Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM – bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết các trạm y tế có số lượng test nhanh cho khoảng 20.000 shipper, nhưng số shipper do Sở Công thương đăng ký tăng lên đến 92.000 người khiến các Trạm y tế lưu động và cả Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) bị lúng túng.

so y te tphcm
Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai tại buổi họp báo chiều 19/9. (Ảnh: ttbc-hcm.gov.vn)

Tại buổi họp báo thường kỳ cung cấp thông tin xoay quanh tình hình dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) tại TP.HCM, chiều 19/9, tình trạng 3 ngày qua, tại các điểm xét nghiệm cho shipper của TPHCM lại xuất hiện tình trạng quá tải, shipper xếp hàng dài chờ xét nghiệm được nêu ra.

Trả lời cho câu hỏi này, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết những ngày qua, lượng shipper hoạt động quanh mức 20.000 người, nhưng tới ngày 17/9 – ngày bắt đầu cho phép shipper được động liên quận, con số này đã tăng lên 24.200 shipper trên tổng số 26.500 người đăng ký hoạt động. Tổng số đơn hàng đã chuyển là 543.477 đơn, tăng gần gấp đôi so với khi 20.000 shipper hoạt động.

Ngày 18/9, số shipper đăng ký hoạt động lên 33.500 người, sang ngày 19/9, số lượng lên tới 82.160 shipper đăng ký hoạt động.

“Do đó, Sở Công Thương đã có thông báo Sở Y tế hỗ trợ nguồn lực thực hiện công tác xét nghiệm. Chúng tôi đăng ký ở mức 90.000 shipper sẽ hoạt động”, ông Phương nói.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế cho biết thực hiện Công văn số 2800 của UBND TP, Sở Y tế chỉ đạo các trung tâm y tế quận, huyện và các trạm y tế lưu động xét nghiệm cho các shipper. Tuy nhiên, số lượng shipper hiện tăng lên gần gấp 5 lần khiến việc xét nghiệm bị quá tải.

“Từ ngày 31/8 đến ngày 6/9, ngành y tế đã chuẩn bị số test đáp ứng đủ cho khoảng 20.000 shipper, tuy nhiên trong ngày 18/9, qua báo cáo của các đơn vị đã lên đến 92.000 shipper. Số lượng shipper tăng vọt như vậy đã gây quá tải đối với các Trạm y tế”, bà Mai cho biết.

Bà Mai cho hay hiện TP có 501 trạm y tế lưu động, trong đó, nhiệm vụ chính là chăm sóc F0 tại nhà, hỗ trợ xét nghiệm và tiêm chủng cộng đồng. Việc thêm việc xét nghiệm cho shipper (kéo dài tới 30/9), số lượng shipper tăng gần 5 lần nên khiến tất cả bị lúng túng.

“Lực lượng shipper tăng số lượng lên gấp 5 lần so với ban đầu và kéo dài thời gian thực hiện xét nghiệm cho đến ngày 30/9 khiến y tế cơ sở và cả Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM rơi vào lúng túng. Số lượng test nhanh vượt lên 5 lần cao hơn nhiều so với dự trù ban đầu”, bà Mai nói.

Giải pháp giảm quá tải không được đưa ra tại cuộc họp báo. Bà Mai cho biết Sở Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và trung tâm y tế các quận, huyện cố gắng hỗ trợ việc xét nghiệm cho shipper để hỗ trợ cho việc đi chợ hộ, vận chuyển hàng hoá.

Bà Mai cũng lưu ý thời gian xét nghiệm cho shipper là từ 5-6h sáng hàng ngày, đề nghị Sở Công thương nhắc nhở các shipper đến đúng thời gian quy định. “Đó là khung giờ đầu ngày để khi người ta có xét nghiệm âm tính để trạm y tế cấp giấy thì người ta mới giao thông được. Chứ còn các shipper đi từ sáng sớm đến tối cũng vẫn đến trạm y tế trong khi trạm y tế đâu phải làm đúng chức năng đó đâu. Do vậy gây khó khăn và ảnh hưởng đến công việc chăm sóc F0 – mục tiêu hàng đầu khi thành lập các trạm y tế lưu động”, bà Mai nói.

