Rất nhiều trường hợp quy hoạch khoáng sản “theo tư duy nhiệm kỳ”
- Nguyễn Quân
- •
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhận định có rất nhiều trường hợp điều chỉnh quy hoạch khai thác khoáng sản tùy tiện, theo tư duy nhiệm kỳ, khi điều chỉnh thì quá dễ dãi, “tiềm ẩn nguy cơ rất lớn lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ”.
- Có hay không “lợi ích nhóm” trong hệ thống cơ quan truyền thông?
- Lâm Đồng: Cấp phép thăm dò quặng bô-xít ảnh hưởng hơn 4.450 ha rừng
Sáng 12/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến đối với một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản. Dự án luật này đã được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 7 và dự kiến xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 tới.
Thực tế đã có nhiều quy hoạch tiềm ẩn nguy cơ lợi ích nhóm
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và công nghệ môi trường Lê Quang Huy cho biết do còn ý kiến khác nhau, đối với cơ quan chủ trì lập quy hoạch khoáng sản và việc điều chỉnh quy hoạch khoáng sản, hiện dự thảo còn thiết kế hai phương án để Quốc hội biểu quyết.
Về trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản (Điều 15), dự luật để hai phương án: (1) Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường lập Quy hoạch khoáng sản (phương án Chính phủ trình Quốc hội) hoặc (2) Giao Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng lập quy hoạch khoáng sản (giữ như quy định của Luật Khoáng sản và Luật Quy hoạch hiện hành).
Tương tự, việc điều chỉnh quy hoạch khoáng sản (Điều 16) cũng chưa chốt được nội dung, với phương án (1) điều chỉnh quy hoạch theo pháp luật về quy hoạch, hoặc (2) điều chỉnh theo hình thức rút gọn và theo quy định của pháp luật về khoáng sản, với các trường hợp phải điều chỉnh quy hoạch (và không phải điều chỉnh) theo nội dung dự thảo Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhận định hai phương án về cơ quan chủ trì lập quy hoạch khoáng sản đều có ưu điểm và hạn chế.
Theo ông Tùng, phương án giao Bộ Tài nguyên và Môi trường lập Quy hoạch khoáng sản (phương án Chính phủ trình Quốc hội) – phương án 1 có thuận lợi là đồng bộ với quản lý quy hoạch, cấp phép, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm sau này. Nhưng lại thay đổi chức năng, việc phân công trách nhiệm quản lý theo pháp luật hiện hành.
“Đây là vấn đề lớn, phải đánh giá kỹ tại sao trước đây giao thế, giờ lại chuyển đổi thế này”, ông Tùng nêu, nhấn mạnh phải đánh giá kỹ tác động chính sách mới nếu thay đổi đầu mối.
Ông Tùng nghiêng về phương án giao Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng lập quy hoạch khoáng sản, tức giữ như quy định hiện hành.
Đối với hai phương án điều chỉnh quy hoạch khoáng sản, ông Tùng cho rằng đây là vấn đề lớn, khi đưa ra một số quy định đặc thù liên quan đến quy hoạch khoáng sản làm thay đổi cách tiếp cận pháp luật, quan điểm chỉ đạo.
“Thực tế hiện nay, luật quy hoạch đưa ra những quy định hết sức chặt chẽ trong việc điều chỉnh quy hoạch. Bởi, chúng ta đã tổng kết đánh giá và rút ra bài học thực tiễn công tác quy hoạch thời gian vừa qua.
Đó là, có rất nhiều trường hợp điều chỉnh quy hoạch tùy tiền, theo tư duy nhiệm kỳ, cũng có những trường hợp tiềm ẩn nguy cơ rất lớn lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ khi điều chỉnh quy hoạch quá dễ dãi”, ông Tùng nêu.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật lo ngại khi ban hành luật chuyên ngành lại “điều chỉnh một chút” làm cho điều chỉnh quy hoạch dễ dàng hơn. Theo đó, ông Tùng đề nghị Chính phủ đánh giá tổng thể đối với công tác quản lý quy hoạch nói chung, chứ không phải từng lĩnh vực riêng lẻ.
