‘Nước sạch sông Đà nhiễm dầu thải’: Nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ
- Kiên Thành
- •
Nước đã được cấp trở lại cho các gia đình, vụ án bị khởi tố, nhưng dư luận vẫn chưa hết hoang mang. Đồng thời có rất nhiều câu hỏi được dấy lên liên quan đến thông tin các bên đưa ra nhưng chưa được giải đáp.
Diễn biến liên quan đến sự cố ô nhiễm dầu thải trong nước sinh hoạt do Công ty CP Nước sạch sông Đà – Viwasupco (Công ty Sông Đà) cung cấp có thể được tóm tắt như sau:
Đêm ngày 8/10, người dân phát hiện một xe tải loại 2,5 tấn đã đổ trộm dầu thải trên đường liên xã Hợp Thịnh và Phúc Tiến (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình). Dầu theo nước mưa lan ra khu vực xung quanh và chảy xuống suối Trầm (cách điểm có dầu khoảng 150m), rồi lan vào hồ Đầm Bài – nguồn cấp nước cho nhà máy nước Sông Đà.
Ngày 10-11/10, cư dân tại nhiều khu vực tại Hà Nội liên tục phản ánh nước có mùi khét. Ngày 11/10, Hà Nội lập đoàn kiểm tra liên ngành lấy mẫu để xét nghiệm; ngày 15/10, tổ chức họp báo, kết luận nước có mùi khét do hàm lượng styrene cao.
Công ty Sông Đà đang cung cấp khoảng 300.000 m3 nước/ngày đêm cho toàn bộ khu vực Tây Nam Hà Nội.
Nước có màu đen, mùi khét – Kết luận do styren có chính xác?
Styrene vốn là một hợp chất hữu cơ không màu, dễ bay hơi và gần như không tan trong nước nhưng tan trong một số dung môi hữu cơ khác như acetone, diethyl ether và ethanol. Nó tan rất tốt trong benzen và ether dầu mỏ. Như vậy một khi phát hiện hàm lượng lớn styren trong nước, là do các chất khác đã hòa tan styren và “cõng” styren vào môi trường nước.
Chỉ cần một lượng rất nhỏ styrene, cỡ 0,07 microgram/l thì đã dễ dàng nhận thấy mùi của nó trong nước. Styren cũng được mô tả là có một mùi ngọt, mùi sáp (1).
Như vậy, việc kết luận mùi khét trong nước sông Đà là do hàm lượng styrene gây ra – theo như ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội nêu trong buổi họp báo chiều ngày 15/10 có phần không hợp lý. Bởi khét không phải mùi đặc trưng của styrene, mà là đặc trưng cho dầu thải.
Cho đến nay, kết quả xét nghiệm các mẫu nước sinh hoạt trong suốt quá trình diễn ra sự cố hoàn toàn chưa được công bố, ngoài chỉ tiêu styrene. Tuy nhiên, như các hộ dân đã phản ánh, nước có màu đen và mùi khét, cả 2 đặc điểm này không phải điểm đặc trưng cho styrene vốn không màu, và mùi ngọt sáp. Như vậy nếu chỉ nhắm đến styrene, thì phải chăng đã có phần lệch hướng khi truy tìm thủ phạm.
Styrene vào nước máy sông Đà qua đường nào?
Thực tế, cơ quan chức năng đã công bố chỉ tiêu styrene trong nước vượt ngưỡng cho phép. Bản thân styrene rất khó tan trong nước, vậy chúng vào nước bằng cách nào? Điều này cũng không dễ lý giải với những thông tin chúng ta đang có hiện nay.
Rất có thể chính là trong dầu thải đổ trộm như đã nói có chứa một lượng lớn styrene trước khi xả xuống khu vực đầu nguồn, và quy trình xử lý nước của nhà máy nước Sông Đà không thể loại bỏ hết được styrene nên nước sinh hoat cấp đến hộ dân vẫn có hàm lượng styrene cao. Hoặc cũng có thể ô nhiễm styrene là một ô nhiễm độc lập và đồng thời với ô nhiễm dầu nhớt, vì styrene không phải là thành phần chính của dầu thải thông thường. Đặc biệt với lượng dầu thải đổ trộm ước tính khoảng 2,5 m3, sau khi bám dính dọc đường chảy theo mưa, theo suối và bị thu vớt trước đó thì lượng dầu thải thực sự vào đến được hồ Đầm sẽ là bao nhiêu?
Qua hồ Đầm Bài, styrene sẽ bị pha loãng tiếp, sau đó được loại bỏ qua giàn phun mưa và hệ thống lọc của Công ty Sông Đà, chúng liên tục bị loại bỏ và giảm nồng độ trước khi theo đường ống về đến các hộ dân tại Hà Nội.
Công suất của nhà máy nước Sông Đà là 300.000 m3/ngày đêm. Trong 2 ngày liên tiếp, 10-11/10, nước có mùi khét. Kết quả công bố cho biết hàm lượng styrene vượt mức cho phép 1,3 đến 3,36 lần so với quy định là 20 microgram/l. Nếu lấy mức trung bình là vượt 2 lần, vậy tính ngược ra tổng lượng styrene có trong nước của 2 ngày trên sẽ là:
300.000 (m3) x 1000 (quy đổi ra lít) x 2 ngày x 20 microgram/l = khoảng 24 kg.
Quy trình xử lý nước thông thường phải qua giàn phun mưa và hệ thống lọc nhiều lớp. Styrene vốn dễ bay hơi và rất khó tan trong nước, do đó sẽ liên tục bị giảm nồng độ. Vậy nhưng theo công bố, hàm lượng của styrene ở trong nước do nhà máy Sông Đà cung cấp vẫn ở mức cao? Vậy phải chăng đầu nguồn đã bị ô nhiễm styrene quá nặng?
2,5 m3 dầu thải xả trộm tại đầu nguồn là quá nhỏ
Dầu thải vốn chứa vô vàn chất độc hại khó xử lý, nhưng cũng có điểm yếu là rất nhanh chóng phân thành 2 lớp khi vào nước: lớp váng và lớp cặn. Nếu cho dầu vào nước, lớp váng chiếm phần lớn, sẽ rất nhanh nổi lên trên và nhanh chóng tìm chỗ bám là các bờ bụi, cây cỏ dọc đường do vậy khá dễ khu gom và lọc bỏ. Lớp cặn chìm lắng xuống đáy, cũng có thể thu gom và lọc bỏ.
Dù nhà máy nước Sông Đà có bơm phải loại nước nhiễm dầu này thì chỉ cần chảy qua hệ thống lọc đơn giản, màu đen của dầu/váng dầu gần như không thể tồn tại (trừ khi xử lý nước mà không lọc). Nước sau khi lọc có thể vẫn còn mùi khét vì không thể loại bỏ hoàn toàn các chất hữu cơ gây mùi khét này bởi chúng có phân tử nhỏ, mạch ngắn.
Trong thực tế của vụ ô nhiễm này, dầu thải được đổ ra đường liên xã, cách suối Trầm khoảng 150 m. Theo đó, để đến được suối Trầm, xuống hồ Đầm của Viwasupco, lượng lớn dầu thải đã ngấm vào đất đá ven đường, qua suối qua đèo, dính lại hai bên đường không ít.
Ngoài ra, vì dầu và nước không thể trộn lẫn, rất dễ phân lớp. Các lớp này sẽ bị hệ thống lọc tiếp tục loại bỏ. 2,5 m3 so với diện tích mênh mông của hồ Đầm Bài, so với công suất 300.000 m3/ngày đêm của nhà máy nước Sông Đà, có độ chênh lệch khá lớn.
Do vậy, mùi khét và màu đen của nước sinh hoạt được cấp về Hà Nội vẫn là còn là điều bỏ ngỏ. Trừ trường hợp Công ty Sông Đà lấy nước đầu vào bị ô nhiễm dầu quá nặng.
Dầu thải đổ trộm thuộc loại nào?
Ngày 16/10, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Sơn ra quyết định khởi tố vụ án hình sự vụ đổ dầu thải vào nguồn nước sông Đà; ngày 17/10 công bố thông tin.
Với những thông tin do cơ quan chức năng TP Hà Nội cung cấp, để có thể giải đáp được những vấn đề nêu trên, trong trường hợp nguyên nhân do dầu thải bị đổ trộm, thì đây phải là một loại dầu đặc biệt, ít nhất có các tiêu chí như:
- Chứa đặc biệt nhiều styrene,
- Có lớp váng đen băng qua được suốt/hồ, lọt qua được hệ thống lọc
Cần lưu ý rằng styrene không phải thành phần chính trong dầu thải và cũng không phải chất chỉ thị để định lượng cũng như đánh giá mức độ ô nhiễm/độc hại của dầu thải. Styrene thường được dùng trong ngành công nghiệp vật liệu làm polyme và sản xuất keo dính, đồ nhựa, túi xốp, hộp xốp dựng thức ăn, bao bì, vật liệu xây dựng.
Một thông tin khác đáng chú ý, trong quá trình kiểm tra, các cơ quan chức năng cũng ghi nhận nhiều cá chết trong ao nuôi cá tại nhà ông Thắng (xã Phúc Tiến) mặc dù không có váng dầu, không thấy dầu bám quanh ao. Do vậy, cũng không loại trừ có nhiều chất độc khác đã bị lây lan trong nguồn nước. Thiết nghĩ, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho hàng triệu người trên địa bàn Hà Nội, nên chăng các cơ quan chức năng cần công bố toàn bộ kết quả xét nghiệm cho tất cả các mẫu nước đã lấy tại Hòa Bình và Hà Nội.
(1) https://www.sciencedirect.com/topics/pharmacology-toxicology-and-pharmaceutical-science/styrene
Kiên Thành
Xem thêm:
Từ khóa nước nhiễm dầu thải styrene kim loại nặng Công ty nước sạch Sông Đà