Sau 6 năm thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP), giới chức TP.HCM đề xuất chính thức hóa mô hình thí điểm này.

giam sat thuc pham cho ben thanh
Lực lượng chức năng TP.HCM giám sát về an toàn thực phẩm tại chợ Bến Thành. (Ảnh: thanhuytphcm.vn)

Ngày 5/10, UBND TP.HCM có văn bản gửi Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Chính phủ, đề nghị góp ý kiến về dự thảo đề án thành lập Sở ATTP TP.HCM.

Việc thành lập Sở dựa trên mô hình thí điểm Ban Quản lý ATTP TP.HCM đã hoạt động 6 năm qua (từ năm 2016).

Theo giới chức thành phố, Sở ATTP thành lập sẽ giúp UBND TP thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ATTP; đồng thời, sửa đổi, bổ sung chức năng thanh tra chuyên ngành nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác xử lý vi phạm hành chính về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính…

Trước đó, hôm 15/7, tại hội nghị tổng kết 6 năm thí điểm thành lập Ban Quản lý ATTP TP.HCM, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý, cho biết số vụ ngộ độc phát hiện ít hơn qua từng năm, vấn đề giám sát được thực hiện tốt hơn, thanh kiểm tra cũng nhiều hơn.

Cụ thể, từ năm 2017 đến tháng 6 năm nay, ban đã kiểm tra gần 328.000 cơ sở, phát hiện vi phạm với tỷ lệ 11,3%; đã xử phạt 7.225 cơ sở với tổng số tiền phạt gần 153,1 tỷ đồng, trung bình phạt gần 21,2 triệu đồng/vụ.

Trong khi một năm trước đó, tức năm 2016, khi chưa có Ban ATTP, số tiền phạt vi phạm ATTP tại TP.HCM trung bình gần 5,1 triệu đồng/vụ (cả nước phạt chỉ 200.000 đồng/vụ).

Tuy vậy, bà Lan băn khoăn là Ban hoạt động như một Sở nhưng bị vướng về mặt pháp lý. Các cơ chế và quy định pháp luật trong một số trường hợp không có hướng dẫn cụ thể dẫn tới nhiều lúng túng trong thực tế.

Ví dụ, Ban chỉ được thực hiện thanh tra chuyên ngành, mọi hoạt động đều phụ thuộc vào kế hoạch và quyết định thanh tra của trưởng ban, không chủ động như thanh tra Sở…

Do đó, Ban đề xuất cần có sự thay đổi phù hợp với tình hình thực tế, cho phép chính thức hóa mô hình thí điểm, thành lập Sở ATTP.

Với đề xuất thành lập Sở ATTP, tài khoản Mai Anh bình luận trên báo Người Lao Động, “đã có Cục quản lý ATVS thực phẩm và đang tinh giản bộ máy hành chính thì không nên thành lập Sở, vấn đề đưa ra có vẻ để nâng tầm, phình to hơn là mục đích. Ban ATVS thành phố trực thuộc Sở Y tế để phối hợp đảm bảo chất lượng và sức khỏe là đúng mục tiêu, kém hiệu quả là do điều hành hay chưa cương quyết. Ngoài ra, Quản lý thị trường là đầu mối phối hợp sao không thể làm tốt mà muốn lên Sở?”.

Tài khoản Huu Nhật: “Chỉ cồng kềnh, tốn chi phí nếu cán bộ muốn làm việc thì chuyện gì cũng xong. Không muốn làm việc, ban bệ nhiều chỉ tốn kém. Lập một Sở, cả ngàn chi phí phải tốn, đáng không?”

Tài khoản An: “Tôi ủng hộ thành lập Sở an toàn vệ sinh thực phẩm càng sớm càng tốt, vì sức khỏe của người dân TP.HCM”.

Tài khoản Mai Văn Giàu: “Thực phẩm ở lề đường, các quán nhỏ gần như bị bỏ ngỏ, nhưng đó lại là những thứ mà người dân bỏ vô miệng đầu tiên. Đặc biệt là công nhân, người lao động tự do (ăn sáng, ăn trưa)”.

Tài khoản Lê Cảnh Hùng: “Thành lập ra cái Sở này rồi chỉ để cho có hay sao, chứ trước giờ biết bao nhiêu vụ thực phẩm bẩn và giả tràn lan có thấy bảo vệ người dân trước ô nhiễm thực phẩm đâu”.

Tài khoản Ha_Mai: “TP.HCM cần dẹp bỏ ý kiến thành lập Sở ATTP, vì Ban ATTP chỉ lo đi phạt, nhưng chẳng làm gì để hơn 80% thực phẩm bẩn đi từ chợ vào dạ dày người tiêu dùng”.

Hoàng Minh