Thêm gần 19.000 công chức, viên chức y tế, giáo dục… nghỉ việc trong 1 năm qua
- Nguyễn Quân
- •
Gần 19.000 công chức, viên chức Việt Nam lựa chọn nghỉ việc trong một năm qua, phần lớn là giáo viên và bác sĩ, y tá. Bình quân mỗi tháng có tới 1.899 người nghỉ việc.
- Hà Tĩnh: Thầy giáo liên tiếp bỏ trường, sang Hàn Quốc tìm việc
- Thừa Thiên-Huế: Lương 7 triệu/tháng, Phó trưởng khoa tại trung tâm y tế xin nghỉ việc
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, từ ngày 1/7/2022 đến hết ngày 30/6/2023, tổng số công chức, viên chức thôi việc là 18.991 người.
Theo đó, bình quân mỗi tháng có tới 1.899 người nghỉ việc, tăng gần 600 người mỗi tháng so với bình quân 1.318 người nghỉ việc mỗi tháng trong giai đoạn 1/2020 đến 6/2022.
Trong số người thôi việc có 1.967 công chức, chiếm 10,36% và 17.024 viên chức, chiếm 89,64%.
Số công chức nghỉ việc gồm 772 người làm việc ở cấp bộ, ngành; 1.195 người làm việc ở cấp địa phương. Với viên chức, 2.793 người làm ở cấp bộ, ngành nghỉ việc, 14.231 người ở cấp địa phương nghỉ việc.
Những người xin thôi việc chủ yếu trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo (chiếm 54,2%), kế đến là trong lĩnh vực y tế (chiếm 26,5%). Đa số người xin nghỉ việc có độ tuổi dưới 50 tuổi (chiếm 86,25%). Đáng lưu ý, người xin nghỉ việc có trình độ đào tạo đại học chiếm tới 48,65%, người có trình độ thạc sĩ chiếm 15,7%.
Số người xin nghỉ việc nhiều nhất tại: Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Lâm Đồng, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, An Giang, Tiền Giang với tổng số là 7.336 người (chiếm 38,63%).
Để thay thế số người thôi việc, các bộ ngành, địa phương đã tuyển mới 64.980 công chức, viên chức, chủ yếu ở lĩnh vực giáo dục, y tế.
Trong đó 7.344 công chức (bộ, ngành: 2.795 người, địa phương 4.549 người); 57.636 viên chức (bộ, ngành: 4.365 người, địa phương 53.271 người), chủ yếu là viên chức ở lĩnh vực sự nghiệp giáo dục (35.297 người) và y tế (12.380 người).
Vẫn theo báo cáo của Bộ Nội vụ, từ đầu năm 2020 đến giữa 2022, Việt Nam có 39.500 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc hoặc chuyển sang khu vực tư. Theo đó, trong 3,5 năm qua, có tới 58.500 người thôi việc trong cơ quan nhà nước.
Từ 1/7/2023, lương cơ sở của cán bộ, công chức tăng 20,8%, từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng. Với mức tăng mới, nhân theo hệ số lương, công chức loại A (tương đương với chuyên viên cao cấp, phải có bằng đại học trở lên phù hợp với ngành/chuyên ngành công tác) có mức lương cao nhất là 14,4 triệu đồng/tháng, thấp nhất là 3,78 triệu đồng/tháng. Công chức loại B (trình độ đào tạo chuyên môn ở bậc trung học chuyên nghiệp, cao đẳng) có mức lương cao nhất là 7,3 triệu đồng/tháng, thấp nhất là hơn 3,3 triệu đồng/tháng. Công chức loại C (trình độ đào tạo chuyên môn ở bậc sơ cấp) có mức lương cao nhất là hơn 6,5 triệu đồng/tháng, thấp nhất là hơn 2,4 triệu đồng/tháng. |
Nguyễn Quân
Từ khóa tiền lương cơ sở Dòng sự kiện y bác sĩ nghỉ việc giáo viên nghỉ việc