TP.HCM có hơn 200.000 người tiêm vắc-xin Sinopharm; ngày 16/8 thêm 8.652 ca COVID-19
- Lê Hoàn
- •
Tính từ 18h ngày 15/8 đến 18h ngày 16/8, Bộ Y tế ghi nhận 8.652 ca nhiễm mới, trong đó 8 ca nhập cảnh và 8.644 ca ghi nhận trong nước. TP.HCM đã tiêm hơn 200.000 liều vắc-xin Sinopharm. Ngoài ra, giới chức thành phố điều chỉnh mô hình điều trị từ 5 tầng còn 3 tầng.
Tại TP.HCM, trong buổi họp báo hôm 16/8, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết từ đầu đợt 5 (ngày 22/7) đến nay, thành phố chính thức nhận hơn 4,4 triệu liều vắc-xin qua 20 đợt cấp phát của Bộ Y tế.
Theo ông Đức, vắc-xin Sinopharm (tên thường gọi của vắc-xin Vero Cell) đã nhận 2 đợt, mỗi đợt 1 triệu liều, riêng đợt 2 đang chờ Bộ Y tế kiểm định để tiếp tục tiêm cho người dân.
Tính đến nay, thành phố đã tiêm hơn 200.000 liều vắc-xin Sinopharm.
Đã có 4 quận, huyện gồm huyện Cần Giờ, quận 5, 11 và Phú Nhuận đã chính thức tiêm xong mũi 1. Những quận, huyện này tiếp tục rà soát, tiếp cận những ai còn lại chưa được tiêm đợt 1, đồng thời đang tiến hành mũi 2.
Về mô hình điều trị, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng cho biết để phù hợp với tình hình điều trị hiện nay, thành phố phân lại tầng điều trị bệnh nhân COVID-19, còn 3 tầng theo mô hình của Bộ Y tế, thay vì 5 tầng như trước đây.
Theo đó, tầng 1 là chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà; các ca F0 không triệu chứng, không có bệnh nền hoặc có bệnh nền ổn định đang điều trị tại cơ sở cách ly tập trung ở quận, huyện và TP.Thủ Đức. “Có thể hiểu đơn giản nhất đây là những F0 không triệu chứng hoặc bệnh nhẹ, bệnh nền ổn định”, ông Hưng nói.
Hiện TP.HCM có 18.120 bệnh nhân F0 cách ly tại nhà, có 153 cơ sở cách ly tập trung F0 cấp quận, huyện với tổng 23.898 giường.
Tầng 2 là tiếp nhận, thu dung các trường hợp cần cấp cứu và điều trị, các F0 có triệu chứng từ nhẹ, trung bình đến nặng và kèm hoặc không kèm bệnh nền ở các bệnh viện dã chiến và bệnh viện điều trị COVID-19 hoặc bệnh viện thực hiện mô hình tách đôi.
Hiện TP.HCM có 74 bệnh viện điều trị COVID-19 (gồm 24 bệnh viện dã chiến, 41 bệnh viện đa khoa, 9 bệnh viện Trung ương) với tổng công suất 49.392 giường.
Tầng 3 chuyên hồi sức chuyên khâu F0 nặng và nguy kịch ở bệnh viện tuyến cuối của thành phố và Bộ Y tế tăng cường. Hiện có 8 bệnh viện hồi sức COVID-19 cấp thành phố và 5 trung tâm hồi sức quốc gia với tổng công suất 3.883 giường.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), đến ngày 16/8, thành phố ghi nhận 151.904 ca COVID-19 được Bộ Y tế công bố, trong đó có 151.507 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 397 trường hợp nhập cảnh.
Thành phố hiện đang điều trị 33.149 bệnh nhân, trong đó có có 2.122 trẻ em dưới 16 tuổi, 1.858 bệnh nhân nặng đang thở máy và 15 bệnh nhân can thiệp ECMO.
Trong ngày 15/8 có 2.146 bệnh nhân xuất viện, tổng số xuất viện cộng dồn từ ngày 1/1/2021 đến nay là 72.873 bệnh nhân. Có 282 trường hợp tử vong trong ngày.
