TP.HCM báo Chính phủ: ‘Ngưỡng chịu đựng của ngành y tế TP.HCM là 120.000 ca COVID-19’
- Nguyễn Quân
- •
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM vừa cho hay ngưỡng chịu đựng của hệ thống y tế TP.HCM là 120.000 ca nhiễm COVID-19 tại cùng một thời điểm. Con số trên được công bố trong bối cảnh TP đang dần mở lại các hoạt động kinh tế – xã hội, song số ca mắc mới có xu hướng tăng cao, số ca nhập viện luôn cao hơn số ca xuất viện, số bệnh nhân trở nặng, số ca tử vong cũng tăng…
Chiều 18/11, trước khi diễn ra cuộc họp báo thường kỳ của TP.HCM về tình hình COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) tại TP, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã họp với Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM; cùng dự có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng – Thượng tướng Võ Minh Lương. Theo tin từ truyền thông nhà nước, cuộc họp đưa ra nhiều thông tin đáng chú ý.
Ngưỡng tối đa của TP.HCM là 120.000 người nhiễm COVID-19 cùng một thời điểm
Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết số ca cách ly tại nhà những ngày gần đây tăng dần, hiện khoảng gần 50.000 F0 tại nhà. Thành phố rất lo khi quản lý số lượng lớn cách ly tại nhà, số trường hợp chuyển nặng có dấu hiệu tăng. Tình hình tương tự đối với số ca tử vong, khi về tổng thể, số ca tử vong từ ngày 1/10 đến nay giảm dần nhưng 2 tuần nay có dấu hiệu tăng, dao động 30 – 40 ca/ngày, trong đó có cả các bệnh nhân nặng từ các tỉnh, thành khác chuyển đến. Trong tổng số F0 mắc mới có 3,5% cần thở oxy, 0,4% thở máy xâm lấn.
Lý giải về số ca mắc COVID-19 tăng trong thời gian qua, ông Thượng cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do người lao động quay lại làm việc và lây lan trong khu nhà trọ.
Hiện TP đã cho phép 175/234 chợ truyền thống hoạt động trở lại; 1.355 doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp (chiếm khoảng 96%) với trên 230.000 công nhân (tương đương 80%) đã kết thúc phương án “3 tại chỗ”…
Ông Thượng cho hay ngành y tế TP đã xác định ngưỡng chịu đựng và các kịch bản thu dung, điều trị khi không còn lực lượng chi viện; trong điều kiện vừa điều trị bệnh khác, vừa điều trị bệnh COVID-19, ngưỡng chịu đựng của thành phố là 120.000 ca COVID-19 (F0). Hiện nay TP.HCM đang điều trị cho khoảng 68.000 ca mắc COVID-19, trong đó tầng 2, tầng 3 đang chữa trị cho 12.634 người.
Theo giám đốc Sở Y tế, TP đang duy trì 86 trạm y tế lưu động do bệnh viện quân y phụ trách, hơn 100 trạm do ngành y tế thành phố triển khai. Hơn 292.000 túi thuốc đã được cấp cho các trung tâm y tế quận, huyện để cấp cho các F0.
TPHCM đang hoàn thiện kịch bản thu dung, điều trị trong tình huống không có lực lượng chi viện, duy trì, xây dựng bệnh viện dã chiến 3 tầng; bổ sung các trạm y tế lưu động ở các quận, huyện có số ca mắc mới cao; huy động lực lượng y tế tư nhân; hình thành các cụm điều trị phân bố theo địa bàn quận, huyện; tổ chức tiêm vét vắc-xin tại nhà cho người cao tuổi, người có yếu tố nguy cơ…
Làm sao để giảm sức căng?
Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM nhìn nhận số ca F0 những ngày gần đây có xu hướng tăng, từ nguồn lây tại chỗ và từ nơi khác về, và con số thống kê chắc chắn thấp hơn con số thực tế. “Nói như thế để thấy rằng sức chịu đựng của ngành y tế là 120.000 ca thì với mức độ tăng 1.000 – 2.000 ca/ngày, khoảng 30 ngày nữa sẽ quá sức. Vậy sau đó làm gì, có quay lại giãn cách nữa không ?”, ông Nên đặt câu hỏi.
