Chiều ngày 30/8, UBND quận Thanh Xuân (TP Hà Nội) cung cấp thông tin về vụ cháy và vấn đề môi trường sau cháy tại kho chứa hàng thuộc Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông, tính đến 16h30.

cháy nhà máy Rạng Đông
Kết cấu nhà xưởng bị phá hủy sau 5 tiếng hỏa hoạn trong vụ cháy nhà máy Rạng Đông. (Ảnh: hanoimoi.com.vn)

UBND quận Thanh Xuân cho biết sáng 30/8, Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã thực hiện lấy mẫu, phân tích, đánh giá chất lượng môi trường xung quanh khu vực nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông để xem có hay không yếu tố độc hại. Kết quả phân tích nhanh các mẫu nước thải, nước sinh hoạt, không khí xung quanh, bụi, đất cho thấy các thông số như vi khí hậu, nhiệt độ, bụi… đều ở mức độ bình thường.

Sau đó, quận Thanh Xuân cũng đã mời Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường thuộc Bộ Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội đến làm việc để thống nhất khảo sát và quan trắc môi trường, lấy mẫu xét nghiệm đất, nước, không khí tại khu vực xảy ra cháy và các khu vực lân cận.

UBND quận Thanh Xuân cho biết theo thông tin ban đầu của Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường, các chỉ số như thủy ngân, chì, kim loại nặng được đo bằng máy test nhanh đều trong ngưỡng cho phép, an toàn đối với người dân.

Các mẫu đất, nước, không khí tại nơi xảy ra cháy sẽ tiếp tục được đưa về phòng thí nghiệm của viện để phân tích, xét nghiệm lần cuối cùng. Kết quả sẽ được thông báo về Sở Y tế Hà Nội và UBND quận Thanh Xuân.

Cũng trong sáng ngày 30/8, UBND quận đã xuống làm việc với lãnh đạo Công ty để nắm bắt tình hình về dây truyền sản xuất, những sản phẩm thiệt hại có ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường không.

Về tình trạng sức khỏe của 2 chiến sĩ cảnh sát PCCC đang được điều trị tại Bệnh viện Bộ Xây dựng, theo thông tin của Bệnh viện Bộ Xây dựng, nguyên nhân do ngạt khói trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

16h ngày 30/8, Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông có báo cáo gửi UBND quận Thanh Xuân cung cấp thông tin về thiệt hại và vật tư (nguyên vật liệu chính được sử dụng để sản xuất bóng đèn huỳnh quang CFL, đèn tròn).

Theo văn bản nói trên, công ty ước tính ban đầu bị thiệt hại về tài sản khoảng 150 tỷ đồng, trong đó số lượng sản phẩm có thể ảnh hưởng đến môi trường ước tính hư hỏng gồm: 480 nghìn bóng đèn huỳnh quang; 2 triệu đèn tròn công suất thấp; và 1 triệu 600 nghìn bóng đèn HQ Compact. 

Theo báo cáo, các vật tư, nguyên vật liệu chính được sử dụng để sản xuất bóng đèn huỳnh quang, CFL, đèn tròn, gồm:

  • Bầu đèn CFL làm bằng nhựa PC, đạt chứng chỉ UL, đảm bảo an toàn cho sức khỏe của con người kế cả khi cháy;
  • Vỏ bóng đèn các loại làm bằng thuỷ tinh không chì (không có hàm lượng kim loại nặng), đầu đèn làm bằng nhôm với công nghệ hàn dập không sử dụng thiếc hàn, dây tóc bằng wofram
  • Sử dụng thuỷ ngân rắn (amalgam) thay thế cho thuỷ ngân lỏng trong sản xuất bóng đèn từ năm 2016.

Công ty Rạng Đông khẳng định khí thải từ các nguyên liệu trên không gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người; đồng thời cũng cho biết ngày 30/8/2019, các xưởng sản xuất của công ty đã bắt đầu trở lại sản xuất bình thường, công nhận lao động đảm bảo sức khoẻ.

Trước đó, sau khi vụ cháy xảy ra, nhiều chuyên gia đã đưa ra cảnh báo nguy cơ nhiễm độc do lo ngại một số chất như thuỷ ngân… bị phát tán ra bên ngoài. 

Ngày 29/8, UBND phường Hạ Đình đã ngay lập tức ra văn bản số 112/TB-UBND khuyến nghị người dân không sử dụng nước tại các bể chứa nước hở, không sử dụng thực phẩm rau, hoa quả, gia cầm, cá, lợn được nuôi trong vòng bán kính 1 km kể từ tâm đám cháy trong thời gian 21 ngày. Ngoài ra, sơ tán trẻ nhỏ, người già, ốm bệnh ra khỏi khu vực chịu ảnh hưởng của cháy, thời gian sơ tán từ 1-10 ngày.

Tuy nhiên, đến ngày 30/8, Chủ tịch UBND phường Hạ Đình đã ký Quyết định thu hồi văn bản trên với lý do “không đúng thẩm quyền và nội dung chưa đủ cơ sở”.

Trong sáng 30/8, nhiều phóng viên báo chí tác nghiệp tại hiện trường vụ cháy có biểu hiện đau đầu, chóng mặt đã đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

Xuân Lan

Xem thêm: