Tháng 6/2017, Hà Nội sẽ trình phương án hạn chế xe cá nhân vào nội đô
- Nguyễn Quân
- •
Chủ tịch UBND TP Hà Nội – ông Nguyễn Đức Chung cho biết ô nhiễm không khí tại Hà Nội phần lớn từ nguồn xả thải ô tô, xe máy và thành phố sẽ đưa ra phương án hạn chế xe máy vào nội đô vào tháng 6 tới.
Hà Nội sẽ trình phương án hạn chế xe cá nhân vào nội đô
Phát biểu tại cuộc làm việc của Phó thủ tướng Trịnh Định Dũng với UBND Hà Nội và các bộ ngành, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Hà Nội sáng 17/2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết thành phố xác định vấn đề ô nhiễm “đang ở mức báo động đỏ”.
Ông Chung cho hay theo thông tin của một trạm quan trắc hoạt động trong 2 tháng qua, thì nguồn ô nhiễm không khí Hà Nội hiện nay nặng nề nhất từ nguồn liên quan đến xả thải của xe máy và ô tô.
“Hiện Hà Nội có gần 6 triệu xe máy, trong đó 2,5 triệu xe đã hết hạn sử dụng từ năm 2000. Những chiếc xe máy này hàng ngày vẫn xả khí thải ra môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc thu hồi cũng mất nhiều thời gian và kinh phí”, ông Chung nói.
Theo đó, UBND TP sẽ đưa ra phương án hạn chế xe máy vào nội đô ở kỳ họp HĐND sắp tới sẽ diễn ra vào tháng 6/2017. Sau khi được thông qua, Hà Nội sẽ trình Thủ tướng.
Đề án quản lý phương tiện cá nhân do Sở GTVT Hà Nội tham mưu cho UBND TP Hà Nội. Một trong các nội dung của đề án là đề xuất bỏ dần khoản tiền hỗ trợ, đưa ra các biện pháp thu hồi các xe ô tô, xe máy đã quá hạn sử dụng.
Cũng tại buổi làm việc, ông Chung cho biết tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông cơ bản đã hoàn thành, đến tháng 9/2017 sẽ đưa vào chạy thử liên động.
>> Di dời hơn 10.000 cơ sở nguy cơ ô nhiễm ra khỏi nội thành Hà Nội, TP.HCM
Metro liệu đã thay thế được xe cá nhân?
Tại buổi làm việc với Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải ngày 18/2, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị cho biết theo quy hoạch chung, Hà Nội sẽ xây dựng 9 tuyến đường sắt đô thị (metro) với tổng chiều dài 372,5 km.
Tuy nhiên, trong 9 tuyến thì 6 tuyến đang nằm trên giấy, 3 tuyến đội vốn, chậm tiến độ. Tuyến số 1 đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đội vốn hơn 330 triệu USD (từ 552 triệu USD lên 886 triệu USD), dự kiến đưa vào vận hành năm 2016 nhưng phải lùi thời điểm khai thác đến 2018.
Tuyến số 2 Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo được phê duyệt năm 2008 với tổng mức đầu tư 19.555 tỷ đồng, sau đó điều chỉnh tổng mức đầu tư lên tới 51.750 tỷ đồng (gần gấp 3 lần), thời gian thẩm tra, xem xét kéo dài.
Tuyến số 3 Nhổn – ga Hà Nội đã chậm tiến độ 36 tháng, dự kiến hoàn thành vào năm 2017 song phải điều chỉnh đến năm 2021, đội vốn gần 400 triệu euro (trên 9.677 tỷ đồng).
“Việc triển khai các dự án quá chậm chạp như hiện nay không thể đáp ứng được yêu cầu đề ra là hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhận định, đồng thời cho biết với tiến độ hiện tại, đến năm 2020 Hà Nội chỉ hoàn thành được 20% tổng khối lượng quy hoạch đường sắt đô thị (tổng toàn tuyến 372km), đến năm 2030 chỉ đạt được 30%.
Trước đó, năm 2016, Sở GTVT Hà Nội đã đưa ra đề án hạn chế xe máy, xe ô tô vào nội thành để lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia.
Cụ thể, đề án đưa ra phương án hạn chế hoạt động của xe máy theo 3 giai đoạn: dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh trong khu vực phố cổ (từ năm 2020), trong vành đai 2 (từ năm 2023) và một số địa điểm trong vành đai 3 (từ năm 2025).
Với ô tô, Sở GTVT Hà Nội dự tính sẽ hạn chế hoạt động theo giờ tại một số tuyến đường, khu vực. Ngoài ra, một số khu vực trung tâm cho phép ô tô cá nhân đi vào giờ cao điểm nhưng có thu phí.
Sáng 31/12/2016, tuyến buýt nhanh Hà Nội BRT đầu tiên (BX Kim Mã – BX Yên Nghĩa) có tổng mức đầu tư là 53,6 triệu USD cho quãng đường khoảng 14,7 km đã chính thức đi vào hoạt động. Tuy nhiên, theo đánh giá, tốc độ lưu chuyển vẫn chưa cải thiện là bao so với xe buýt thường dù không xảy ra ùn tắc giao thông.
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Từ khóa biện pháp giảm ùn tắc Hà Nội Đề án hạn chế xe cá nhân tại Hà Nội hạn chế xe cá nhân