Chỉ 4 ngày sau khi khẳng định TP không thiếu thuốc, Sở Y tế TP.HCM phát thông báo thừa nhận hầu hết các bệnh viện “có thiếu thuốc”, nhưng cho rằng đây là hệ quả của các vấn đề tồn tại từ rất lâu do nhiều nguyên nhân chứ không phải do sợ sai mà không dám đấu thầu hoặc đấu thầu muộn.

sot xuat huyet tphcm
Trẻ bị sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM). Dịch sốt xuất huyết đang bùng phát khi trên toàn khu vực phía Nam, tính từ đầu năm tới trung tuần tháng 6, 39.317 bệnh nhân sốt xuất huyết đã nhập viện, 36 ca tử vong. (Ảnh minh họa: Đan Như/thanhuytphcm.vn)

Ngày 20/6, Sở Y tế TP.HCM chủ trì buổi làm việc trực tiếp với Giám đốc và Trưởng khoa dược của tất cả bệnh viện, trung tâm y tế trực thuộc để trao đổi về tình hình cung ứng thuốc, các giải pháp không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc.

“Khi được hỏi bệnh viện có thiếu thuốc hay không, câu trả lời của hầu hết các Giám đốc đơn vị là “Có” nhưng tất cả đều cho rằng đây là các vấn đề đã tồn tại từ rất lâu do nhiều nguyên nhân khác nhau, chứ không phải do sợ sai mà không dám tổ chức đấu thầu hoặc đấu thầu muộn như một số phản ánh trên báo, đài đối với một số địa phương” – Sở Y tế TP.HCM công bố trong bản thông báo phát vào chiều muộn ngày 20/6.

Động thái này được đưa ra khi ngày 16/6, tại cuộc họp báo thường kỳ của TP, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM Lê Thiện Quỳnh Như cho hay có tâm lý lo ngại khi mua sắm thuốc vì sợ sai phạm, nhưng khẳng định hiện tại TP không thiếu thuốc. Một ngày sau, ngày 17/6, Bộ Y tế ra thông báo nêu 5 lý do của thực trạng thiếu thuốc, vật tư y tế phổ biến tại các địa phương, đơn vị hiện nay, trong đó nhấn mạnh lý do “do tâm lý sợ sai, không dám đấu thầu”. 

Khó mua vì thuốc hiếm, gián đoạn bởi chiến tranh Nga-Ukirane

Theo Sở Y tế TP.HCM, một số thuốc thuộc danh mục hiếm do không có nhà cung ứng vì ngừng sản xuất như: Dopamin, dung dịch cao phân tử Dextran, huyết thanh kháng nọc rắn…

Các loại thuốc phải kiểm soát đặc biệt như thuốc gây nghiện, hướng thần: Diazepam, Phenobarbital dạng tiêm, Midazolam… trong những năm sau này khó tìm, do nhà sản xuất trong nước gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu hoặc do các công ty trên thế giới đã ngừng sản xuất.

Mới đây, một vài loại thuốc bị gián đoạn do ảnh hưởng bởi chiến tranh Nga-Ukraine (thuốc Methotrexat sản xuất từ Belarus), hoặc do hết số đăng ký nhưng chưa được Bộ Y tế gia hạn.

Đối với những tình huống này, các bệnh viện tìm phương án sử dụng thuốc thay thế, ngoại trừ một số thuốc không thể thay thế như các loại huyết thanh kháng nọc rắn.

Do cơ chế mua sắm

Theo Sở Y tế TP, các bệnh viện trong TP bị động trong mua sắm thuốc do thuốc thuộc danh mục đàm phán giá và đấu thầu tập trung cấp quốc gia. Công việc này vốn do Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia thực hiện theo quy định.

Nếu chờ có kết quả của Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia thì khả năng thuốc bị thiếu. Nếu chủ động đấu thầu thì có khả năng gặp khó khăn trong thanh toán khi Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia có kết quả đấu thầu với giá thấp hơn giá mua của các bệnh viện đã đấu thầu trước đó.

Ngoài ra, một số thuốc mới phát sinh do các bệnh viện tuyến cuối triển khai thêm các kỹ thuật mới, chuyên sâu như thuốc điều trị trong lĩnh vực ung bướu, huyết học… Hầu hết các thuốc này chưa có số đăng ký, chủ yếu là nhập khẩu chuyến hàng năm sau khi được Bộ Y tế cấp phép. Trong trường hợp Bộ Y tế chưa cấp phép kịp thì khả năng các thuốc này sẽ bị thiếu trong một khoảng thời gian nhất định.

