Những DN nào đang xin nhấn chìm hàng triệu m3 bùn cát xuống biển?
- Nguyễn Quân
- •
Chủ đầu tư dự án tại các nhà máy nhiệt điện than, nhà máy thép đã và đang đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cấp phép nhận chìm hàng triệu m3 vật chất nạo vét xuống biển từ Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi đến Bình Thuận.
Mới đây, lãnh đạo Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất cho biết đang đề xuất với Bộ TN&MT về việc nhận chìm khoảng 15,5 triệu m3 vật chất trên vùng biển của tỉnh Quảng Ngãi.
Theo Công ty thép Hòa Phát Dung Quất, trong khoảng 15,5 triệu m3 vật chất nói trên, hơn 87% là cát còn lại là vỏ sò, bùn… được nạo vét từ việc làm 11 bến cảng của đơn vị phục vụ cho Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất (Quảng Ngãi).
Dự án có công suất 4 triệu tấn thép một năm với vốn đầu tư khoảng 60.000 tỷ đồng. Sản phẩm dự kiến là thép xây dựng, thép cuộn cán nóng.
Về vị trí nhận chìm, khu vực Công ty CP thép Hòa Phát Dung Quất xin nhận chìm nằm phía ngoài khơi vịnh Dung Quất, cách đảo Lý Sơn 28,3 km về phía Đông, cách khu vực nạo vét luồng tàu khoảng hơn 6,8 km và cách khu nguồn lợi thủy sản tiềm năng vùng biển ven bờ vịnh Dung Quất phía Tây Bắc 10 km. Khu vực biển này có hình thoi, tổng diện tích khoảng 1,8 km2, sâu 50-55 m, độ dốc khoảng 2%.
UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã có văn bản gửi Bộ TN&MT thể hiện quan điểm và đề xuất phương án nhận chìm đối với hàng triệu m3 vật chất này xuống biển.
Công ty thép Hòa Phát Dung Quất và UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng tại vị trí nhận chìm không có hệ sinh thái cần quan tâm đặc biệt như san hô, cỏ biển; tính đa dạng các sinh vật đáy thấp. Phạm vi phát tán lan truyền vật chất xa nhất là 4,62 km về phía Tây Bắc và 2,96 km về phía Đông Nam, không phát tán rộng ra các vùng xung quanh. Sự phát tán lan truyền bùn cát chỉ xảy ra tức thời trong thời gian thực hiện nhận chìm, công nghệ, biện pháp nạo vét và nhận chìm đảm bảo tính hiện đại, do công ty nước ngoài có kinh nghiệm thực hiện… do đó không ảnh hưởng đến Khu Bảo tồn biển Lý Sơn cũng không ảnh hưởng đến khu nguồn lợi thủy sản tiềm năng vùng ven biển tỉnh Quảng Ngãi.
Để nạo vét và nhận chìm số vật chất này, Công ty thép Hòa Phát Dung Quất dùng tàu hút bụng xả đáy tự hành, có công suất từ 7.000-35.000m3/chiếc. Sau khi hút vật chất lên khoang chứa của tàu, tàu sẽ di chuyển đến vị trí cần đổ, cửa khoang chứa (nằm dưới thân) sẽ tự động mở ra để xả.
UBND Quảng Ngãi kiến nghị Thủ tướng xem xét, có ý kiến chỉ đạo Bộ TN&MT đẩy nhanh việc phê duyệt hồ sơ đề xuất nhận chìm vật chất nạo vét, đồng thời tham mưu cho Chính phủ giao khu vực biển cho dự án.
Trước đó, ngày 15/8, Bộ TN&MT cho biết vẫn đang xem xét đề nghị cho nhận chìm 2,5 triệu m3 bùn và chất thải từ quá trình thi công cảng than của dự án Trung tâm Điện lực Quảng Trạch (thuộc Tổng công ty Điện lực Việt Nam – EVN). Vị trí đề xuất là khu vực biển Quảng Bình cách đảo Hòn La 3,5 hải lý về phía Tây.
Ông Trần Phong, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Bình, người cùng với UBND tỉnh giới thiệu vị trí nhận chìm 2,5 triệu m3 bùn thải, cho rằng vị trí cách hòn đảo Hòn La 3-6 hải lý không ảnh hưởng đến luồng lạch giao thông, xung quanh cũng không có khu bảo tồn.
Trong khi đó, tại buổi họp báo, ông Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết nhận chìm vật, chất nạo vét xuống biển bao giờ cũng là phương án sau cùng. Theo Bộ TN&MT, giải pháp tốt nhất là sử dụng vật, chất nạo vét này cho san lấp đê kè ven biển.
Các trường hợp Bộ TN&MT đã cấp phép cho nhận chìm song không thể thực hiện được có thể kể tới hai trường hợp tại tỉnh Bình Thuận.
Tháng 10/2017, do quan ngại ô nhiễm môi trường biển của địa phương, tỉnh Bình Thuận đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các ban ngành liên quan dừng việc nhận chìm 2,4 triệu m3 bùn thải ngoài khơi, cách Khu bảo tồn biển Hòn Cau khoảng 9 km.
Số bùn thải này là của Trung tâm điện lực Vĩnh Tân (Bình Thuận) nạo vét từ cảng tiếp nhận than của Trung tâm này. Giấy phép cho việc đổ bùn này được Bộ TN&MT ký vào năm 2014, đến tháng 5/2017 được Bộ Công thương phê duyệt.
Một năm sau, tháng 9/2018, tỉnh Bình Thuận cho biết sẽ dùng vật chất nạo vét cảng, luồng, vũng quay tàu tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân để san lấp mặt bằng thay vì nhận chìm xuống biển.
Theo phương án được ký vào ngày 12/9 của UBND tỉnh Bình Thuận, việc san lấp được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1, đổ tạm 1,77 triệu m3 vật chất nạo vét để tiếp tục san lấp Cảng Tổng hợp Vĩnh Tân; giai đoạn 2, đầu tư mở rộng để chứa hết những thứ nạo vét trong 30 năm, bảo trì và sửa chữa, làm kho trung chuyển, và cảng xuất nhập than.
Tháng 6/2017, Bộ TN&MT cấp giấy phép cho Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 (tỉnh Bình Thuận) nhận chìm 1 triệu m3 bùn thải xuống biển Bình Thuận, cách khu bảo tồn Hòn Cau 6 km.
Tuy nhiên, kế hoạch bị hủy bỏ do làn sóng phản ứng mạnh của các chuyên gia, nhà khoa học và dư luận. Các ý kiến lo ngại bùn thải nạo vét có thể gây đục nước, ảnh hưởng tới hệ sinh thái biển tại khu vực nhận chìm và xung quanh. Tháng 8 cùng năm, Bộ TN&MT thống nhất với tỉnh Bình Thuận và các các cơ quan liên quan thay thế phương pháp nhận chìm bằng san lấp lấn biển – toàn bộ khối lượng vật chất gần 1 triệu m3 của Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 sẽ được đổ vào khu vực Cảng tổng hợp Vĩnh Tân.
Nguyễn Quân (T/h)
Xem thêm:
Từ khóa môi trường biển xin giấy phép nhận chìm bùn thải nhận chìm bùn thải