Dù thực hiện đấu thầu, việc chỉ định thầu đã diễn ra bằng cách này hay cách khác. Mức giá phê duyệt có thể cao hơn 50-60% so với giá thực tế do những thỏa thuận “gửi giá”, “lại quả” phục vụ lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân… Bài viết góp một góc nhìn về tình trạng tham nhũng trong đấu thầu dự án tại Việt Nam.

tham nhung du an
“Tôi mơ thấy một giấc mơ”. (Ảnh minh họa/Bang Duong)

Chị N. làm việc tại một công ty quảng cáo – sự kiện có vốn của Nhật Bản tại TP.HCM. Năm 2017, công ty chị nhận được đề nghị xây cổng chào cho một tỉnh ở miền Nam. Điều kiện phải “lại quả” 50%.

Giá trị thiết kế, chi phí xây dựng… tổng dự án ước tính xấp xỉ 1 tỷ đồng. Nhưng báo giá được đề nghị ghi 2 tỷ đồng, con số chênh 1 tỷ đồng sau khi hợp đồng hoàn tất sẽ phải “trả lại” cho bên khách hàng. Công ty tham gia thầu cũng sẽ phải tự gửi báo giá của thêm hai công ty thuộc dạng “quân xanh quân đỏ” khác với chi phí cao hơn để cuối cùng báo giá được nhắm đến được chọn cho “đúng quy trình”. Công ty của chị N đã từ chối tham gia vào dự án này.

Tôi chia sẻ chuyện này với một vài nhân viên marketing, nhân viên kinh doanh, họ đều thừa nhận chuyện này không có gì là lạ. “Gửi giá” đã trở nên phổ biến tới mức có những hợp đồng khi được đặt bút ký, phần “gửi lại” cho người hoặc nhóm người ra quyết định ký hợp đồng có thể dao động từ 10% đến 50% tùy giá trị hợp đồng và tùy “thỏa thuận” giữa người mua – kẻ bán.

Gửi giá là một hình thức tham nhũng. Thuật ngữ “gửi giá” chỉ là cách gọi khác cho việc khai khống chi phí. Khi hợp đồng mua bán trị giá 10 đồng, thay vì ghi 10 đồng, bên mua đề nghị ghi lên thành 12 đồng. Khi hợp đồng mua bán hoàn tất, bên mua yêu cầu trả lại 2 đồng “gửi giá”. Nếu dự án là của cơ quan nhà nước thì số tiền trên rút ra từ ngân sách nhà nước; nếu dự án là của doanh nghiệp (nhà nước hay tư nhân) thì mức chênh rút từ tiền vốn của doanh nghiệp.

Mức chênh lệch giữa thực giá với giá trong hợp đồng trở thành phần tư túi của một người hoặc một nhóm người tham gia dự án. Phía đơn vị bán hàng phải lo chuyện hạch toán kế toán, mua hóa đơn để hợp thức khoản chi hoặc giảm thiệt hại bằng cách chuyển khoản chi sang chi tiêu cá nhân để chỉ phải chịu thuế thu nhập cá nhân 10% thay vì thuế thu nhập doanh nghiệp 20%. Một chủ doanh nghiệp cho hay nếu không chấp nhận việc “gửi giá” hoặc tỷ lệ “gửi giá” thì họ tìm cách đẩy mình ra. Vậy nên chỉ có hai cách, hoặc từ chối dự án hoặc để dự án “rơi” vào tay đơn vị khác. 

Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài muốn tham gia dự án tại Việt Nam cũng phải chấp nhận hoạt động trong môi trường tham nhũng phổ biến. Một doanh nhân người Việt từng có 10 năm làm Giám đốc Kinh doanh Dự án của một hãng công nghệ lớn của Mỹ tại Việt Nam cho hay dù nhà quản lý nước ngoài quản lý rất chặt về tài chính, không cho phép xuất tiền mặt làm việc “phong bì” song vẫn phải chi một khoản ngân sách lớn để lobby (“vận động hành lang”) dự án; đối với cơ quan hay doanh nghiệp NN thì điều này càng trở  thành một thứ “lệ”.

Trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), theo luật đấu thầu, các hãng nước ngoài không được trực tiếp bán công nghệ hay thiết bị cho khách hàng ở Việt Nam, mà phải bán thông qua các công ty công nghệ trong nước (reseller). Theo đó, các hãng này không chỉ cần có các đối tác trong nước để tham gia đấu thầu mà còn cần xây dựng quan hệ với khách hàng. Điều này tưởng như là điều đương nhiên. Tuy nhiên, ở một số nước có tư duy tài chính minh bạch, quan hệ kinh doanh được hình thành dựa trên yếu tố giải pháp (resolution) – tối ưu hay không tối ưu, thay vì hình thành dựa trên quan hệ (relation). Quan hệ chỉ có giá trị củng cố lòng tin chứ không phải yếu tố quyết định sự thành hay bại của dự án.

Theo vị doanh nhân trên, quá trình lobby đã bắt đầu ngay lúc lên hồ sơ mời thầu, khi các cơ quan nhà nước, các ngân hàng thương mại nhà nước hoặc các tổng công ty nhà nước mở thầu để mua sắm các thiết bị tin học, hệ thống máy tính. Các dự án thầu trong lĩnh vực CNTT ở Việt Nam thông thường sử dụng tiêu chí kỹ thuật. Cùng một loại máy tính, sản phẩm giữa các hãng có khác nhau một vài tiểu tiết. Theo đó, chỉ cần biết “đầu bài” ra như nào là biết đơn vị đó chọn hãng nào.

Vậy khi tiếp cận phải làm gì? Phải làm sao tạo quan hệ với khách hàng để khi họ ra yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ thuận lợi cho thiết bị của hãng mình. Đây là cạnh tranh giữa các hãng với nhau. Trong cuộc cạnh tranh này, công ty có một ngân sách (budget) để mời 5-7 cán bộ của cơ quan đó một chuyến công tác nước ngoài, cũng có đi thăm văn phòng hãng, trụ sở, nhà máy, nhưng bản chất là đưa các vị này đi du lịch, mua sắm ở nước ngoài. Chi phí một chuyến như vậy khoảng vài chục đến vài trăm ngàn đô. Tiền do hãng bỏ ra, nhân viên hãng tháp tùng.

dinh la thang
Việt Nam chỉ xếp thứ 113/176 quốc gia trong Chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) 2016. (Nguồn: Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI)

Đối với dự án công nghệ mở hồ sơ mời thầu như trên, ít nhất các hãng cần lobby ba lớp, lớp thứ nhất là người phụ trách kỹ thuật, lớp thứ hai là quản lý tầm trung (trưởng phòng, phó tổng…), lớp thứ ba là nhân sự phê duyệt (approver). Lợi ích nhóm và lợi ích cá nhân cùng cần được thỏa mãn. Đối với việc chọn đại lý trong nước đứng ra tham gia thầu thì cần tìm hiểu xem đại lý nào có quan hệ tốt với khách hàng. Ngược lại, cũng cần biết chủ dự án muốn làm với đại lý nào. Sau khi xác định được sẽ làm việc với bên đại lý X, bên đại lý X vào thầu, lúc ấy bắt đầu quá trình đàm phán.

“Gửi giá” thì khách hàng thoả thuận với đại lý, đại lý sẽ thực hiện việc nâng giá chào thầu phù hợp với yêu cầu của khách hàng. Việc này có thể thực hiện được bởi vì các tiêu chuẩn kỹ thuật quan trọng đã được khách hàng cho đại lý biết trước (được biết đáp án trước khi làm bài thi). Do vậy, các đại lý khác chào các thiết bị của hãng khác với chất lượng tương đương và giá cả thấp hơn cũng không thể thắng thầu – theo đó, bề ngoài thì việc đấu thầu của dự án vẫn được thực hiện theo “đúng quy trình”, đúng quy định nhưng thực chất là “chỉ định thầu”. Bên đại lý X cũng có tỷ lệ % lại quả với khách hàng. Thông thường trị giá gói thầu càng cao thì tỷ lệ “hoa hồng” càng lớn.

Vì mình biết giá ra khỏi hãng kỹ thuật là bao nhiêu, nên cũng biết khi họ công bố thắng thầu thì cái giá khách hàng thực sự phải trả đã bị nâng lên bao nhiêu. Mức độ chênh thì có thể lên tới 50-60%“, vị doanh nhân cho hay. “50-60% này được phân chia trong nhóm ra sao, con số cụ thể thì mình không biết“.

