Gần một tháng kể từ khi bão Yagi và hoàn lưu bão càn quét 26 tỉnh miền Bắc, những nỗ lực tái thiết cũng như ứng phó với sạt lở vẫn tiếp tục. Nhu yếu phẩm, đồ dùng thiết yếu vẫn tiếp tục được các đoàn thiện nguyện đưa đến cho bà con, mong vượt qua cơn thiên tai. Người có sức góp sức, người có của góp của, dù đôi khi chỉ là hộp cơm, những chiếc áo quần cũ nhưng còn tươm tất…

thien nguyen tu trai tim hanh trinh hoc cach yeu thuong da sua
Đoàn của chị Linh chuyển hàng xuống để phát cho người dân. (Ảnh: Facebook nhân vật)

Đã tham gia hai chuyến đi thiện nguyện đến Cao Bằng và Yên Bái trong tháng 9 vừa qua, chị Giang Linh (39 tuổi, quê Thanh Hóa, hiện sinh sống và làm việc ở Bắc Ninh) đang tiếp tục chuẩn bị cho hành trình tiếp theo tới tỉnh Thanh Hóa để cứu trợ cho bà con vùng thiên tai. Động lực của chị là những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, đôi khi khó có thể tưởng tượng nếu chị chọn ngồi yên.

“Rất nhiều hoàn cảnh đáng thương. Có nhà 3 bà cháu mỗi bữa ăn chỉ có gói mì tôm chia nhau, bố mẹ đã mất hết. Nhiều nhà còn không có nồi để nấu. Nhà cửa thì lụp xụp ở tạm bợ. Khi đoàn mình ghé thăm, bà cụ đã không kìm nổi nước mắt!” – chị Linh nhớ lại.

thien nguyen yen bai212
Cụ bà mà chị Linh kể đã bật khóc khi nhận được sự quan tâm. (Ảnh: Facebook nhân vật)

Có người thanh niên trẻ, đất ập xuống nhà, cùng lúc mất cả bố, mẹ và vợ. Anh với hai đứa con nhỏ giờ nương tựa vào nhau. 

Nhiều gia đình mất người thân, nhà cửa sập rồi không dám về, được sắp xếp sống tạm trong một căn nhà cộng đồng.

Nơi vùng cao, ngay khi không có mưa lũ, sạt lở thì cuộc sống đã rất khó khăn rồi. Trên đường đi, có căn nhà “kiên cố” với cửa xếp, tường quây tôn, nhưng nằm sát đường, bên dưới là thăm thẳm vực sâu. Trong căn nhà, một người phụ nữ trẻ và xanh xao đang nhá cơm trắng cho con gái 7 tháng tuổi ăn. Số tài sản quý giá – mấy bao thóc được xếp gọn ghẽ trong góc, bọc mấy lớp tải, nilon để giữ gìn. Ở đây đường xá xa xôi, tìm mỏi mắt mới có một quán tạp hoá, muốn mua sắm gì cũng khó.

thien nguyen tu trai tim hanh trinh hoc cach yeu thuong1212
Em bé 7 tháng tuổi trong câu chuyện chị Linh kể đang được một người trong đoàn bé. (Ảnh: Facebook nhân vật)

Éo le mà có lẽ cũng phổ biến, là gia cảnh của anh Pu (SN 1988, Cao Bằng). “Nơi gia đình anh sống hẻo lánh, đường rất khó đi. Phải đi mất 2 tiếng đồng hồ mới qua được 50km đường đất hiểm trở. Thu nhập gia đình anh nhờ làm thuê mỗi tháng chỉ được khoảng 500 nghìn đến 1 triệu đồng. Có tháng không có việc, không có gạo ăn, anh và vợ phải ăn rau và quả rừng cho qua bữa.” – chị Linh nhớ lại.

Cao Bằng và Yên Bái những ngày qua vẫn run lên bởi những trận lũ quét, sạt lở thảm khốc, bất ngờ. “Đường quá khó đi. Đi đường chị có cảm giác cuộc sống quá mong manh” – chị Linh nói. 

Nhiều đoạn đường còn nứt và cách mấy chục mét lại sạt lở. Một bên là núi một bên là vực sâu”. Hơn 12h đêm, chiếc xe chở cả đoàn vẫn dò dẫm ngoài đường để tìm nơi nghỉ ngơi, cho ngày hôm sau tiếp tục vào bản thăm hỏi và trao quà.

Nhưng chị tin vào số mệnh được sắp đặt rồi nên trong tâm rất mạnh mẽ. Nếu mình sống tốt và giữ tâm lương thiện thì chị tin Thần Phật sẽ bảo hộ mình và mọi kiếp nạn sẽ vượt qua” – chị Linh chia sẻ về niềm tin trong tâm.

thien nguyen sau bao yagi co nha ba ba chau moi bua mot goi mi2134
Chị Linh vận chuyển như yếu phẩm và đồ dùng học tập để chuẩn bị phát cho học sinh. (Ảnh: Facebook nhân vật)

Thực hiện hành trình dài ngày, chị Linh và mỗi thành viên trong đoàn đều phải tạm gác lại công việc cá nhân, nhưng mọi người không thấy đó là điều gì to tát, vì cho đi là không cần nhận lại. 

Cùng tham gia đoàn thiện nguyện có anh Nguyễn Hợp (33 tuổi, quê Bắc Ninh). Anh Hợp là kiến trúc sư, đặc tính công việc khiến Hợp thường xuyên phải chạy deadline cho kịp tiến độ. 