Có 50 trường hợp F0 được cấp giấy lưu thông trên đường

Lý giải về việc có 50 F0 vẫn được cấp giấy lưu thông, Thượng tá Lê Mạnh Hà – Phó Trưởng Phòng Tham mưu, Công an TP cho biết Công an TP cấp giấy phép lưu thông cho các đơn vị, tổ chức để cấp phát cho các cá nhân trực thuộc, và phía công an đã xác minh là không có vi phạm trong việc cấp giấy. Số lượng F0 trên  được phát hiện mắc COVID-19 sau khi cấp giấy.

Về việc các F0 khi lưu thông chưa biết mình là F0, ông Hà nói có độ trễ (khoảng 1-3 ngày) từ việc cập nhật kết quả xét nghiệm RT-PCR lên hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu người lưu thông… Những trường hợp F0 được phát hiện sẽ chuyển cho các đơn vị y tế, địa phương để quản lý cách ly tập trung hoặc tại nhà.

Theo ông Hà, trường hợp cố tình cấp giấy cho người F0 hoặc người biết mình là F0 mà cố tình lưu thông sẽ bị xử lý rất nghiêm, có thể phải chịu trách nhiệm hình sự nếu gây ra nguy cơ lây lan dịch bệnh.

TP.HCM cảnh báo về việc đưa tin chưa chính thức, khai thác hình ảnh trẻ mồ côi

Phó Ban chỉ đạo TP – ông Phạm Đức Hải nói rằng việc Sở Y tế có đề xuất chỉ cần tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin và ít nhất 2 tuần sau tiêm là được cấp “thẻ xanh COVID”, thì “quá trình các Sở ngành lấy ý kiến về vấn đề, chủ trương, chính sách là việc rất bình thường”.

Theo quy trình, sau khi lấy ý kiến các Sở, ngành để tổng hợp trình UBND TP, UBND TP sẽ xem xét, quyết định theo thẩm quyền theo tình hình thực tiễn của dịch bệnh tại địa phương.

Do đó, việc đưa tin quá sớm, những thông tin chưa chính thức sẽ làm ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo điều hành; công tác thông tin, truyền thông bị rối loạn và người dân cũng bị hoang mang với sự thay đổi của các thông tin – ông Hải cho hay.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông – ông Từ Lương nói thời gian tới, một trong những nội dung của công tác tuyên truyền là Tết Trung thu đặc biệt năm nay. Trong đó, ghi nhận nhiều hoàn cảnh, trường hợp trẻ em mồ côi cha mẹ do dịch COVID-19. Tuy nhiên, việc khai thác, sử dụng hình ảnh và các thông tin cá nhân của trẻ em cần được đảm bảo thực hiện theo quy định của pháp luật, nhất là phải tôn trọng quyền riêng tư trong hoàn cảnh như hiện nay.

Theo số liệu công bố tại cuộc họp báo, tổng số bệnh nhân COVID-19 tại TP.HCM tính đến 18h ngày 18/9 là 331.569 người, do Bộ Y tế công bố, gồm 331.091 ca nhiễm trong cộng đồng, 478 ca nhập cảnh.

Lũy kế từ ngày 1/1/2021 đến ngày 19/9, tổng số ca COVID-19 tử vong tại TP.HCM là 13.281 người; cùng thời điểm, tổng số bệnh nhân xuất viện là 169.201 người.

Hiện TP đang điều trị 41.193 bệnh nhân, trong đó: có 3.459 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.350 bệnh nhân nặng đang thở máy và 21 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Nguyễn Sơn

Xem thêm:

https://trithucvn2.net/tin-tuc-vn/tp-hcm-f0-khoi-benh-khong-duoc-xac-nhan-van-phai-tiem-vac-xin-ngua-covid-19.html