ra sao mà cứ đòi chờ hưởng lương hưu.”
Khánh Vy
Từ khóa lương hưu Dòng sự kiện rút BHXH một lần Luật Bảo hiểm xã hội họp Quốc