TP.HCM: Bỏ tiếp quy định đi chợ 2 lần/tuần; shipper chở hàng không thiết yếu sẽ bị phạt
- Nguyễn Quân
- •
Tiếp tục hạn chế việc di chuyển trong thành phố, giới chức TP.HCM sáng 25/7 thông báo người dân trong khu phong tỏa sẽ không được ra ngoài đi chợ 2 lần/tuần theo Chỉ thị 12 của Thành ủy TP ra 2 ngày trước, mà chỉ được phép ra khỏi nhà khi cần cấp cứu y tế. Shipper “mua áo” và shipper chuyển hàng không thiết yếu sẽ bị xử phạt.
Shipper đã đăng ký vẫn có thể bị phạt nếu chở hàng không thiết yếu
Trong cuộc họp báo sáng 25/7, Phó Chủ tịch TP.HCM – ông Dương Anh Đức cho hay hiện tại nếu đi ngoài đường sẽ thấy trên 2/3 số xe máy đang đi làm shipper. Shipper có 2 dạng là công nghệ và xe ôm truyền thống, chuyển sang làm công việc vận chuyển.
Vận chuyển hàng thiết yếu là việc không thể dừng hoạt động được, do đó, không thể cấm – ông Đức nói, nhưng cần phải có tổ chức để giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm. Các cơ quan, lái xe công nghệ của doanh nghiệp thì không phải đăng ký thêm vì đã có tổ chức, hợp đồng. Riêng dạng tự phát thì bị cấm vì khó kiểm soát.
Theo đó, trong quy định mới lần này, TP.HCM sẽ yêu cầu xe shipper hoạt động vận chuyển phải có đăng ký.
Ngoài ra, ông Đức cho biết TP đã nắm được tình trạng mua bán áo shipper, một số người lợi dụng mặc áo shipper để ra ngoài. Hiện công an, cán bộ tại các chốt chặn sẽ kiểm soát việc này, nếu nghi ngờ sẽ yêu cầu người này cung cấp app vận hành để chứng minh.
Đáng lưu ý, ông Trần Quang Lâm, giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết trong hôm nay, tức 25/7, sẽ ban hành chỉ đạo yêu cầu shipper chỉ được vận chuyển hàng thiết yếu và có quyền từ chối khách hàng khi yêu cầu chuyển các mặt hàng không thiết yếu. Không chỉ kiểm soát tại các chốt, trên đường lưu thông, lực lượng chức năng có quyền kiểm tra shipper công nghệ, người “giả mạo shipper” và shipper vận chuyển các mặt hàng không thiết yếu có thể sẽ bị xử phạt.
Toàn bộ người dân trong khu phong tỏa sẽ không được ra khỏi nhà
Cuối ngày 24/7, UBND TP.HCM đã ra văn bản khẩn gửi các sở ngành, quận huyện, TP Thủ Đức yêu cầu đến hết ngày 1/8, người dân trong khu phong tỏa trong TP chỉ được phép ra khỏi nhà khi có yêu cầu cấp cứu y tế. Nhu yếu phẩm thiết yếu do chính quyền mang đến từng nhà hoặc “đi chợ thay”.
Theo đó, người dân trong khu phong toả sẽ không được ra ngoài đi chợ 2 lần/tuần như theo Chỉ thị 12 do Thành uỷ TPHCM ban hành trước đó.
Trong buổi họp báo sáng 25/, ông Đức giải thích về nguyên tắc, đã phong tỏa phải đảm bảo nguyên tắc “nội bất xuất, ngoại bất nhập” trừ những trường hợp cấp cứu khẩn cấp. Hiện theo thống kê, số lượng F0 phát hiện trong khu phong toả, cách ly chiếm một lượng đa số trong tổng số ca phát hiện tại TPHCM. Có những ngày, số lượng ca nhiễm chiếm đến hơn 70% trong tổng số ca phát hiện tại thành phố.
Giới chức TP.HCM cho biết sẽ đánh giá vị trí, số dân, số ca nhiễm và các yếu tố nguy cơ dịch tễ để xác định phạm vi phong tỏa phù hợp, không quá hẹp để bỏ sót F0, F1, nhưng cũng không quá rộng để ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân.
“Có ngày lên đến trên 5.000 ca, trung bình 3.000 ca/ngày…”, ông Đức nói, “tôi tin rằng người dân trong khu phong tỏa hơn ai hết mong muốn khu phong tỏa sớm ngày được chấm dứt, càng sớm càng tốt.” – theo Lao Động.
TP có thể giới hạn thời gian ra đường, chuẩn bị khởi động kịch bản xấu nhất
Đáng lưu ý, cũng trong buổi họp báo, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM – ông Phan Văn Mãi cho biết các giải pháp tăng cường Chỉ thị 16 được thực hiện đến ngày 1/8, tuy nhiên, có thể kéo dài trong 2 tuần. Ông Mãi đưa ra công bố TP.HCM tính tới tình huống xấu hơn để chuẩn bị khởi động kịch bản 3, để không chỉ các cơ quan chức năng mà người dân cũng cần chuẩn bị tâm thế đó.
Ông Mãi cũng công bố không chính thức về việc sẽ giới hạn thời gian được đi bên ngoài, nâng mức kiểm soát việc đi lại. “Trong ngày nay hoặc ngày mai, TP.HCM sẽ văn bản quy định đối tượng, nhiệm vụ, thời gian di chuyển ngoài đường. Cũng có thể giới hạn ở một số khung giờ nào đó, như sau 18h thì một số đối tượng, nhiệm vụ bị hạn chế”, ông Mãi nói, dẫn theo Thanh Niên.
Sau 5 ngày giãn cách theo Chỉ thị 16 (ngày 13/7), giới chức TP.HCM đưa ra ra 3 kịch bản. Kịch bản thứ nhất, TP.HCM ngăn chặn và kiểm soát được dịch COVID-19, sẽ xem xét giảm mức độ giãn cách. Kịch bản thứ 2 là TP.HCM chưa kiểm soát được và dịch vẫn gia tăng, khi đó phải tiếp tục Chỉ thị 16, thậm chí là tăng cường Chỉ thị 16 “cộng” ở một số khu vực. Kịch bản thứ 3, xấu nhất, là dịch gia tăng mạnh mẽ và mất kiểm soát.
Trong họp báo sáng 25/7, ông Mãi cho rằng dù rất cố gắng nhưng TP.HCM vẫn không đạt được mục tiêu kịch bản thứ nhất và phải thực hiện kịch bản thứ 2 là tăng cường thực hiện Chỉ thị 16 với các giải pháp nâng cao.
Ông Đức cho biết qua những con số phân tích trong thời gian qua, có thể dự báo rằng trong 5-7 ngày sắp tới, số ca nhiễm của TP.HCM vẫn còn ở mức cao. Bản đồ COVID-19 đang dàn hàng ngang…
Số ca nhiễm virus Vũ Hán tại TP.HCM đã đạt tới con số 58.198 vào sáng 25/7, khi bước sang ngày thứ 58 ghi nhận dịch (từ ngày 27/5), theo số liệu do Bộ Y tế công bố.
Phía Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho hay trong ngày 24/7, có thêm 1.890 bệnh nhân xuất viện, tổng số ca được công bố bình phục là 12.371. Mặc dù vậy, số liệu này cần lưu ý khi từ ngày 21/7, TP.HCM đã áp dụng giải pháp cho F0 không triệu chứng hoặc tải lượng virus thấp được xuất viện, chuyển về cách ly tập trung tại địa phương hoặc cách ly tại nhà.
Vẫn theo HCDC, hiện ngành y tế TP.HCM đang điều trị 38.011 bệnh nhân COVID-19 (bao gồm bệnh nhân có kết quả xét nghiệm PCR xét nghiệm nhanh dương tính), trong đó có 624 bệnh nhân nặng đang thở máy và 10 bệnh nhân can thiệp ECMO. Tại TP.HCM, tính cộng dồn đến nay có 561 bệnh nhân tử vong (vượt 191 ca tử vong so với con số 370 bệnh nhân tử vong do Bộ Y tế cập nhật).
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Từ khóa Shipper COVID-19 TP.HCM tăng cường Chỉ thị 16