Sở Y tế TP khẳng định thực tế các bệnh viện đều mong Bộ Y tế xem xét, phê duyệt khi bệnh viện cần nhập khẩu chuyến để đáp ứng nhu cầu điều trị cho người bệnh.

Các lý do chủ quan

Sở Y tế TP thừa nhận việc thiếu thuốc do một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có quy mô nhỏ, thiếu nguồn nhân lực tham gia việc đấu thầu thuốc theo quy định, chưa có kinh nghiệm trong mua sắm (như Trung tâm Y tế quận, huyện; bệnh viện quận, huyện quy mô nhỏ).

“Các cơ sở này thường bị động trong công tác đấu thầu thuốc vì mua sắm với số lượng nhỏ và thiếu kinh nghiệm trong mua sắm thuốc bổ sung theo quy định đối với những thuốc không trúng thầu” – theo nội dung thông báo.

Ngoài ra, Sở Y tế nhấn mạnh việc các bệnh viện công lập tại TP.HCM còn phải sẵn sàng tiếp nhận người bệnh từ các tỉnh thành chuyển đến do bệnh nặng, do thiếu một số thuốc, vật tư y tế khi các địa phương chậm tổ chức đấu thầu.

Giải pháp nào tháo gỡ?

Đối với các giải pháp nội trong ngành y tế TP, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho hay Sở Y tế đã đề xuất TP cho phép ngành y tế thành phố thành lập Trung tâm mua sắm tập trung thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị của ngành y tế thành phố. Sở Y tế đã xây dựng đề án và trình UBND TPHCM xem xét, phê duyệt. Trung tâm sẽ hoạt động theo lộ trình ở giai đoạn đầu mua sắm thuốc tập trung; sau khi ổn định sẽ tiến hành mua sắm vật tư y tế, trang thiết bị.

Đồng thời, Sở Y tế thành lập Tổ công tác chịu trách nhiệm tiếp nhận các thông tin, tư vấn và hướng dẫn xử lý tình huống thiếu thuốc (nếu có) của các cơ sở khám chữa bệnh; tổ chức các Hội đồng chuyên gia (theo từng chuyên khoa) để rà soát, cập nhật lại các thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm trong các phác đồ điều trị, xây dựng các thuốc thay thế mang tính khoa học và phù hợp với tình hình cung ứng thuốc.

Sở Y tế yêu cầu giám đốc các bệnh viện và các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ phác đồ điều trị tại đơn vị mình. Sở Y tế tổ chức các đoàn kiểm tra về hoạt động quản lý cung ứng thuốc của các bệnh viện và hoạt động chuyên môn của Hội đồng thuốc và điều trị có liên quan đến vấn đề cung ứng thuốc nêu trên.

Đối với các vấn đề ngoài ngành, Sở Y tế TP.HCM kiến nghị UBND TP hỗ trợ ngân sách cho ngành y tế để dự trữ một số thuốc hiếm dùng trong cấp cứu người bệnh; sớm hiện thực hóa Đề án xây dựng Khu công nghệ Y – Dược kỹ thuật cao để hạn chế việc lệ thuộc nhập khẩu một số thuốc, vật tư y tế trong cấp cứu và điều trị chuyên sâu.

Với Bộ Y tế, Sở Y tế TP.HCM đưa ra 5 kiến nghị, gồm:

1/ Tiếp tục rút ngắn thời gian gia hạn số đăng ký đối với các thuốc đã hết hạn số đăng ký;

2/ Xem xét và rút ngắn thời gian cấp phép nhập khẩu chuyến đối với những thuốc chưa có số đăng ký;

3/ Xem xét, cấp số đăng ký đối với những thuốc thường xuyên phải xin phép nhập khẩu chuyến;

4/ Chỉ đạo Trung tâm mua sắm tập trung thuốc Quốc gia rút ngắn thời gian đàm phán giá, đấu thầu tập trung để các bệnh viện kịp thời ký hợp đồng mua sắm với các nhà cung cấp, tránh gây gián đoạn, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, chăm sóc người bệnh;

5/ Cần có chính sách đặt hàng cho các nhà sản xuất trong nước ưu tiên sản xuất các loại thuốc cấp cứu, đặc trị (như huyết thanh kháng nọc rắn,…).

Minh Sơn