Kết quả xét nghiệm từ ngày 27/4 đến 14/8, giới chức y tế đã lấy 1.240.654 mẫu, (trong đó có 743.772 mẫu đơn, 496.882 mẫu gộp), với 4.547.556 người được lấy mẫu (tại các khu cách ly, khu phong tỏa, các tòa nhà, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất…). Tổng số mẫu chưa có kết quả: 6.555 mẫu, trong đó có 5.495 mẫu đơn và 1.060 mẫu gộp.
Tại Nghệ An, giới chức thành phố đã quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 17/8 đối với TP. Vinh (với số dân trên 500.000 người).
Trong 2 ngày 15 và 16/8, TP. Vinh xuất hiện 6 ca COVID-19, trong đó nhiều ca liên quan đến chợ đầu mối TP. Vinh. Qua điều tra truy vết, ngành y tế đã xác định và cách ly y tế cho 111 trường hợp F1.
Thành phố đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho hơn 2.800 trường hợp liên quan đến chợ đầu mối và gần 400 người là shipper (người giao hàng).
Ông Nguyễn Văn Định, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An nhận định ổ dịch chợ đầu mối Vinh hết sức nguy hiểm, tồn tại khá lâu trong cộng đồng (8-12 ngày), hiện đang còn có những trường hợp F0 trong cộng đồng có thể chưa truy vết hết.
Ngày 16/8 thêm 8.652 ca COVID-19
Bộ Y tế tối 16/8 công bố thêm 8.652 ca COVID-19, trong đó có 8.644 ca ở 43 tỉnh thành, gồm TP.HCM (3.341), Bình Dương (2.522), Long An (599), Đồng Nai (588), Khánh Hòa (262), Đồng Tháp (158), Tiền Giang (152), Vĩnh Long (131), Đà Nẵng (96), An Giang (87), Cần Thơ (86), Sóc Trăng (75), Trà Vinh (71), Phú Yên (62), Thừa Thiên Huế (60), Tây Ninh (52), Hà Nội (50), Bình Thuận (33), Kiên Giang (32), Ninh Thuận (27), Gia Lai (25), Nghệ An (24), Hà Tĩnh (17), Đắk Lắk (11), Quảng Nam (11), Bắc Ninh (11), Lâm Đồng (8 ), Thanh Hóa (6), Nam Định (6), Hậu Giang (6), Bình Phước (6), Lạng Sơn (4), Cà Mau (4), Quảng Ngãi (4), Ninh Bình (3), Bình Định (3), Lào Cai (2), Quảng Bình (2), Sơn La (2), Bạc Liêu (2), Hà Nam (1), Hải Dương (1), Thái Nguyên (1).
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 283.696 ca nhiễm, đứng thứ 77/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 171/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 2.886 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4, số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 279.681 ca, trong đó có 104.203 bệnh nhân đã được công bố bình phục.
5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP.HCM (152.827), Bình Dương (46.501), Long An (14.998), Đồng Nai (14.204), Bắc Giang (5.795).
Về điều trị, 4.473 bệnh nhân được công bố bình phục trong ngày 16/8 (nâng tổng số ca lên 106.977 ca). Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 590 ca. Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 22 ca.
Ngày 16/8, Bộ Y tế ghi nhận 368 ca tử vong tại TP.HCM (315), Bình Dương (29), Long An (8) Tiền Giang (4), Hà Nội (2), Bình Định (1), Bình Thuận (1), Đắk Lắk (1), Đồng Nai (1), Đồng Tháp (1), Hưng Yên (1), Khánh Hòa (1), Sóc Trăng (1), Tây Ninh (1), Thừa Thiên Huế (1).
Tổng số ca tử vong tại Việt Nam tính đến 16/8 là 6.141 ca, chiếm tỷ lệ 2,2% so với tổng số ca mắc và tương đương với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới.
Về tiêm chủng, trong ngày 15/8 có 508.244 liều vắc-xin được tiêm. Như vậy, tổng số liều đã được tiêm là 14.666.708 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 13.287.434 liều, tiêm mũi 2 là 1.379.274 liều.
Lê Hoàn
Xem thêm:
TP.HCM: Tiếp tục giãn cách xã hội đến hết ngày 15/9; shipper được vận chuyển hàng hóa thiết yếu