Việt Nam sẽ thực hiện biện pháp kỹ thuật chặn ứng dụng Telegram
- Minh Long
- •
Cục Viễn thông yêu cầu các nhà mạng chặn ứng dụng Telegram tại Việt Nam trước ngày 2/6/2025, do ứng dụng này bị lợi dụng cho các hoạt động vi phạm pháp luật như lừa đảo, phát tán tài liệu chống phá và buôn bán dữ liệu.
- AFP: Tòa án cho phép nhà sáng lập Telegram Pavel Durov rời khỏi nước Pháp
- Telegram chặn phương tiện truyền thông Nga ở EU

Ngày 23/5, Cục Viễn thông (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết đã ban hành văn bản số 2312/CVT-CS ngày 2/5, yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông thực hiện biện pháp kỹ thuật để chặn hoạt động của ứng dụng Telegram tại Việt Nam.
Văn bản này dựa trên đề nghị của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05, Bộ Công an) qua văn bản số 2898/A05-P5 ngày 24/4.
Theo cơ quan công an, Telegram đang bị lợi dụng để thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật. Trong tổng số 9.600 kênh và nhóm trên Telegram tại Việt Nam, 68% chứa nội dung xấu độc, bao gồm phát tán tài liệu chống phá, lừa đảo, buôn bán dữ liệu người dùng, ma túy, và có trường hợp nghi vấn liên quan đến khủng bố. Nhiều hội nhóm có hàng chục nghìn thành viên tham gia, được tạo lập để thực hiện các hoạt động vi phạm.
Cụ thể, các vụ lừa đảo trên Telegram đã gây thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng, ảnh hưởng đến hơn 13.000 nạn nhân, và dữ liệu của 23 triệu người bị rao bán công khai.
Ngoài ra, Telegram từng được sử dụng trong các vụ việc như trục xuất 10 công dân Trung Quốc lừa đảo qua các nền tảng như TikTok, Telegram, WeChat, hay trường hợp một thanh niên SN 1990 tại TP.HCM sử dụng Telegram để tổ chức hoạt động mại dâm.
Theo quy định tại Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, các doanh nghiệp cung cấp thông tin xuyên biên giới như Telegram phải thông báo thông tin liên hệ với cơ quan quản lý, đồng thời giám sát và loại bỏ nội dung vi phạm khi có yêu cầu từ cơ quan chức năng như Cục A05 hoặc Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử.
Tuy nhiên, kể từ ngày 1/1/2025, Telegram không thực hiện thủ tục thông báo cung cấp dịch vụ viễn thông theo Khoản 4 Điều 9 Luật Viễn thông, vi phạm quy định pháp luật Việt Nam.
Cục Viễn thông nhấn mạnh việc lợi dụng hoạt động viễn thông để thực hiện hành vi xâm phạm an ninh quốc gia và trật tự xã hội là hành vi bị cấm theo Khoản 1 Điều 9 Luật Viễn thông. Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm thực hiện biện pháp kỹ thuật để chặn dịch vụ vi phạm theo Điểm đ Khoản 2 Điều 13 Luật Viễn thông và Điểm c Khoản 1 Điều 79 Nghị định 163/2024/NĐ-CP.
Trên thế giới, Telegram bị Tổ chức Cảnh sát Quốc tế (Interpol) đánh giá là nền tảng “kém hợp tác nhất” với cơ quan chức năng. Ít nhất 8 quốc gia, bao gồm Tây Ban Nha, Ấn Độ, Brazil, Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, Pakistan và Na Uy, đã hạn chế hoặc chặn Telegram vì lý do tương tự.
Tại Nga, nơi Telegram ra đời, ứng dụng này từng bị chặn vào năm 2018 do bị tổ chức khủng bố sử dụng mà không hợp tác với Cơ quan An ninh Liên bang Nga.
Telegram là ứng dụng nhắn tin mã hóa, đa nền tảng, ra mắt lần đầu trên iOS vào ngày 14/8/2013 và trên Android vào ngày 20/10/2013.
Tính đến đầu năm 2024, ứng dụng có hơn 900 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, nằm trong top 5 ứng dụng được tải nhiều nhất toàn cầu.
Tại Việt Nam, Telegram ghi nhận 12 triệu lượt tải trong năm 2022, và 31,5% người dùng Internet từ 16 đến 64 tuổi sử dụng ứng dụng này, theo thống kê của Digital Report năm 2023.
Năm 2024, Telegram đạt lợi nhuận ròng lần đầu tiên nhờ các gói đăng ký trả phí và quảng cáo.
Cục Viễn thông yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông báo cáo giải pháp và kết quả thực hiện trước ngày 2/6/2025. Hiện Telegram chưa có phản hồi chính thức về quyết định này.
Từ khóa vi phạm pháp luật telegram Cục Viễn thông chặn ứng dụng An ninh mạng
