Do các tuyến đường ở Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) bị xuống cấp nghiêm trọng, tỉnh Quảng Ngãi dự kiến đầu tư 500 tỷ đồng để nâng cấp hạ tầng vào giai đoạn 2023 – 2025.

khu kinh te dung quat xe qua kho 1
Đoàn xe quá khổ quá tải gây ô nhiễm môi trường. (Ảnh: moitruong.net.vn)

Ngày 15/6, Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp tỉnh cho biết tỉnh Quảng Ngãi dự kiến đầu tư 500 tỷ đồng để nâng cấp hạ tầng vào giai đoạn 2023 – 2025.

Số tiền trên chủ yếu dành cho các tuyến đường huyết mạch đã xuống cấp nghiêm trọng, không còn khả năng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, cũng như nhu cầu vận chuyển hàng hóa để phục vụ cho sự phát triển của Khu kinh tế Dung Quất.

Theo Ban quản lý, Khu kinh tế Dung Quất có nhiều dự án lớn đang triển khai thi công xây dựng cơ sở hạ tầng, như: Nhà máy điện tua-bin khí hỗn hợp Dung Quất; Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2… Do đó, lưu lượng hoạt động của phương tiện vận tải ngày càng nhiều, dẫn đến một số tuyến đường hư hỏng nặng và gây mất an toàn cho người tham gia giao thông.

Cụ thể, tuyến đường Dốc Sỏi – Chu Lai gồm 2 đoạn, trong đó, đoạn 1 thuộc tuyến đường số 3, đoạn nối tuyến từ Dốc Sỏi – Dung Quất đến vòng xoay Thiên Đàng dài khoảng 1,9 km; đoạn 2 thuộc tuyến Chu Lai – Kỳ Hà (đoạn từ vòng xoay Thiên Đàng đến ranh giới tỉnh Quảng Nam) dài khoảng 2km, được đầu tư xây dựng từ năm 2003.

Đến nay, phần nền mặt đường của tuyến giao thông này đã hư hỏng nặng, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và tình hình trật tự, an toàn giao thông trong khu vực.

“Đường hư hết, bụi tung mù mịt. Cứ vài bữa là có tai nạn do đụng ổ gà, ai cũng ngán khi đi qua đây” – ông Huỳnh Văn Vũ (xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn) nói, báo Kinh tế và Đô thị dẫn lời.

Tuyến đường số 3 cảng Dung Quất đi Chu Lai – Kỳ Hà đoạn qua xã Bình Thạnh được xây dựng vào năm 2003, nhưng suốt nhiều tháng qua, tuyến đường này phải “gánh” lưu lượng xe tải hạng nặng chuyên chở đất, đá lưu thông bất kể ngày đêm nên bị xuống cấp trầm trọng, hình thành nhiều ổ voi, ổ gà, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, khiến việc đi lại của người dân hết sức khó khăn.

Tương tự, tuyến đường ven biển nối từ Khu kinh tế Dung Quất đến Khu kinh tế mở Chu Lai (tỉnh Quảng Nam) cũng trong tình trạng hư hỏng nặng. Mỗi khi có ô tô chạy qua, bụi phủ như sương mù làm khuất tầm nhìn cho người tham gia giao thông. Đặc biệt, đoạn từ ngã tư Thiên Đàng đến hết địa phận Quảng Ngãi có nhiều điểm mặt đường bị biến dạng, trơ đá, xe cộ qua lại rất khó khăn.

Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi, hàng năm, đơn vị đều được UBND tỉnh Quảng Ngãi giao vốn duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật các công trình tại Khu kinh tế Dung Quất. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hạn chế nên công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa thực hiện dàn trải, chưa tập trung, dẫn đến chưa phát huy hết hiệu quả và khắc phục các hư hỏng.

Hiện Khu kinh tế Dung Quất có 241 dự án đang hoạt động sản xuất, kinh doanh; trong đó có 38 dự án vốn đầu tư nước ngoài. Riêng năm 2021, đã thu hút đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 86.000 tỷ đồng.

Lo ngại ô nhiễm môi trường từ các nhà máy thuộc Khu kinh tế Dung Quất

Dự án Nhà máy Bột giấy VNT19 do Công ty Cổ phần Bột giấy VNT19 làm chủ đầu tư (được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2011), chính thức khởi công xây dựng năm 2015.