“Mỏ bé tí, khai thác cát 2 năm thì đào cả dòng sông…”
Về khai thác khoáng sản nhóm IV [bao gồm các loại khoáng sản chỉ phù hợp với mục đích làm vật liệu san lấp; đất đá thải của mỏ – chú thích], Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định ghi nhận việc đơn giản hóa thủ tục hành chính là tốt, góp phần giải tỏa tìm nguồn vật liệu san lấp cho các công trình quan trọng quốc gia.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội lo ngại tình trạng lạm dụng việc này. “Thủ tục làm rất nhanh, nhưng không cẩn thận lại lạm dụng, lợi dụng. Dùng cho công trình của quốc gia thì ít mà bán ra ngoài thì nhiều, rồi phá đường, phá hạ tầng, phá môi trường”, ông Định nói.
Ông đề nghị cần có kiểm soát và nghiên cứu để quy định về khai thác chặt chẽ hơn, yêu cầu phải theo quy hoạch, có thời hạn phù hợp quy mô của mỏ khai thác đã thăm dò.
Ông Định nêu cần làm rõ giữa thăm dò và khai thác, trong đó kiểm soát khai thác phải chặt chẽ hơn, yêu cầu phải theo quy hoạch, có thời hạn, phù hợp quy mô của mỏ khai thác đã thăm dò, hơn nữa là phải kiểm soát “đầu ra”.
“Trước đây tôi làm lãnh đạo tỉnh, họ bảo anh ơi mỏ hai năm cấp phép 2 năm nhưng tôi bảo không, chỉ cấp phép 6 tháng. Mỏ bé tí, khai thác cát 2 năm thì các ông đào cả dòng sông à! Phải theo quy hoạch và trữ lượng, thậm chí chỉ được cấp một tháng thôi.
Cái nữa là kiểm soát khối lượng, sản lượng khai thác và sử dụng. Tôi bảo ông đào ở đâu thì đào, ở tỉnh tôi phải làm cho công trình quốc gia chứ đào bán ra ngoài tôi không đồng ý” – ông Định chia sẻ.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho hay vấn đề cấp phép khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng thông thường, vật liệu san lấp trên diện tích quy hoạch là vấn đề rất quan trọng. Vừa qua ở một số địa phương đã xử lý hình sự, kỷ luật liên quan đến khai thác khoáng sản. Trong đó liên quan đất hiếm có một vụ án đang điều tra. Điều này cho thấy việc cấp phép khai thác là vấn đề rất quan trọng.
“Do đó “quy hoạch”, “thăm dò”, “khai thác” cần phân biệt rõ”, ông Mẫn nói. Ông này đề nghị phải “rà soát thật kỹ”, “xem có nhóm lợi ích nào trong dự thảo luật này không”.
Vướng mắc trong quy hoạch khoáng sản bô xít – dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản không xử lý đượcÔng Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) cho hay đang có 5 vấn đề vướng mắc trong thực tiễn quy hoạch khoáng sản bô xít tại tỉnh Bình Phước, Đắk Nông. Thứ nhất, vấn đề chồng lấn giữa quy hoạch khoáng sản và các quy hoạch khác ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế – xã hội nằm trong khu vực quy hoạch bô xít. Thứ hai, việc sử dụng đất kết hợp đa mục đích. Thứ ba là việc đóng cửa mỏ từng phần, bàn giao nhanh diện tích đã khai thác hết trữ lượng cho địa phương đưa vào sử dụng. Thứ tư, vấn đề cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, vật liệu san lấp trên diện tích quy hoạch bô xít Thứ năm, thu hồi khoáng sản trong quá trình thi công công trình, dự án nằm trong khu vực quy hoạch thăm dò, khai thác bô xít. Hiện dự thảo luật đã có một số quy định (có nội dung liên quan đến Luật Đất đai) để giải quyết các vướng mắc thứ hai, thứ ba và thứ năm. Với vướng mắc thứ nhất, ông Huy cho rằng, liên quan đến phương án được lựa chọn quy định tại Điều 16 dự thảo luật. “Còn với vướng mắc thứ tư, hiện dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản không xử lý được vấn đề này vì chưa có quy định khả thi, phù hợp thực tiễn; do vậy cần tiếp tục nghiên cứu kỹ nội dung này” – ông Huy nói. |
Nguyễn Quân
Từ khóa Khai thác khoáng sản Dự án bô xít alumin Nhân Cơ lợi ích nhóm khai thác cát sông tư duy nhiệm kỳ