Một số thông tin tài khoản ngân hàng bị nhân viên móc nối bán ra ngoài
- Nguyễn Sơn
- •
Hàng chục nhân viên của 13 ngân hàng TMCP trên cả nước bị công an xác định liên quan đến việc tra soát, cung cấp, bán thông tin tài khoản ngân hàng với giá từ 200.000 đồng đến 1,9 triệu đồng tùy tài khoản. Một số vụ việc nổi cộm bị nêu có liên quan đến nhân viên ngân hàn M., ngân hàng S…
- ‘Lừa đểu gặp lừa đảo’;: Đôi vợ chồng bán tài khoản ngân hàng rồi rút trộm gần 500 triệu
- Lạng Sơn: Người đàn ông mua bán trái phép 3000 tài khoản ngân hàng
Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Công an TP. Đà Nẵng (sau đây gọi tắt là Phòng An ninh mạng) vừa công bố đã bóc gỡ đường dây thu thập, mua bán trái phép thông tin tài khoản của hàng loạt ngân hàng.
Từ các bài viết đăng trên các trang mạng xã hội Facebook, Telegram, Zalo có nội dung nhận tra soát thông tin cá nhân của khách hàng tại 22 hệ thống ngân hàng trên toàn quốc, công an truy ra đầu mối là H.Đ.N (SN 1993; thường trú tỉnh Lào Cai; tạm trú tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng).
N. khai nhận từ khoảng tháng 10/2022 đã tham gia nhóm Facebook tên “Tài khoản ngân hàng A.T.M”, trong nhóm này có nhiều tài khoản Facebook đăng tải các bài viết có nội dung liên quan đến việc trao đổi, mua bán thông tin tài khoản ngân hàng của người khác để thu lợi.
Thấy việc này dễ làm, dễ thu lợi, N. đã sử dụng tài khoản Facebook, Zalo, Telegram của mình và người yêu để đăng tải bài viết có nội dung quảng cáo nhận làm dịch vụ tra soát thông tin tài khoản ngân hàng của người khác và có thu phí để thu lợi bất chính.
Thông tin tài khoản ngân hàng bị bán bao gồm thông tin chủ tài khoản, số CCCD hoặc CMND, địa chỉ, số điện thoại internet banking… Khi có khách liên hệ mua thông tin tài khoản ngân hàng, N. liên hệ các đầu mối trên mạng và các nhân viên làm việc tại các ngân hàng trên cả nước để tra soát, thu thập, mua thông tin rồi bán lại cho khách hàng qua mạng xã hội, “ăn” giá chênh lệch.
Giá thông tin tài khoản ngân hàng được N. bán với giá khác nhau, khoảng từ 300.000 đồng đến 2,2 triệu đồng/tài khoản, tùy theo ngân hàng. N. trả tiền cho người đã tra soát, cung cấp, bán thông tin tài khoản ngân hàng từ 200.000 đồng đến 1,9 triệu đồng/tài khoản tùy loại.
Phòng An ninh mạng xác định N. thu lợi từ 100.000 – 700.000 đồng/tài khoản. Tổng cộng N. đã trao đổi, mua bán thông tin của hơn 200 tài khoản ngân hàng, thu về hơn 400 triệu đồng. Việc giao dịch được thực hiện qua các tài khoản ngân hàng của H.Đ.N và tài khoản ngân hàng của người yêu.
13 ngân hàng TMCP trên cả nước bị kéo vào đường dây
Phòng An ninh mạng đã xác định và triệu tập hàng chục nhân viên của 13 mgân hàng TMCP ở các tỉnh trên cả nước liên quan việc tra soát, cung cấp, bán thông tin tài khoản ngân hàng cho H.Đ.N. Một số nhân viên ngân hàng đã trao đổi, bán thông tin với số lượng lớn, trên 20 tài khoản ngân hàng.
Một số trường hợp bị công an đưa ra như ông N.M.D (SN 1997; trú huyện Bình Chánh, TP.HCM) – nhân viên ngân hàng M. – chi nhánh Cộng Hòa. Ông D. đã gửi cho N. thông tin 23 tài khoản thuộc ngân hàng M. và V.
Đối với thông tin của 3 tài khoản ngân hàng M., ông D. trực tiếp sử dụng tài khoản nhân viên được ngân hàng cấp, đăng nhập vào hệ thống nội bộ ngân hàng M. để tra soát rồi bán cho H.Đ.N.
Đối với thông tin 20 tài khoản ngân hàng V., do trước đây ông D. từng làm nhân viên tại ngân hàng V. tại TP.HCM nên có nhiều mối quan hệ đồng nghiệp. Ông D. đã nhờ 8 nhân viên ngân hàng V. tra cứu thông tin tài khoản để gửi cho mình rồi bán thông tin cho H.Đ.N với giá từ 200.000-400.000.
Tổng cộng ông D. đã thu lợi bất chính khoảng 7 triệu đồng, còn 8 nhân viên ngân hàng V. được xác định chỉ tra soát giúp ông D. chứ không hưởng lợi gì.