Đây là nhà máy bột giấy lớn nhất Việt Nam, với quy mô 350 nghìn tấn bột giấy tẩy trắng/năm, diện tích đất sử dụng (giai đoạn 1) là 117ha, tổng vốn đầu tư gần 9.900 tỷ đồng.

Trong 11 năm qua, Dự án Nhà máy Bột giấy VNT19 được điều chỉnh 3 lần, thay đổi về quy mô và vị trí, cụ thể: Diện tích chiếm đất từ 69ha lên 117 ha; vị trí từ thôn Giao Thủy, xã Bình Thới sang thôn Phú Long, xã Bình Phước; công suất từ 250 nghìn lên 350 nghìn tấn bột giấy tẩy trắng/năm; tiến độ hoàn thành từ quý IV/2019 chuyển sang quý IV/2023.

Dù nhà máy chưa đi vào hoạt động nhưng sự lo ngại về ô nhiễm môi trường từ dự án này ngày càng lớn, khi doanh nghiệp này đề xuất xây dựng đường ống xả thải ra ngay vịnh Việt Thanh.

Nhiều người dân sống tại khu vực này lo vịnh Việt Thanh sẽ trở thành vịnh chết trong tương lai.

Báo Lao Động hồi tháng 5/2022 phản ánh, để tạo mặt bằng thi công dự án trong Khu Kinh tế Dung Quất, các chủ dự án đã phải thuê các nhà thầu đào, phá hàng triệu mét khối đất, đá tại công trường dự án và vận chuyển ra ngoài để đổ thải. Hàng triệu mét khối đất đá này lại được chở đi đổ tứ tung, khắp nơi…

“Chưa đến 10 phút đã có không dưới 50 đầu xe tải liên tục ra vào cổng phía tây của một dự án trong Khu kinh tế Dung Quất. Những chiếc xe “no hàng” vừa ra khỏi công trình rồ ga phóng bạt mạng trên đường, phía sau xe là màng khói bụi mù mịt”, tờ báo cho hay.

o nhiem khu kinh te dung quat
Cây cối bên đường bị phủ lớp bụi dày trắng xóa. (Ảnh: moitruong.net.vn)

Đoàn xe trên đa số không che phủ bạt hoặc nếu có thì cũng chỉ là những tấm bạt che sơ sài, do vậy, trong quá trình lưu thông qua các ổ voi, ổ gà đã làm rơi vãi đất xuống lòng đường gây bụi bặm, ô nhiễm môi trường, theo báo Môi trường và Cuộc sống.

Tại Cụm công nghiệp Bình Long, nơi mà chính quyền huyện Bình Sơn xây dựng để thu hút phát triển công nghiệp nhưng nhiều năm qua chưa thu hút được nhà đầu tư nên bỏ trống, nhưng nay được “hô biến” thành bãi chứa đá thải, vật liệu xây dựng với núi đá ngổn ngang lên đến hàng nghìn m3 đá tảng bất chấp vi phạm các quy định của pháp luật nhưng cơ quan chức năng không có biện pháp ngăn chặn.

Trước đó, ngày 23/12/2019, tại Nhà máy Thép Hòa Phát Dung Quất, thuộc Công ty Cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất, thuộc Khu kinh tế Dung Quất bất ngờ xuất hiện đám khói bụi màu hồng cỡ lớn phát tán ra môi trường khiến người dân địa phương hết sức lo lắng.

khoi bui mau hong xuat hien tai
Khói bụi màu hồng xuất hiện tại Nhà máy Thép Hòa Phát Dung Quất. (Ảnh: moitruong.net.vn)

Cũng vào năm 2019, báo Đầu tư cho hay người dân khu vực biển tại Khe Hai (đoạn qua xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) phát hiện nước biển đổi màu xám đen, nổi bọt vàng, có nơi nổi thành váng trên bề mặt, phân bố thành từng mảng lớn, liên tục dạt vào bờ và trải dài trên phạm vi hơn 2km.

Bên cạnh đó, một số cây công nghiệp lâu năm, hoa màu của bà con xung quanh Dự án nhà máy thép Hòa Phát – Dung Quất rụng lá hàng loạt, khô héo…

Người dân nghi ngờ tình trạng này có liên quan đến hoạt động của các nhà máy tại đây…

Hoàng Minh