Cũng có trường hợp thất thoát không phải do tham nhũng mà do trình độ hạn chế của những người phụ trách kỹ thuật, kể cả quản lý tầm trung. Khi đó, ngay cả không tham nhũng, các cá nhân chịu trách nhiệm dự án vẫn có thể gây ra thất thoát khi không đánh giá đúng giá trị thực của công nghệ, hoặc do thiếu thông tin nên lựa chọn những công nghệ đã lỗi thời (out-of-date). Tuy nhiên, hạn chế về trình độ hay thiếu thông tin chỉ là một phần. Người có trách nhiệm với công việc sẽ vẫn có thể tìm ra được giải pháp. Nhưng khi mục tiêu không nằm ở lợi ích chung, ở hiệu quả dự án, thay vào đó là tỷ lệ chia chác thì khi ấy dự án chỉ còn tồn tại như một cái cớ. Vị doanh nhân trên cho hay ban đầu khi mới vào nghề, tuy là làm cho hãng nước ngoài nhưng vì mình vẫn là người Việt Nam, sâu thẳm bên trong không muốn người Việt Nam bị thiệt thòi quá nên nhiều lúc bằng cách này hay cách khác cho khách hàng biết mức giá hoặc lợi ích thực tế là như thế nào. Nhưng cuối cùng người này phát hiện họ không quan tâm điều đó. Điều cuối cùng họ quan tâm là lợi ích nhóm tôi nhận về là bao nhiêu, cá nhân tôi được cái gì. Dù có cố ý gợi ý thì họ cũng không để tâm.

Vì dự án không dựa trên quyền lợi chung nên dễ xảy ra sự cố khi không có sự thống nhất trong bộ máy bên phía khách hàng. Có trường hợp lúc duyệt là ông A, nhưng lúc trúng thầu, triển khai thì ông A không làm nữa, kế nhiệm bởi ông B, ông B lại yêu cầu làm lại, vì ông B không được hưởng lợi ích gì. Dự án tuy đã sắp xếp xong, thậm chí tiếp quản vẫn có thể nằm tắc lại 6 tháng đến 1 năm, không triển khai, không giải ngân. Những sự cố này gây thiệt hại vô cùng lớn do giá thị trường của hàng công nghệ biến động không ngừng. Ví dụ, lúc duyệt mua là iphone 5 nhưng khi thực sự mua thì đã có tới iphone 10, khi ấy giá iphone 5 đã giảm mạnh. Nhưng vì duyệt vào thời điểm đó nên vẫn mua iphone 5 với giá cao.

NămChỉ sốHạng
2001 (*)2.675/91
20022.485/102
20032.4100/133
20042.6102/145
20052.6107/158
20062.6111/163
20072.6123/179
20082.7121/180
20092.7120/180
20102.7116/178
20112.9112/182
2012 (**)31123/176
201331116/176
201431119/175
201531112/168
201633113/176

Chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) của Việt Nam từ năm 2001 đến năm 2016. (*) tính theo thang điểm 1-10, (**) từ năm 2012 tính theo thang 0-100 điểm. Điểm càng nhỏ mức độ tham nhũng càng cao.

Nguồn: Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) 

Mặc dù nhiều công ty đã đưa điều khoản về “chống tham nhũng” vào trong hợp đồng khi giao dịch với khách hàng, đối tác, hoạt động “gửi giá”, “lại quả” vẫn âm thầm diễn ra theo nhiều cách, bằng tiền mặt, chuyển khoản đến tài khoản “người nhà”, hoặc quà tặng. “[Trong 10 năm làm việc] Anh nói rất thật lòng là không có một khách hàng nào của Việt Nam là minh bạch cả“, bạn tôi chia sẻ. Anh cho hay chỉ khi dự án có yếu tố nước ngoài đối với cả bên mua và bán thì mới đảm bảo tính minh bạch. Ví dụ khách hàng của hãng là ngân hàng ANZ cũng là doanh nghiệp nước ngoài. Doanh nghiệp này cần mua thiết bị cho chi nhánh tại Việt Nam. Lúc ấy hợp đồng giữa hai hãng mới có sự minh bạch về tài chính. Lý do là vì doanh nghiệp nước ngoài chịu sự quản lý chặt chẽ về pháp luật, nên đưa ra nhiều cơ chế và trách nhiệm giám sát để ngăn ngừa tiêu cực. Ngoài ra, chế độ đãi ngộ tốt là một yếu tố để nhân sự không dám đánh đổi rủi ro giữa nguy cơ bị sa thải với việc thông đồng để trục lợi. Doanh nghiệp nơi chị N. làm việc cũng chọn cách giao dịch chủ yếu với công ty Nhật Bản ở Việt Nam để tránh những đòi hỏi không minh bạch từ phía khách hàng.

