Tiền Giang cho nạo vét cồn nổi bị sạt lở kết hợp thu hồi trên 241.000 m3 cát, sỏi
- Vĩnh Long
- •
Dự án nạo vét khu vực cồn nổi trên nhánh sông Tiền kết hợp thu hồi trên 241.000 m3 cát, sỏi bù chi phí nạo vét được UBND tỉnh Tiền Giang cho tiến hành trong hai năm 2022-2023.
- 30 m tỉnh lộ 873 ở Tiền Giang bị sạt lở xuống sông
- Sạt lở trong đêm tại Đồng Tháp, 5 căn nhà rơi xuống sông
Ông Phạm Văn Trọng – Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã ký quyết định “Công bố danh mục dự án nạo vét vùng nước đường thuỷ nội địa, đảm bảo an toàn giao thông đường thuỷ nội địa kết hợp thu hồi sản phẩm trên tuyến đường thuỷ nội địa do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh Tiền Giang”.
Theo nội dung quyết định, Dự án nạo vét đảm bảo giao thông đường thủy nội địa kết hợp thu hồi sản phẩm bù chi phí nạo vét tại khu vực cồn nổi trên nhánh sông Tiền ở xã Tân Phong, huyện Cai Lậy sẽ được thực hiện trong năm 2022 và 2023.
Chính quyền tỉnh cho phép nạo vét sâu 5,3m, rộng 100m và dài 1.000m (từ km08+375 đến km09+375). Với quy mô này, dự án sẽ thu hồi 241.195m3 cát, sỏi để bù chi phí nạo vét.
UBND tỉnh Tiền Giang giao Sở Giao thông vận tải (GTVT) phối hợp với các sở, ngành, UBND hai huyện Cai Lậy, Cái Bè và các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện dự án đảm bảo mục tiêu thông luồng và kịp thời ngăn chặn sai phạm theo thẩm quyền.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh được giao hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện thủ tục về bảo vệ môi trường, đăng ký sản phẩm tận thu theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và Luật khoáng sản cũng như các thủ tục khác có liên quan.
Hồi tháng 4/2022, Sở GTVT tỉnh Tiền Giang thông báo hạn chế giao thông đường thủy nội địa qua khu vực bị cạn, có chướng ngại vật trên nhánh sông cù lao Tân Phong, huyện Cai Lậy.
Trên nhánh sông cù lao Tân Phong (thuộc địa phận ấp Tân Thiện, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy) trước đó có một cồn nổi có diện tích khoảng 1 ha, sau nhiều năm bị sạt lở khiến chiều dài còn khoảng 30m, chiều rộng khoảng 9m.
Ngoài cồn nổi bị sạt lở trên, tại khu vực nằm cặp phía bờ phải cách cù lao Tân Phong khoảng hơn 50m, có các khối móng trụ bê tông cốt thép. Nguy hiểm là cồn nổi và các trụ bê tông này chỉ nhô lên mặt nước khi thủy triều xuống thấp; khi thủy triều lên cao sẽ không nhìn thấy.
Ngày 11/12/2021, 1 ghe gỗ chở khoảng 50 tấn gạo đã va trúng vào cột bê tông, làm chìm ghe, không gây thương vong về người. Sau đó, Sở GTVT tỉnh đã cho lắp đặt 3 phao cảnh báo và có thông báo hạn chế giao thông thủy nội địa qua khu vực bị cạn, có chướng ngại vật trên nhánh cù lao Tân Phong.
Theo Cổng thông tin tỉnh Tiền Giang, trong 8 tháng đầu năm 2022, tại tỉnh này đã xảy ra 51 điểm sạt lở, với chiều dài khoảng 4.665m, ước tính kinh phí xử lý khoảng 86.811 triệu đồng. Trong đó, huyện Cái Bè có 17 điểm sạt lở, tổng chiều dài khoảng 1.693m; huyện Cai Lậy có 27 điểm sạt lở, tổng chiều dài khoảng 1.980m; huyện Châu Thành 6 điểm sạt lở, tổng chiều dài khoảng 797m và thị xã Cai Lậy có 1 điểm sạt lở với chiều dài khoảng 195m. Từ năm 2013 đến nay, tỉnh Tiền Giang đã dừng cấp phép khai thác cát nhằm ngăn nguy cơ sạt lở bờ sông, bảo vệ nguồn cát cho các công trình trọng điểm. Tuy nhiên, tới hiện tại, việc khai thác “lậu” trên dòng sông này vẫn diễn ra công khai với quy mô lớn. Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ ngày 18/10/2022, kể từ đầu năm 2022 tới nay, mỗi đêm có khoảng 10 chiếc sà lan sắt (có loại cả ngàn tấn) và hàng chục ghe gỗ hút, bơm cát cách bờ sông khoảng vài chục mét. |
Vĩnh Long
Từ khóa cát nạo vét cồn cát sông Tiền Tiền Giang