Sau hành trình cùng đoàn thiện nguyện, anh Hợp viết trên trang cá nhân: “Sau chuyến đi này chắc mình sẽ bớt than vãn về vấn đề làm nghề vất vả. Bởi có những nơi mà miếng ăn hằng ngày còn đang là vấn đề lớn. Họ cần có một công việc dù khổ cực để nuôi sống bản thân cũng không được, nguồn sống chỉ dựa vào một chút hoa màu ít ỏi thì bị bão lũ cuốn sạch.”

thien nguyen tu trai tim hanh trinh hoc cach yeu thuong877
Chị Linh cùng mọi người trong đoàn sắp xếp đồ dùng học tập để phát cho các em học sinh. (Ảnh: Facebook nhân vật)

Cô gái nhỏ lội bùn nước đi phát cơm, bánh mì cứu đói cho người dân

thien nguyen yen bai
Cụ bà bật khóc khi nhận được cái ôm cùng sự quan tâm từ Phượng. (Ảnh: Facebook nhân vật)

 Về Yên Bái thăm mẹ vừa xuất viện, bão Yagi khiến Liên Phượng (27 tuổi, người Yên Bái) chưa thể quay trở lại Hà Nội làm việc. Dù bão đã giảm sức tàn phá, nhưng tối 9/9, mưa lớn xối xả, nước lên nhanh, nhiều nhà vội vã di tản ngay trong đêm. Sáng hôm sau, cả thành phố Yên Bái chìm trong biển nước, có nơi ngập sâu tới 2m.

Nhớ lại ký ức nước dâng trong đêm, Phượng nói: “Ngay lúc chứng kiến mọi người phải di tản do nước lên cao, em đã lấy điện thoại phát trực tiếp lên trang cá nhân trên Facebook. Em muốn nhiều người nhìn thấy thực tế đang xảy ra, từ đó sống hoà hợp với thiên nhiên hơn, bảo vệ thiên nhiên, có đức tin và kính trọng Thần Phật để vượt qua nguy nan.”

yen bai sat lo
Sạt lở nghiêm trọng ở khu vực thành phố Yên bái. (Ảnh: Facebook nhân vật)

Những ngày mắc kẹt sau đó, Phượng coi như một cơ duyên để mình có thể góp chút sức nhỏ bé hỗ trợ những người khó khăn, cạn kiệt đồ ăn, nước uống do mất điện, mất nước, tài sản bị nhấn chìm trong bùn lũ.

Nói về cơ duyên để tham gia đoàn thiện nguyện, Phượng cho biết mẹ cô làm việc ở Hội Phụ nữ tỉnh Yên Bái. Khi bác Giám đốc Hội Phụ nữ nhờ cô sang cơ quan tỉnh để lấy hỗ trợ bà con, Phượng đồng ý ngay. Còn mẹ của Phượng, dù mới bình phục sau khi phải nhập viện vì đột quỵ, bà cũng đã tham gia nấu cơm cả ngày, đi phát nhu yếu phẩm cho người dân vì quá thương đồng bào đang trong cơn hoạn nạn.

Những ngày sau đó, Phượng tham gia cùng các cô bác đi phát cơm cho những người dân ở khu vực bị ngập lụt. Phượng kể qua những chuyến đi này, cô học được ý thức tiết kiệm đồ ăn, đồ dùng và quan trọng nhất là biết cách san sẻ với mọi người. Trong cơn bĩ cực, nhiều khi điều họ cần chỉ là một cái bánh, một suất cơm, một ánh mắt đồng cảm sẻ chia, một cái ôm…

Hay tin một khu vực gần Bệnh viện Nhi Yên Bái bị sạt lở nghiêm trọng, Phượng một mình đi xe máy mang theo nhu yếu phẩm đến thăm hỏi và động viên người dân. Có một gia đình bà cụ, nhà bị sạt lở, phải di chuyển đồ đạc vào bên trong. Chứng kiến cảnh sạt lở kinh hoàng, bà chỉ biết khóc và ôm chặt lấy Phượng.

Phượng cho biết vì địa hình Yên Bái cao và dốc nên khi đi phát nhu yếu phẩm cho người dân, phương án tốt nhất vẫn là lội nước mà đi. Cô cho hay bên dưới dòng nước đến ngang đầu gối là bùn, bước đi khá khó khăn. Có người cả buổi dầm mình trong nước để giữ số đồ đạc còn lại không bị cuốn đi, nhận được cơm lúc đói bụng mừng mừng tủi tủi, nói muốn xin thêm cho hàng xóm hay người thân.

Có những nơi sau khi nước rút đi để lại lớp bùn sâu đến hàng mét, người dân muốn vào nhà phải dùng đến máy móc để xúc bùn đi…

sat lo yen bai1
Sạt lở nghiêm trọng ở khu vực thành phố Yên bái. (Ảnh: Facebook nhân vật)

Phượng cho hay không chỉ những ngày phát bánh, tặng cơm, mà lúc cùng mọi người dọn dẹp và cọ rửa những đồ đạc bị bẩn và dính bùn sau mưa lũ cũng thực sự đáng nhớ. Nhìn những món đồ mình coi là đương nhiên, nay ngập trong bùn, hư hỏng, Phượng thấy thương, thấy xót. “Nhờ đó, em biết trân quý những vật dụng trong gia đình hơn.”, cô gái bé nhỏ cho hay.

“Em tin sau khi cơn bão Yagi đi qua với nhiều mất mát đau thương, con người sẽ học được cách chia sẻ. Rất nhiều đoàn thiện nguyện từ miền Trung, miền Nam ra miền Bắc để cùng san sẻ, giúp đỡ. Em tin mọi người sẽ biết yêu thương và quan tâm nhau hơn.”

Khánh Vy