Thanh Hóa: Manh mối từ ngành y tế hé lộ đường dây thuốc giả quy mô lớn
- Minh Long
- •
Dựa trên thông tin ban đầu từ Sở Y tế Thanh Hóa, cơ quan công an đã phát hiện đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả quy mô lớn.
- Đường dây bán thuốc giả hoạt động 4 năm, thu lời 200 tỷ đồng vừa bị phát hiện
- Bộ Y tế công bố danh sách các sản phẩm thuốc giả

Ông Đỗ Thái Hòa, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa, vừa cung cấp thông tin về tiến trình điều tra vụ việc liên quan đến thuốc giả do Công an tỉnh Thanh Hóa thực hiện.
Theo ông Hòa, trong năm 2023, ngành y tế Thanh Hóa phát hiện 6 mẫu thuốc nghi ngờ là giả, và đến năm 2024, con số này tăng lên 8 mẫu.
Tất cả các mẫu nghi vấn đều được báo cáo lên Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) và phối hợp với lực lượng công an để truy vết, điều tra nguồn gốc.
Vào tháng 8 và tháng 11/2024, Trung tâm Kiểm nghiệm Thanh Hóa (thuộc Sở Y tế) tiến hành lấy mẫu và phát hiện hai loại thuốc Cefuroxim 500mg và Cefixim 200mg không đạt tiêu chuẩn định tính, nghi ngờ là thuốc giả. Thông tin này được chuyển đến cơ quan công an để phục vụ điều tra.
Từ những manh mối này, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khám xét khẩn cấp tại 6 địa điểm sản xuất, làm việc và cất giấu hàng hóa gồm thành phố Hà Nội, TP.HCM, tỉnh Vĩnh Phúc, Hưng Yên, An Giang, Đồng Tháp.
14 người trong đường dây buôn bán thuốc giả bị bắt.
Theo công an, tổng số thuốc tân dược giả và nguyên liệu để làm thuốc tân dược giả bị thu giữ tổng là gần 10 tấn.
Theo kết quả điều tra ban đầu, nhận thấy thói quen của người dân thường mua theo thuốc tự kê đơn, muốn mua với giá thành rẻ, phù hợp với thu nhập của người cao tuổi… nhóm do Nguyễn Tiến Đạt (SN 1991, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) đứng đầu đã câu kết với nhóm của Trịnh Doãn Giáo (SN 1985, trú tại TP.HCM) sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, đặc biệt là thuốc trị xương khớp.
Những người này đã đầu tư dây chuyền, máy móc sản xuất, đồng thời nghiên cứu các thành phần của thuốc tân dược. Sau đó, đặt mua nguyên liệu là dược phẩm, dược liệu, thảo mộc không rõ nguồn gốc, xuất xứ rồi thuê nhân công làm thành thuốc giả, bán ra thị trường thông qua nhiều kênh phân phối khác nhau.
Từ năm 2021 đến khi bị bắt, họ đã đưa ra thị trường một lượng lớn thuốc giả, thu lợi bất chính gần 200 tỷ đồng.
Từ khóa sản xuất thuốc giả thuốc giả Sở Y tế Thanh Hóa
