Cục Nghệ thuật sẽ tiếp tục bổ sung các bài hát ‘đã phổ biến rộng rãi’
- Nguyễn Quân
- •
Sau khi công bố danh sách hơn 300 bài hát “được phổ biến rộng rãi”, trong đó chủ yếu là các bài “nhạc đỏ”, Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết danh sách này sẽ tiếp tục được cập nhật, bổ sung.
Sau sự việc 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975 bị tạm dừng lưu hành và 4 ca khúc nổi tiếng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không được cấp phép biểu diễn gây phản ứng trong dư luận, mới đây, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã công bố hơn 300 ca khúc ‘nhạc đỏ’ vào danh sách các bài hát được phổ biến rộng rãi.
Nhiều bài hát ca ngợi cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, ca ngợi Đảng, Hồ Chủ tịch, vốn được người dân thường gọi là các ca khúc “nhạc đỏ”.
Các ca khúc được đưa vào danh mục các ca khúc đã phổ biến rộng rãi bao gồm một số bài như:
- Chào em cô gái Lam Hồng – Ánh Dương
- Bài ca Trường Sơn – Trần Chung, Gia Dũng
- Chào quê hương tuyến lửa Anh hùng – Huy Du, Đại Đồng
- Bộ đội về làng – Lê Yên & Hoàng Trung Thông
- Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây – Hoàng Điệp, Phạm Tiến Duật
- Ca ngợi Hồ Chí Minh – Lưu Hữu Phước, Nguyễn Đình Thi
- Bài ca Trường Sơn – Trần Chung, Gia Dũng
- Xe ta đi trong đêm Trường Sơn – Tân Huyền…
Ngoài ra, một số bài hát ca ngợi Hà Nội và vẻ đẹp quê hương đất nước đã rất quen thuộc với công chúng cũng có mặt trong danh sách như:
- Bài ca Hà Nội – Vũ Thanh
- Bài ca của một người Hà Nội – Huy Du
- Việt Nam quê hương tôi – Đỗ Nhuận
- Bài ca bên sông Hồng – Huy Du, Thanh Nhàn…
Việc “chính thức cấp phép” này gây phản ứng trong dư luận khi trước đó, những ca khúc bị cấm lưu hành hoặc biểu diễn là những ca khúc được nhiều thế hệ người dân đón nhận bởi các giá trị nhân sinh.
Ngày 21/5, Cục Nghệ thuật gửi thông cáo báo chí giải thích việc công bố phổ biến hơn 300 bài “nhạc đỏ” nói trên là được cập nhật thêm vào danh mục các ca khúc đã phổ biến rộng rãi chứ không phải cấp phép mới. Cơ quan này cho biết danh mục này sẽ tiếp tục được bổ sung, cập nhật, “nhằm đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng” – theo nội dung thông cáo.
Trước đó, 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975 gồm: Cánh thiệp đầu xuân – Lê Dinh, Minh Kỳ; Rừng xưa, Chuyện buồn ngày xuân – Lam Phương; Đừng gọi anh bằng chú – Diên An; Con đường xưa em đi – Châu Kỳ, Hồ Đình Phương bị Cục Nghệ thuật biểu diễn yêu cầu tạm dừng lưu hành vì lý do vi phạm bản quyền.
Trước phản ứng trái chiều trong dư luận xã hội, ngày 14/4, Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên gửi công văn tới Cục Nghệ thuật biểu diễn yêu cầu thu hồi quyết định tạm dừng lưu hành 5 bài hát trên vì lý do không đủ cơ sở.
Tiếp đến, đêm nhạc “Nối vòng tay lớn” kỷ niệm 16 năm mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn do gia đình phối hợp với trường Đại học Y dược Huế dự định diễn ra vào đêm 21/4 đã gặp trục trặc trong việc cho phép tổ chức. Sở VHTT Huế cho biết lý do là vì 4 ca khúc trong chương trình gồm Nối vòng tay lớn, Ca dao mẹ, Huế – Sài Gòn – Hà Nội, Đêm thấy ta là thác đổ chưa được Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép phổ biến. Điều này gây bức xúc trong công chúng khi đây là những ca khúc đã được lưu hành rộng rãi trong các sản phẩm ghi hình, ghi âm…, có sức ảnh hưởng, được công chúng đón nhận rộng rãi.
Trước sự phản ứng của công chúng, chưa đầy một ngày sau, Cục Nghệ thuật biểu diễn có văn bản cấp phép đối với ca khúc Nối vòng tay lớn của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Lý giải về việc vì sao ca khúc nổi tiếng Nối vòng tay lớn chưa được cấp phép, ông Lê Minh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho biết vì chưa có tổ chức, cá nhân nào đề nghị cho phép phổ biến ca khúc này theo quy định của pháp luật. Còn về việc ca khúc đã được biểu diễn rộng rãi là vì các đơn vị tổ chức biểu diễn đề nghị cơ quan quản lý cho phép biểu diễn trong từng chương trình nghệ thuật cụ thể, ông Tuấn cho hay.
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Từ khóa danh sách các bài hát được phổ biến rộng rãi cấp phép bài hát nhạc đỏ Cục Nghệ thuật biểu diễn