Quảng Bình xác định có 3 viên chức sử dụng chứng chỉ tiếng Anh giả
- Nguyễn Sơn
- •
Sở Nội vụ tỉnh Quảng Bình phát hiện có 3 viên chức trong tỉnh này sử dụng chứng chỉ tiếng Anh tại tổ chức Cambridge International – tổ chức không có thật, do một nhóm người tại Hà Nội thiết lập, lừa đảo.
Ngày 23/10, ông Trần Thế Vương – Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Bình cho biết Sở Nội vụ đã thống kê được 3 trường hợp viên chức sử dụng chứng chỉ tiếng Anh do tổ chức Cambridge International cấp, theo báo Lao Động.
Động thái trên diễn ra sau khi có công văn của Bộ Nội vụ về việc đề nghị kiểm tra, rà soát hồ sơ cán bộ công chức, viên chức có kê khai sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ mang tên tổ chức Cambridge International (là tổ chức không có thật), Sở đã kiểm tra và có thông tin ban đầu.
Ngày 15/7/2024, Sở Nội vụ đã có Công văn đề nghị các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát Chứng chỉ ngoại ngữ mang tên Tổ chức Cambridge International.
“Trường hợp phát hiện cán bộ, công chức, viên chức sử dụng Chứng chỉ Cambridge International hoặc các chứng chỉ khác không đúng quy định của pháp luật thì lập danh sách gửi về Sở Nội vụ trước ngày 27/7/2024 để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý”, Sở Nội vụ tỉnh Quảng Bình nêu.
Bản tin của báo Lao Động dẫn lời ông Vương cho hay 3 trường hợp sử dụng “chứng chỉ tiếng Anh Cambridge International” đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Lệ Thủy; Trung tâm Công viên – Cây xanh Đồng Hới và Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình).
Hiện Sở Nội vụ đã có báo cáo, đợi Bộ Nội vụ chỉ đạo phương án xử lý.
Quảng Bình là tỉnh đầu tiên công bố danh sách viên chức sử dụng “chứng chỉ tiếng Anh Cambridge International” giả mạo.
Viện trưởng viện nghiên cứu liên kiết tổ chức học, thi, cấp chứng chỉ giả mạo
Theo Cổng thông Bộ Công an, tháng 6/2024, Phòng An ninh chính trị nội bộ và Phòng An ninh điều tra Công an TP. Hà Nội đã kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ truy tố đối với 6 người về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến việc cấp Chứng chỉ tiếng Anh giả mạo.
Trong đó, Lê Văn Vàng (SN 1981; trú huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) tự nghĩ ra tên tổ chức Cambridge International, với mục đích ban đầu để tổ chức các khóa học bồi dưỡng tiếng Anh.
Lợi dụng nhu cầu của nhiều người trình độ tiếng Anh hạn chế nhưng lại đang cần có chứng chỉ để đảm bảo hoàn thiện hồ sơ thi tuyển đầu vào tại các cơ quan, đơn vị trong và ngoài nhà nước, Vàng liên kết với Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục thuộc Hội Khoa học tâm lý – giáo dục Việt Nam, do Lương Việt Anh (SN 1987; trú quận Long Biên, TP. Hà Nội) làm Viện trưởng, tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ với danh nghĩa Cambridge International.
Từ tháng 9/2022 – 18/6/2023, nhóm này đã sử dụng danh nghĩa Tổ chức Cambridge International – là tổ chức không có thật – chấp thuận cho Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục thuộc Hội Khoa học tâm lý – giáo dục Việt Nam để tổ chức đánh giá năng lực ngoại ngữ tiếng Anh theo khung tham chiếu chung châu Âu (CEFR) bằng hình thức thi online và cấp Chứng chỉ mang tên tổ chức Cambridge International, nhằm chiếm đoạt tiền của người dân.
Nhóm này mua lại 2 trang web: http://cambridgetest.online; http://cbriglobal.info, thuê tên miền và thuê người xây dựng chương trình thi online trên trang web với 4 kỹ năng kiểm tra đánh giá (chấm điểm tự động) năng lực ngoại ngữ , gồm 4 kĩ năng: Nghe, nói, đọc, viết.
Riêng kỹ năng nói, thí sinh ghi âm bài kiểm tra nói và gửi vào địa chỉ thư điện tử [email protected] do Lương Việt Anh tạo lập và sử dụng để chấm điểm, tương tự như giao diện thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS, để tạo sự tin tưởng của thí sinh. Lương Việt Anh cung cấp cho thí sinh dịch vụ tra cứu kết quả thi tại trang web http://cbriglobal.info.
Từ ngày 25/9/2022 cho đến khi bị phát hiện, nhóm này khai nhận đã cấp khoảng 4.200 chứng chỉ tiếng Anh mang tên Cambridge International với giá 2,3-18 triệu đồng/chứng chỉ (tùy loại).
Từ khóa chứng chỉ tiếng Anh giả chứng chỉ tiếng Anh Cambridge International Sở Nội vụ tỉnh Quảng Bình