Mỗi ngày có khoảng 1.300 ca mắc mới nhưng có 700 – 800 ca F0 khỏi bệnh. Ông Nên cho rằng có thể cân đối bằng việc giảm lây chùm, lây ổ qua lực lượng phản ứng nhanh. Các ca nhiễm tăng rải rác hiện chưa chủ động được nên điều quan trọng nhất là ý thức người dân, thứ 2 là cấp thuốc ngay cho F0 mới phát hiện, qua đó rút ngắn thời gian điều trị. Ngoài ra, hệ thống bệnh viện công tư, quân dân y, đông tây y cần được kích hoạt.
Đây là lúc TP.HCM phải nâng cao hơn một mức công tác giám sát y tế, dịch tễ đến từng người dân – theo ông Đam. Những nhóm cần giám sát gồm người chưa tiêm vắc-xin (trẻ em dưới 12 tuổi, người già chống chỉ định tiêm vắc-xin), người có bệnh nền… TP phải phân công từng trạm y tế, từng tổ phản ứng nhanh theo dõi thường xuyên, thăm khám kịp thời.
Theo ông Đam, các quy định phòng dịch phải làm sao để người dân không giấu việc bị nhiễm bệnh. “Làm sao để cho người dân thấy có nguy cơ là xét nghiệm. Tinh thần là cả người dân, doanh nghiệp, người lao động không ai có động cơ, không ai muốn giấu việc mình bị nhiễm COVID-19. Phải làm sao để người dân mong muốn được xét nghiệm trước và điều trị sớm chứ không phải lo sợ cách ly, điều trị, dừng sản xuất… đến mức phải giấu”, ông Đam nói, cho rằng đây là việc rất quan trọng.
Các hướng dẫn về xét nghiệm, xử lý ca nhiễm trong khu công nghiệp cần được cập nhật để các doanh nghiệp có ca nhiễm có phương án vừa xử lý nhanh chóng, hiệu quả mà không làm gián đoạn sản xuất. Theo ông Đam, chừng nào các quyết định còn làm cho người dân, doanh nghiệp sợ thì sẽ còn tình trạng giấu F0 và càng khiến cho ngành y tế vất vả hơn.
Ngoài ra, ông Đam lưu ý ngành y tế TP.HCM cần tăng cường xét nghiệm điều tra dịch tễ ở những nơi nguy cơ cao như các chợ truyền thống, trung tâm thương mại, chú ý xem có biến thể mới hay không.
Vừa “mở vừa canh”
Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết việc mở cửa các hoạt động kinh tế, xã hội từ ngày 1/10 theo Nghị quyết 128 của Chính phủ áp dụng theo nguyên tắc “an toàn đến đâu mở cửa đến đó, mở cửa phải đảm bảo an toàn”.
Ông Đức cho hay nếu nơi nào tổ chức tốt thì không ghi nhận trường hợp lây nhiễm liên quan đến việc mở quán ăn hay không mở quán ăn, và “TP cũng “rón rén” khi chỉ cho mở đến 21h thôi”. Dự kiến, TP.HCM sẽ tiếp tục thêm 2 tuần thí điểm nữa, với quy mô rộng hơn trên toàn thành phố ở những nơi đảm bảo an toàn, đủ điều kiện, đóng cửa trước 22h, ông Đức cho hay.
Riêng hoạt động massage, karaoke, spa… thì thành phố thống nhất tạm ngưng đến cuối tháng 11/2021 vì còn một số vấn đề cần cân nhắc kỹ, rà soát bộ tiêu chí để hướng dẫn kỹ hơn cho doanh nghiệp.
Trước đó, vào ngày 28/10, UBND TP.HCM chính thức cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ tại chỗ nhưng phải kết thúc hoạt động trước 21h hàng ngày và không phục vụ rượu bia, trừ quận 7 và TP Thủ Đức. Đến ngày 17/11, UBND TP cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được thí điểm hoạt động đến 22h hàng ngày từ nay đến hết ngày 30/11.