Bà P.T.H.T (SN 1998; trú Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) – nhân viên ngân hàng S. chi nhánh Đà Nẵng đã sử dụng tài khoản nhân viên được ngân hàng cấp, đăng nhập vào hệ thống nội bộ ngân hàng để tra cứu thông tin tài khoản ngân hàng theo số tài khoản mà N. cung cấp rồi gửi cho N..
Tổng cộng bà T. đã gửi cho N. thông tin của 25 tài khoản thuộc ngân hàng S., nhận 500.000 đồng/tài khoản, hưởng lợi bất chính tổng cộng 12,5 triệu đồng.
Ông L.Đ.A (SN 1989, trú quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) – nhân viên ngân hàng S. đã sử dụng tài khoản nhân viên được ngân hàng cấp đăng nhập vào hệ thống nội bộ để tra cứu thông tin tài khoản ngân hàng theo số tài khoản mà N. cung cấp rồi gửi bán cho N.
Tổng cộng, ông A. đã bán thông tin của 25 tài khoản thuộc ngân hàng S., được trả 200.000 đồng/tài khoản, hưởng lợi bất chính 5 triệu đồng.
Các nhân viên ngân hàng TMCP khác (như ngân hàng T., ngân hàng B.…) bị công an xác định đa số đều quen biết N. qua mạng xã hội rồi vì lợi ích cá nhân mà nhận tra soát thông tin tài khoản ngân hàng trong phạm vi của mình để bán thông tin cho N. nhằm thu lợi bất chính.
Thông tin tài khoản ngân hàng đang bị mua bán tràn lan khi từ đường dây của N., cơ qua điều tra xác định có người không phải là nhân viên ngân hàng, đã liên hệ qua đầu mối trung gian khác trên mạng xã hội để mua thông tin tài khoản ngân hàng rồi bán lại cho N. hưởng chênh lệch.
Thông tin tài khoản ngân hàng bị mua bán hàng loạt để làm gì?
Ngoài tra soát, mua bán thông tin của tài khoản ngân hàng, N. còn thu thập thông tin cá nhân của người khác rồi gửi cho các đối tượng có quan hệ cộng tác với nhân viên ngân hàng để đăng ký mở nhiều tài khoản ngân hàng (không đúng quy trình).
Cụ thể, N. nhận thông tin cá nhân của nhiều người khác gồm: hình ảnh chân dung của người khác đang cầm tờ giấy có chữ ký kèm theo CCCD, hình ảnh 2 mặt của CCCD và số điện thoại đăng ký mở tài khoản ngân hàng rồi liên hệ các đầu mối có quan hệ cộng tác với nhân viên ngân hàng để mở tài khoản ngân hàng với số lượng lớn.
Số tài khoản này được bán lại, chủ yếu sang bên Campuchia, để thu lợi bất chính.
Đáng lưu ý, có một đầu mối ở Campuchia đã gửi cho N. thông tin ảnh chụp CCCD của nhiều người khác đã bị chỉnh sửa số CCCD để mở tài khoản ngân hàng. Từ đây, Phòng An ninh mạng xác định một nhân viên làm việc tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (Seabank) – Chi nhánh Đà Nẵng đã tiếp nhận từ N. (qua đầu mối trung gian) hồ sơ của 27 người gồm ảnh CCCD 2 mặt (nghi vấn là CCCD đã bị chỉnh sửa số CCCD), ảnh chân dung cầm căn cước công dân và chữ ký mẫu để đăng ký mở 27 tài khoản thuộc ngân hàng này rồi giao cho N. qua đầu mối trung gian. Nhân viên ngân hàng này thừa nhận mình thực hiện việc mở tài khoản không đúng quy trình, tự ký tên khách hàng vào hồ sơ mở tài khoản và có hưởng lợi số tiền “cảm ơn” là hơn 2,3 triệu đồng.
Ngoài ra, N. còn nhờ những người khác trên mạng chỉnh sửa hình ảnh chụp CCCD để đăng ký mở tài khoản ngân hàng. Theo lời khai của N., những người này đều biết những hình ảnh giấy tờ mà N. cung cấp để mở tài khoản ngân đều đã được chỉnh sửa nhưng vẫn đồng ý đăng ký mở tài khoản cho N.
N. còn khai nhận đã gửi thông tin cá nhân của người khác (đa số là thông tin giả) để đăng ký mở tổng cộng gần 400 tài khoản ngân hàng, rồi bán thông tin tài khoản ngân hàng cho những người khác trên mạng xã hội, thu về tổng cộng hơn 700 triệu đồng.
Ngày 14/6, Phòng An ninh mạng ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng” quy định tại Điều 291 Bộ luật hình sự. Vụ án đang được điều tra mở rộng.
Nguyễn Sơn
Từ khóa mua bán thông tin cá nhân thông tin tài khoản ngân hàng lừa đảo qua điện thoại