Tính đến 16h ngày 10/8, tại hai huyện Đơn Dương và Đức Trọng (Lâm Đồng) đã có 193 con bò bị chết bất thường. Người dân cho rằng bò chết là do bị tiêm vắc-xin.

gan 200 con bo sua chet bat thuong o lam dong dang dieu tra nguyen nhan
Bò có triệu chứng bỏ ăn, sốt, ỉa chảy, ỉa ra máu, yếu dần rồi chết sau khi tiêm vắc-xin. (Ảnh: baolamdong.vn)

Bò bị tiêm thì lăn ra chết…

Những ngày gần đây, các hộ nuôi bò sữa tại thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng và các xã Tu Tra, Quảng Lập, Ka Đô, huyện Đơn Dương đang lo lắng, đứng ngồi không yên khi đàn bò bị bệnh tiêu chảy, sốt, rồi chết, gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Bà Loan, là một hộ nuôi bò ở Bồng Lai, nói trên báo Lâm Đồng: “Nhà tôi có 17 con bò sữa, cách đây 1 tuần, cán bộ thú y của xã có đến tiêm ngừa vắc-xin viêm da nổi cục (VDNC) cho cả 17 con. 2 năm trước, năm nào nhà tôi cũng tiêm ngừa VDNC cho đàn bò, nhưng không bị tình trạng như thế này. Năm nay, sau khi tiêm ngừa xong được 7 ngày, đàn bò của nhà tôi bắt đầu bỏ ăn, nhưng lúc đó tôi không phát hiện ra; đến khi bò phát ra đi ỉa chảy, rồi ỉa ra máu thì không còn cứu chữa kịp nữa”.

Tương tự, ông Thục, thôn Bồng Lai cũng cho biết: “Nhà tôi có 20 con bò, đợt vừa rồi xã có tổ chức đoàn đến tiêm ngừa cho đàn bò trong thôn, nhà tôi cũng tiêm hết 16 con, riêng 4 con còn lại do đang có bầu nên không tiêm, như khuyến cáo của ngành chức năng. Sau 9 ngày kể từ ngày tiêm vắc-xin, những con bò tiêm vắc-xin đều bị tiêu chảy, ăn ít lại và sữa thì bị giảm hẳn một nửa; riêng 4 con không tiêm vắc-xin thì vẫn khỏe mạnh, ăn uống bình thường”.

Ông Thục còn cho biết thêm chính quyền địa phương có tới thăm nắm chuồng trại, nhưng cũng không có hướng dẫn cụ thể nào, nên “chúng tôi phải tự mua thuốc theo thói quen, kinh nghiệm tại đại lý thuốc thú y như thuốc kháng sinh, vitamin C, với tâm lý “hên xui”, chứ cũng chưa thật sự thấy có hiệu quả gì!”.

Tại gia đình anh Dũng ở thôn Lạc Trường, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, ngày 8/8, hai con bò sữa mang thai sắp đến ngày sinh đẻ đi ngoài ra máu cục rồi cũng chết tức tưởi.

Bò không tiêm thì vẫn khỏe mạnh

Ông Thiện, người ở thôn Bồng Lai, huyện Đức Trọng cho biết ngày 23/7, nhân viên thú y xã Hiệp Thạnh đem vắc-xin tới, hướng dẫn ông tiêm cho mỗi con 2cc. Do bận công việc, ông Thiện xin thuốc để tự tiêm sau. Tới nay, ông Thiện vẫn chưa tiêm nên hơn 50 con bò của gia đình ông vẫn khỏe mạnh.

gan 200 con bo sua chet bat thuong o lam dong dang dieu tra nguyen nhan 1
Người dân truyền nước điện giải để cấp cứu cho bò bị nhiễm bệnh tiêu chảy. (Ảnh: baolamdong.vn)

Tương chị, 45 con bò sữa của gia đình chị Kiều ở tổ 20, thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh cũng chưa tiêm nên bây giờ vẫn khỏe mạnh.

12 con bò đang mang thai của gia đình bà Hòa (SN 1963) không bị tiêm nên đến nay vẫn ăn uống bình thường; riêng 5 con bê khoảng 1 tuổi bị tiêm vắc-xin thì có triệu chứng bỏ ăn, ho, sốt, đi phân loãng và đang chuyển nặng.

Người dân khẳng định bò chết là do tiêm vắc-xin

Theo nhận định ban đầu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, qua kiểm tra lâm sàng ghi nhận bò mắc bệnh tiêu chảy có thể do thời tiết tại huyện Đơn Dương và huyện Đức Trọng mưa nhiều trong suốt mấy tuần, môi trường ẩm ướt, kết hợp sức đề kháng của bò giảm nên sau khi tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục đã tạo điều kiện vi sinh vật cơ hội tấn công gây rối loạn đường tiêu hóa.

Thế nhưng, người dân nuôi bò khẳng định rằng nguyên nhân bò bị tiêu chảy rồi chết liên quan tới việc tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục, bởi phần lớn bò tiêm vắc-xin đều bị bệnh, còn bò không tiêm vẫn khoẻ mạnh.

Theo cơ quan chức năng, tính từ 16h ngày 9/8 đến 16h ngày 10/8, phát sinh thêm 578 con bò bị nhiễm bệnh (tăng 364 con so với phát sinh trong ngày 9/8).

Luỹ kế đến 16h ngày 10/8, có 4.495 con bò bị nhiễm bệnh; 193 con bị chết, tăng 21 con bò bị chết so với thời điểm 16h ngày 9/8 (huyện Đơn Dương 144 con, tăng 13 con so với thời điểm 16h ngày 9/8; huyện Đức Trọng 49 con, tăng 8 con so với thời điểm 16h ngày 9/8).

Nhà cung cấp vắc-xin nói gì?

Vắc-xin phòng ngừa viêm da nổi cục được xác định là của Công ty CP Thuốc thú y Trung ương Navetco sản xuất (gọi tắt Công ty Navetco). Navetco mới trúng thầu lần đầu.

Bà Nguyễn Thị Kim Lan, Tổng Giám đốc Công ty CP Navetco, cho biết đây là sự cố bất thường, không mong muốn xảy ra, trong đó có nhiều nguyên nhân khó có thể dự báo được.

Với trách nhiệm của nhà sản xuất, ngay khi nhận được thông tin có sự cố xảy ra, “chúng tôi đã cử cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật có chuyên môn giỏi, kinh nghiệm tốt đến để cùng phối hợp triển khai tìm hiểu điều tra xác định nguyên nhân cũng như thực hiện công tác hỗ trợ thuốc sát trùng, chất điện giải, vitamin… để sử dụng vệ sinh tẩy trùng chuồng trại và tăng sức đề kháng cho vật nuôi.

Mặc dù nguyên nhân vẫn còn đang được nghiên cứu, tìm hiểu, tuy nhiên với trách nhiệm của nhà cung cấp vắc-xin, chúng tôi cam kết phối hợp chặt chẽ với địa phương để triển khai, kịp thời đưa ra các biện pháp cần thiết để khắc phục cho người chăn nuôi nếu có liên quan đến vắc-xin do đơn vị sản xuất”, bà Lan khẳng định.

Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã yêu cầu tạm ngừng sử dụng các loại vắc-xin tiêm cho đàn bò và yêu cầu điều tra vụ việc.

Minh Long