‘F0 và F1 sống chung nhà vẫn phải cách ly’Chiều muộn ngày 18/11, tại cuộc họp báo thường kỳ, giới chức TP.HCM chính thức cập nhật các thông tin về tình hình dịch COVID-19 tại TP. Trả lời câu hỏi về lý do TP.HCM thay đổi quyết định, tạm ngừng dịch vụ karaoke, massage, vũ trường, spa… chỉ sau 2 ngày mở cửa, Phó ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM – ông Phạm Đức Hải nói quan điểm của TP là tạo điều kiện tốt nhất cho người dân. Người dân là trung tâm phục vụ. Tất cả chính sách TP đưa ra nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân. Hiện số ca mắc mới mỗi ngày còn cao, có ngày 1.000, 1.200… thậm chí là hơn 1.400 ca mắc. Số bệnh nhân trở nặng đang thở máy còn cao và ngày càng tăng (ngày 14/11 là 258 ca, 15/11 có 274 ca,… 17/11 lên đến 302 ca). Ông Hải nói khác với những ngày đầu tháng 10, những ngày gần đây, số ca nhập viện luôn cao hơn số ca xuất viện. Đồng thời, số ca tử vong vẫn chưa giảm và thậm chí có tăng. Những con số này còn đáng lo ngại. Trên thực tế, vẫn còn nhiều người thực hiện chưa nghiêm 5K, ra đường vẫn không đeo khẩu trang, tụ tập, giữ khoảng cách không đúng, việc khử trùng cũng ít đơn vị thực hiện tốt. Do vậy, những điều này khiến TP lo lắng và đã có quyết định tạm dừng. “TP kính mong người dân, doanh nghiệp đồng cảm, chia sẻ với quyết định rất khó khăn này. Chúng ta vì mục đích chung là bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân và bảo vệ kết quả phòng chống dịch thời gian qua”, ông Hải nói. Về một số bất cập trong điều trị cho F0 tại nhà, ông Nguyễn Hồng Tâm – Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho hay thời gian qua, một số địa phương vì thiếu nhân sự nên linh động để F0 đến một địa điểm nào đó nhận thuốc. Sự việc này xảy ra khoảng một tuần trước đây và đã được khắc phục. “Đây là những điều không được làm bởi đã vi phạm quy định cách ly F0”, ông Tâm nói, cho biết HCDC đã nhắc nhở và báo Sở Y tế. Ông Tâm cho hay quy định hiện nay là “tất cả F0 và F1 sống cùng nhà phải cách ly”. Trả lời báo chí về ngưỡng F0 mà TP.HCM có thể tiếp nhận, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP – bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho hay qua tính toán sơ bộ, hiện lực lượng y tế cần thiết của TP bao gồm hơn 9.100 bác sĩ, và trên 19.600 điều dưỡng. Các y bác sĩ này đã có nhiều kinh nghiệm trong đợt dịch 4 vừa qua, có thể đáp ứng kịp thời khi số ca bệnh tăng nhanh. Với số lượng nhân sự, bình oxy, số giường bệnh,… hiện có, TP.HCM có thể tiếp nhận điều trị 120.000 F0 trong cùng một thời điểm. Bà Mai cho hay vừa qua, có một số người dân phản ánh trạm y tế nói hết gói thuốc C (loại có chứa thuốc điều trị COVID-19). Bà Mai giải thích sau khi xảy ra sự cố liên quan đến cấp phát và sử dụng gói thuốc C, một số trạm y tế có dấu hiệu chững lại trong công tác này. Hiện tại, Sở Y tế đã có văn bản chấn chỉnh vấn đề trên. Thời gian tới, Sở Y tế TP.HCM sẽ báo cáo Bộ Y tế và xin cấp thêm 100.000 gói thuốc C để dự trù cho trường hợp số F0 gia tăng. |
Hơn 11 tháng, 17.305 người tại TP.HCM tử vong do COVID-19Theo công bố tại cuộc họp báo của TP.HCM, tính đến 18h ngày 17/11, có 451.696 trường hợp mắc COVID-19 phát hiện tại TP.HCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 451.154 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 542 trường hợp nhập cảnh. Hiện ngành y tế TP đang điều trị cho 12.935 bệnh nhân, trong đó có 636 trẻ em dưới 16 tuổi, 302 bệnh nhân nặng đang thở máy, 09 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 17/11, có 1.447 bệnh nhân nhập viện, 1.076 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ ngày 1/1/2021 đến nay là 266.410 người), 42 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ ngày 1/1/2021 đến nay là 17.305 người). Về tiêm vắc-xin COVID-19, đến ngày 17/11/2021, TP.HCM đã đưa vào tiêm 7.864.014 mũi 1 và 6.005.139 mũi 2. |
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Từ khóa y tế quá tải TP.HCM khôi phục kinh tế Dòng sự kiện COVID-19 TP.HCM