Ngày 7/11, nhân chuyến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 8, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã hội đàm với Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường.

thu tuong viet nam pham minh chinh hoi dam voi thu tuong trung quoc ly cuong
Thủ tướng Lý Cường đón và trao đổi với Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: Nhật Bắc/baochinhphu.vn)

Ông Chính khẳng định phát triển quan hệ với với Trung Quốc là “chủ trương nhất quán, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam”.

Ông Chính đề nghị hai bên đẩy nhanh việc triển khai thoả thuận hợp tác 3 tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, Lạng Sơn-Hà Nội và Móng Cái-Hạ Long-Hải Phòng, yêu cầu Trung Quốc hỗ trợ về vốn, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực trong việc thực hiện các dự án này.

Nhà lãnh đạo Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn Trung Quốc tiếp tục mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông sản có thế mạnh của Việt Nam, triển khai hợp tác trong lĩnh vực mua bán điện, thúc đẩy phục hồi du lịch…

Về vấn đề tranh chấp trên biển, thủ tướng Việt Nam đề nghị hai bên “chú ý kiểm soát tốt bất đồng trên biển” và “không để vấn đề trên biển ảnh hưởng đến quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước”.

Đối với các đề xuất về hợp tác của Việt Nam, Thủ tướng Lý Cường khẳng định “Đảng, Chính phủ Trung Quốc luôn coi quan hệ với Việt Nam là hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng; nhấn mạnh Trung Quốc sẵn sàng cùng Việt Nam duy trì trao đổi chiến lược, làm sâu sắc hơn nữa hợp tác thực chất, đưa quan hệ Đối tác Hợp tác chiến lược toàn diện, Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung-Việt có ý nghĩa chiến lược không ngừng đi vào chiều sâu, thực chất”.

Thủ tướng Lý Cường khẳng định Trung Quốc sẽ mở cửa hơn nữa thị trường cho hàng hóa chất lượng cao của Việt Nam, trong đó có mặt hàng nông sản; nhất trí tăng cường kết nối hạ tầng giao thông, thúc đẩy hợp tác xây dựng và duy trì chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất ổn định ở khu vực, ủng hộ Việt Nam đăng cai tổ chức năm APEC 2027.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 31/10 đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc thả ngay các ngư dân Việt Nam và toàn bộ tàu cá đã bị Trung Quốc bắt giữ ở quần đảo Hoàng Sa, trong vụ việc mà Hà Nội nói là “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam”, đồng thời bày tỏ quan ngại về thông tin Trung Quốc xây dựng hệ thống radar ở đảo Tri Tôn thuộc quần đảo này.

Trước đó nữa, vào ngày 2/10, Bộ Ngoại giao cho biết lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc đã tấn công 10 ngư dân Việt Nam, làm hỏng ngư cụ của họ và tịch thu khoảng 4 tấn cá đánh bắt gần quần đảo Hoàng Sa, khu vực tranh chấp ở Biển Đông mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.

Hôm 17/10, Viện nghiên cứu Chatham House của Anh đưa ra một báo cáo có ảnh vệ tinh do hãng Maxar chụp ngày 16/9 cho thấy Trung Quốc dường như đang xây dựng một hệ thống radar chống tàng hình mới trên đảo Tri Tôn và hệ thống này sẽ mở rộng đáng kể khả năng giám sát của Trung Quốc trong khu vực.

Bảo Khánh