Trong vụ án xét xử Đinh La Thăng và đồng phạm, tư lợi, lợi ích nhóm được các công tố viên xác định là động cơ chính để ông Đinh La Thăng với vai trò là chủ tịch của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) giao cho Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) thực hiện gói thầu EPC dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Dù biết rõ PVC đang gặp khó khăn rất lớn về tài chính, bản thân PVC cũng không đủ năng lực làm tổng thầu, bị cáo Thăng vẫn bỏ qua các quy định để chỉ định thầu, sau đó, lại chỉ đạo các bị cáo ở PVN và người liên quan ở Tổng công ty điện lực dầu khí (PVPower) tạm ứng 1.300 tỷ đồng và 6,6 triệu USD trái quy định cho PVC, trong đó 1.115 tỷ đồng đã bị Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng để trả nợ, đầu tư vào các công ty con. Việc không có năng lực làm tổng thầu dẫn đến hệ luỵ thời gian thi công dự án kéo dài gấp đôi, PVC phải chịu chi phí phát sinh hơn 155 tỷ đồng/năm.

Chưa hết, với bản hợp đồng liên doanh do PVN ký với Venezuela vào tháng 6/2010 bất chấp cảnh báo rủi ro của các bộ ngành liên quan, từ tháng 5/2011 đến tháng 5/2012, PVN phải trả cho đối tác 442 triệu USD dù không một giọt dầu nào được tìm thấy. Cuối cùng năm 2013, lúc này ông Thăng đã trở thành Bộ trưởng GTVT, để “cứu” 142 triệu USD cuối cùng, ban lãnh đạo mới của PVN ra quyết định đơn phương chấm dứt liên doanh, chấp nhận mất 442 triệu USD và 90 triệu USD tiền góp vốn (tương đương khoảng hơn 11.000 tỷ đồng).

Không có giới hạn là điều có thể nhận thấy từ những con số tư lợi lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng trong chỉ riêng một vụ được đưa ra xét xử nêu trên. Theo đại diện Viện kiểm sát, tại toà, chính bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh thừa nhận tại thời điểm đó, chỉ có Lilama là đủ năng lực thi công dự án, còn PVC thì không; vậy nhưng PVC vẫn được chỉ định thầu. Thiếu trách nhiệm chỉ là cách gọi tránh của cụm từ “vô trách nhiệm” cho cách ứng xử đối với ngân sách của những cá nhân đang được trao nghĩa vụ phát triển đất nước song lại lũng đoạn quyền lực nhằm mục đích riêng. “Vì họ tiêu tiền ‘chùa’“, người bạn doanh nhân đưa ra nhận định khi nhớ lại những cuộc đàm phán với khách hàng là những cơ quan bộ ngành, những tổng công ty lớn của nhà nước, mà mức giá được chốt cuối cùng có thể cao gấp rưỡi so với giá thực. Điều họ quan tâm là gì? Là thỏa thuận giữa họ với bên đại lý trong nước là như thế nào.

Thông thường trị giá gói thầu càng cao thì tỷ lệ “hoa hồng” càng lớn”, “Trị giá hợp đồng càng cao thì phần họ nhận được càng lớn”… – tôi mang theo âm hưởng của những câu nói đó để suy ngẫm về từ “trách nhiệm”. Cũng như việc bất chấp trục lợi dù con số thất thoát có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng, cũng không có giới hạn nào để một cá nhân bất kỳ thực hiện trách nhiệm đạo đức. Thời đại kim tiền tạo ra một quán tính tư duy khiến người ta dễ dàng quy mọi thứ lợi ích, cũng như lý giải cho mọi hành động ở hiện vật cầm, nắm được. Như cách giải thích ở trên cho sự minh bạch giữa hai doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài cũng còn là thiếu, chưa đủ. Luôn còn một giá trị khác, vô hình nhưng không thể không nhắc tới, là tính ý thức về trách nhiệm vốn luôn được hình thành trong mỗi cá nhân. Khi chuẩn mực xã hội càng cao, tính trách nhiệm đạo đức càng được thể hiện một cách tự nhiên. Khi một cá nhân đạt tới một mức độ nhất định về trách nhiệm đạo đức thì giá trị mà người đó nhận được không thể được tính bằng tiền được nữa. Đó là sự tôn trọng và thư thái về tâm hồn – những giá trị tinh tế đến mức chỉ khi đứng trước sự trừng phạt người ta mới nhận ra nó đáng giá bao nhiêu. Chúng đan xen trong nỗi lo sợ “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”, rằng “muốn ‘nếu có chết thì là ma tự do, chứ không phải ma tù’” như lời bị cáo Đinh La Thăng kết lại trong phần tự bào chữa trước tòa.

Thực ra, liêm chính đâu phải là một chuẩn mực đạo đức diệu vợi khi đó đơn giản là sự trong sạch, ngay thẳng, không tham lam.

Lê Trai

Xem thêm: