Trong năm 2024, Kiểm toán Nhà nước chuyển một hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát Điều tra – Công an tỉnh Bình Phước để làm rõ vụ việc có dấu hiệu vi phạm trong việc quản lý và sử dụng hóa đơn. 

tong kiem toan nha nuoc bi chat van kiem toan nhieu nhung chi phat hien 1 vu tham nhung
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn báo cáo kết quả hoạt động trong năm 2024, kế hoạch năm 2025, chiều 23/9. (Ảnh: quochoi.vn)

Chiều 23/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2024 và kế hoạch kiểm toán năm 2025 của Kiểm toán Nhà nước.

Theo Kiểm toán Nhà nước năm 2024, toàn ngành đã kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách 33 bộ, cơ quan trung ương (83%), 57 địa phương (90%).

Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước tổ chức kiểm toán một số chuyên đề bám sát nhiệm vụ kiểm toán theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như các vấn đề dư luận xã hội quan tâm. Trong đó có chuyên đề quản lý, sử dụng kinh phí bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; chuyên đề quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý; chuyên đề về quản lý giá điện…

Dự kiến Kiểm toán Nhà nước sẽ hoàn thành 100% kế hoạch kiểm toán năm 2024 theo đúng tiến độ đã đề ra, trong đó nhiệm vụ kiểm toán trọng tâm cuối năm là kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương năm 2023, trên cơ sở đó kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023 trình Quốc hội phê chuẩn tại kỳ họp Quốc hội đầu năm 2025.

Năm 2025, tổng số nhiệm vụ kiểm toán là 120 nhiệm vụ (giảm 1 nhiệm vụ so với năm 2024), đồng thời phải đảm bảo kiểm toán quyết toán ngân sách tối thiểu 90% số bộ, cơ quan trung ương, địa phương.

Kiểm toán chuyên đề, hoạt động, môi trường, công nghệ thông tin tối thiểu 30% tổng số cuộc kiểm toán năm 2025. Dự kiến kiểm toán 25 chuyên đề (chưa bao gồm 2 chuyên đề trong lĩnh vực an ninh quốc phòng); kiểm toán hoạt động 7 chủ đề, trong đó tập trung kiểm toán các chủ đề liên quan đến bảo vệ môi trường…

Kiểm toán việc quản lý, sử dụng ngân sách 10 bộ, cơ quan trung ương, đơn vị và báo cáo quyết toán của 41 bộ, cơ quan trung ương bao gồm cả các hội, tổ chức (đạt tỷ lệ 98% – 41/42 đầu mối kiểm toán các bộ, cơ quan trung ương; năm 2024 là 83%, năm 2023 là 68%).

Kiểm toán tại 61 địa phương, trong đó kiểm toán đồng thời ngân sách địa phương và báo cáo quyết toán ngân sách địa phương năm 2023 tại 22 địa phương; kiểm toán ngân sách địa phương tại 4 địa phương và kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương năm 2023 của 35 địa phương.

Qua đó, kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương của 57 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (đạt tỷ lệ 90,5% – 57/63 địa phương, bằng so với năm 2024; năm 2023 là 83%).

Kiểm toán nhiều nhưng chỉ kiến nghị 1 vụ?

Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh đánh giá so với kế hoạch đề ra thì số đoàn kiểm toán triển khai, kết thúc, xét duyệt báo cáo kiểm toán 8 tháng đầu năm còn chiếm tỷ trọng khiêm tốn, thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước.

Ngoài ra, với quy mô, phạm vi kiểm toán khá rộng, nhưng kết quả kiểm toán phòng, chống tham nhũng, Kiểm toán Nhà nước mới chỉ kiến nghị xem xét chỉ đạo 1 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật là “chưa tương xứng”.

tong kiem toan nha nuoc bi chat van kiem toan nhieu nhung chi phat hien 1 vu tham nhung 0
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu đánh giá của cơ quan thẩm tra. (Ảnh: quochoi.vn)

Đối với dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2025, ông Mạnh cho biết đa số ý kiến đồng ý với dự kiến của Kiểm toán Nhà Nước.

Tuy nhiên, năm 2025 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025, là năm tổ chức Đại hội Đảng các cấp; đồng thời nhiều địa phương phải tập trung khắc phục hậu quả rất lớn do bão lũ gây ra để phục hồi phát triển kinh tế sau bão lũ. Theo đó, đề nghị Kiểm toán Nhà Nước rà soát, cắt giảm các nhiệm vụ và các cuộc kiểm toán chưa thật sự cần thiết, trùng lặp với các kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Thanh tra Chính phủ, các Bộ, ngành để bảo đảm kiểm toán trọng tâm, hiệu quả.

Đưa ra ý kiến thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Kiểm toán Nhà nước làm rõ hơn kết quả kiến nghị kiểm toán đang thực hiện đến đâu. Việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước thời gian qua đã được thực hiện như thế nào, xử phạt được bao nhiêu vụ và tác động ra sao đến việc thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

tong kiem toan nha nuoc bi chat van kiem toan nhieu nhung chi phat hien 1 vu tham nhung 1
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu phải rà soát lại việc kiểm toán nội bộ. (Ảnh: quochoi.vn)

Ngoài ra, bà Nga cũng cho rằng công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ cơ quan kiểm toán cần tiếp tục được triển khai hiệu quả hơn.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp lưu ý đến hiệu quả hoạt động của Kiểm toán Nhà nước, khi là cơ quan liên quan đến phòng chống tham nhũng, tiêu cực nhưng thời gian qua mới kiến nghị xem xét chỉ đạo 1 vụ việc có vi phạm pháp luật.

“So với các đơn vị được kiểm toán rất lớn nhưng phát hiện 1 vụ, cần làm rõ lý do vì sao chỉ có 1 vụ”, bà Nga đặt vấn đề.

Tổng Kiểm toán Nhà nước nói gì?

Giải trình sau ý kiến góp ý, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết ngành đã đưa ra tiêu chí đạo đức công vụ là số 1, luôn thực hiện phòng chống tham nhũng trong nội bộ ngành.

Về việc các vụ việc chuyển cho cơ quan điều tra ít, ông Tuấn cho rằng bản chất của kiểm toán là phòng ngừa và ngăn chặn với thời gian 45 ngày trên cơ sở hồ sơ các đơn vị cung cấp thì có phân tích rủi ro.

Ông Tuấn nhấn mạnh về kết quả: “Chúng tôi là “nguyên liệu đầu vào” cho các cơ quan điều tra đánh giá. Hàng năm đã cung cấp hơn 400 tài liệu, và năm 2023 cung cấp hơn 800 tài liệu cho Ủy ban kiểm tra và cơ quan điều tra”.

Theo quy chế phối hợp, “trong quá trình kiểm toán, không chờ kết thúc mà khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tham nhũng tiêu cực rõ ràng thì chuyển ngay cho các cơ quan chức năng” – ông Tuấn nói.

Nguyễn Quân