TP.HCM công bố biến thể mới của Omicron
- Minh Long
- •
Sở Y tế TP.HCM giải trình tự gene virus bệnh nhân COVID-19 trong 3 tháng đầu năm, phát hiện biến thể phụ XBB.1.5 của Omicron.
Sở Y tế TP.HCM vừa cho biết đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) đã phối hợp Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM tiến hành giải trình tự gene các mẫu bệnh phẩm của những bệnh nhân COVID-19 từ ngày 11/1 đến 20/3.
Kết quả có 5 mẫu được giải mã thành công, trong đó có 2 chủng thuộc biến thể phụ BA.5 (2/5, 40%), 1 mẫu BA.2.75 (1/5, 20%), 1 mẫu XBB.1 (1/5, 20%) và 1 mẫu XBB.1.5 (1/5, 20%).
Đây là lần đầu tiên XBB.1.5 được ghi nhận tại Việt Nam.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết XBB.1.5 hiện đang là biến thể chiếm ưu thế trên phạm vi toàn cầu (chiếm 47,1% số trường hợp trong tháng 3/2023, so với 39,8% trong tháng 2/2023), XBB.1.5 đã được phát hiện ở 94 quốc gia.
Các dữ liệu phân tích hiện nay trên thế giới cho thấy “không có báo cáo nào về mức độ nghiêm trọng cao hơn đối với các biến thể đang lưu hành, cũng không có báo cáo nào về việc gia tăng số ca nhập viện hoặc tử vong do bất kỳ biến thể từ dòng XBB hiện đang lưu hành”.
Hiện nay, WHO xếp XBB.1.5 vào nhóm biến thể đáng quan tâm (Variant Of Interest – VOI), tiếp tục theo dõi chặt chẽ, đồng thời có 7 biến thể khác thuộc nhóm đang được theo dõi (Variant Being Monitored – VBM) bao gồm BA.2.75, CH.1.1, BQ.1, XBF, XBB, XBB.1.16 và XBB.1.9.1.
Như vậy, hiện nay chưa xuất hiện biến thể thuộc nhóm biến thể đáng lo ngại (Variant Of Concern – VOC) hoặc biến thể gây hậu quả nghiêm trọng (Variant Of High Consequence – VOHC).
Tại TP.HCM, tính từ đầu tháng 3/2023 đến nay, số ca mắc mới COVID-19 ghi nhận dưới 3 ca/ngày, trung bình 1 ca/ngày, trong tuần từ ngày 6/4 đến ngày 12/4 đã có 6 bệnh nhân mắc COVID-19.
Tuy nhiên, ngày 12/4 ghi nhận 3 ca mắc mới và ngày 13/4 là 7 ca. Hiện đang có 12 bệnh nhân nằm điều trị tại bệnh viện, không có ca bệnh nặng phải thở máy.
“Số ca mắc tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát”
4 tuần trước đó (từ 6/3 đến 2/4), toàn cầu đã ghi nhận gần 3,3 triệu ca mắc mới và hơn 23.000 ca tử vong, giảm lần lượt 28% và 30% so với 28 ngày trước đó (6/2 đến 5/3). Tuy nhiên, 74 quốc gia ghi nhận số ca mới tăng từ 20% trở lên. Riêng Đông Nam Á, số ca mắc mới tăng 289%.
Tại Việt Nam, trong 8 ngày vừa qua (từ ngày 5/4 đến ngày 12/4), cả nước đã ghi nhận 900 ca mắc mới, riêng ngày 12/4 ghi nhận tới hơn 260 ca. Trung bình có 112 ca mắc mới mỗi ngày, tăng 4,2 lần so với 7 ngày trước đó. Trong đó nhóm từ 50 tuổi trở lên ghi nhận 193 ca (chiếm 30,2% số mắc mới).
Số ca nhập viện cũng có xu hướng gia tăng. Số bệnh nhân nặng ghi nhận trong tuần là 10 ca, trung bình ghi nhận 1-2 ca nặng mỗi ngày.
Với chùm ca COVID-19 xuất hiện tại Trường THCS Khánh Yên (Lào Cai) với 52 người mắc được phát hiện từ ngày 7/4 đến 10/4, hiện không phát hiện thêm ca mới.
Còn tại Hà Nội, trong tuần đầu của tháng 4 ghi nhận 67 ca mắc, số mắc tăng 44 trường hợp so với tuần trước. Cộng dồn năm 2023, Hà Nội ghi nhận 263 ca mắc.
Trên một số diễn đàn, phụ huynh bày tỏ sự lo lắng và “ngán” cảnh con phải quay trở lại học trực tuyến.
Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn khẳng định, đơn vị không phát ngôn thông tin “chuyển sang học trực tuyến khi có học sinh nhiễm COVID-19”.
GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay số ca bệnh ở khu vực phía Bắc chiếm ưu thế, là do yếu tố giao mùa thời tiết.
Theo ông Lân, với số mắc hiện nay, nếu đánh giá về sơ bộ về cấp độ dịch tại từng địa phương thì tất cả “đang màu xanh”, có nghĩa là không vượt qua cấp độ 1. “Số ca mắc tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát”, ông Lân nói.
Từ khóa TP.HCM COVID-19 Biến thể Omicron biến thể XBB.1.5