Do bị quá thời hạn giải quyết nhưng không điều tra, xác minh theo quy định, lo sợ bị cơ quan chức năng phát hiện, cựu điều tra viên của Cơ quan CSĐT Công an huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang) đã làm giả chữ ký của lãnh đạo, làm giả quyết định tố tụng.

toa tuyen y an voi cuu dieu tra vien lam gia chu ky cua sep
Trụ sở Công an huyện Gò Công Đông, nơi bị cáo Huy từng làm việc. (Ảnh: Quang Bùi/google-maps)

Ngày 21/7, TAND Cấp cao tại TP.HCM mở phiên tòa phúc thẩm để xét xử  bị cáo Lê Quang Huy (cựu Thiếu tá, điều tra viên trung cấp của Cơ quan CSĐT Công an huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) và Nguyễn Hoài Phong (cựu KSV sơ cấp của Viện KSND huyện Gò Công Đông) về tội “Giả mạo trong công tác” quy định tại Điều 359 Bộ luật Hình sự 2015.

Vào phiên xử sơ thẩm, TAND tỉnh Tiền Giang đã tuyên phạt bị cáo Huy 3 năm tù, bị cáo Phong 1 năm tù cùng về tội danh nêu trên.

Hai bị cáo Huy và Phong sau đó có kháng cáo để xin cấp phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt bằng án treo.

Theo hồ sơ vụ án, vào đầu năm 2019, bị cáo Huy được phân công giải quyết tin báo tố giác tội phạm đối với 3 vụ việc đánh nhau. Trong 3 nguồn tin này, cơ quan điều tra đã chuyển 2 nguồn tin cho VKS.

Tháng 2/2019, bị cáo Phong được Viện trưởng Viện KSND huyện Gò Công Đông phân công thực hiện quyền công tố kiểm sát tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm.

Tiếp đó, Thanh tra Công an tỉnh Tiền Giang thanh tra nghiệp vụ giải quyết nguồn tin về tội phạm tại Công an huyện Gò Công Đông. Trong đó có 3 tố giác do bị cáo Huy thụ lý xác minh đã quá hạn nhưng không có kết quả giải quyết.

Lo sợ sai phạm của mình bị phát hiện, bị cáo Huy đã làm giả chữ ký của lãnh đạo bằng phương pháp in laser, scan chữ ký của cấp trên vào các văn bản mà Huy tạo sẵn trên máy các quyết định không khởi tố vụ án; công văn trao đổi không khởi tố vụ án và thông báo kết quả giải quyết nguồn tin tội phạm.

Sau khi hoàn tất công đoạn trên, bị cáo Huy mang 3 hồ sơ sang Viện KSND huyện Gò Công Đông, nhờ bị cáo Phong làm các văn bản về việc thống nhất không khởi tố hình sự.

Tại tòa, các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội và cho rằng mình không có động cơ vụ lợi trong việc giả mạo công tác. Đồng thời, 2 bị cáo Huy và Phong cũng trình bày hoàn cảnh gia đình để xin HĐXX giảm nhẹ, cho được hưởng án treo.

HĐXX xác định bị cáo Huy là người có vai trò chính và tại phiên tòa phúc thẩm không có tình tiết giảm nhẹ nào mới nên đã quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Còn bị cáo Phong, HĐXX lại cho rằng tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo này có tình tiết giảm nhẹ mới và trong vụ án cũng không có động cơ vụ lợi.

Ngày 21/7, trong phiên xử phúc thẩm, HĐXX đã quyết định chấp nhận kháng cáo, sửa một phần bản án sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hoài Phong 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo (thời gian thử thách là 2 năm); đồng thời tuyên y án 3 năm đối bị cáo Lê Quang Huy.

Ngọc Mai