Thủ tướng Phạm Minh Chính: ‘Sẽ giao một Bộ duy nhất quản lý xăng dầu’
- Nguyễn Minh
- •
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay việc sửa đổi Nghị định 95 còn phải rà soát, nhưng cơ bản sẽ nghiên cứu theo hướng một Bộ quản lý duy nhất về xăng dầu.
- TP.HCM và Hà Nội: Hết xăng, bán nhỏ giọt và người dân đổ xăng vỉa hè giá trên mây
- Trong 9 tháng, Công ty PVOil vượt mục tiêu lợi nhuận cả năm, đạt hơn 430 tỷ đồng
Chiều 2/11, báo nhà nước dẫn phỏng vấn với Thủ tướng Phạm Minh Chính bên hành lang Quốc hội về vấn đề quản lý mặt hàng xăng dầu, đưa tin ông Chính cho biết đã giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trực tiếp chỉ đạo vấn đề này theo đúng lĩnh vực được phân công. Ông Chính nói Chính phủ đang rất sát sao việc này.
Ngoài ra, ông Chính cho hay đã giao cho các Bộ, ngành liên quan rà soát, nghiên cứu sửa đổi Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu. Theo Thủ tướng, việc sửa đổi Nghị định 95 còn phải rà soát, nhưng cơ bản sẽ nghiên cứu theo hướng một Bộ quản lý duy nhất về xăng dầu. Dự kiến Bộ Công thương sẽ được đảm nhận vai trò đầu mối này.
Chiều tối cùng ngày, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Công điện số 1039/CĐ-TTg ngày 2/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ gửi Bộ trưởng các Bộ: Công thương, Tài chính, Thông tin và Truyền thông; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu.
Văn bản xác nhận tình trạng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu tại một số địa phương đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh hoặc bán hàng với số lượng hạn chế.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục chủ động bám sát diễn biến thị trường và quy định pháp luật trong công tác quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu để sớm khắc phục tình trạng nêu trên; bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân trong mọi tình huống.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan bám sát diễn biến thị trường và quy định pháp luật trong công tác quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu để sớm khắc phục tình trạng nêu trên; bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống…; Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, tùy theo chức năng, nhiệm vụ, được yêu cầu nhanh chóng hoàn thiện Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2030 và các văn bản có liên quan; bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống.
Cũng trong chiều 2/11, tại cuộc họp về nguồn cung xăng dầu do Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì, ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết hiện nay thị trường mặt hàng xăng dầu trên thế giới có biến động rất bất thường do xung đột chính trị giữa các nước, đặc biệt từ cuộc chiến tranh Nga – Ukraine.
Trong khi đó, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu 20-30% lượng xăng dầu thành phẩm phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa và nhập khẩu nguyên liệu dầu thô (khoảng 50% dầu thô) cho hai Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn và Nghi Sơn sản xuất 80% nguồn cung còn lại.
Hiện tại, giá xăng dầu thế giới biến động nhiều và mạnh. Trong 10 tháng đầu năm 2022, bình quân giá xăng dầu thành phẩm thế giới đã tăng 57- 85% so với cùng kỳ năm 2021. Trong giai đoạn cuối tháng 6 đến cuối tháng 9/2022, giá xăng dầu có xu hướng giảm liên tục với biên độ lớn. Từ đầu tháng 10 đến nay, giá thành phẩm xăng dầu thế giới lại có xu hướng tăng trở lại do quyết định giảm sản lượng khai thác dầu của OPEC+ và hiện nay tiếp tục diễn biến phức tạp khó lường.
Nhiều doanh nghiệp (DN) đầu mối kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ do đã nhập khẩu khối lượng xăng dầu tương đối lớn với giá cao (trong quý 2/2022), từ quý 3, giá lại giảm liên tục. Do thua lỗ, nhiều DN đã thu hẹp hoạt động kinh doanh, nhập khẩu cầm chừng, cắt giảm các chi phí kinh doanh trong đó có việc cắt giảm mạnh chiết khấu bán hàng dẫn đến DN bán lẻ xăng dầu không đủ chi phí duy trì kinh doanh và cắt giảm sản lượng hoặc gián đoạn việc bán hàng.
Ngoài ra, tỷ giá USD/VND tăng cao; tình hình mưa bão ảnh hưởng đến việc vận chuyển xăng dầu cũng là những nguyên nhân làm chậm nguồn cung ứng xăng dầu tại một số thời điểm.
Về nguyên nhân chủ quan, Bộ Công thương đưa ra 4 vấn đề: Các chi phí kinh doanh xăng dầu thực tế (chi phí vận chuyển, premium…) tăng cao nhưng những chi phí này chưa được rà soát, điều chỉnh tăng kịp thời; DN khó tiếp cận nguồn ngoại tệ, nguồn tín dụng; một số DN đầu mối khu vực phía nam bị tước Giấy phép kinh doanh xăng dầu trong thời gian 1-1,5 tháng (do vi phạm hành chính) dẫn đến ảnh hưởng tới nguồn cung xăng dầu; có DN đầu mối kinh doanh xăng dầu bị Tổng cục Hải quan ngừng thông quan mặt hàng xăng dầu do không đáp ứng điều kiện về việc kết nối dữ liệu điện tử.
Từ khóa bộ công thương thiếu xăng dầu